Độc quyền từ thiện?

Chủ Nhật, 12/11/2006, 08:24

Đã nhiều năm nay, khi xảy ra thiên tai, người dân đã đặt niềm tin ở các cơ quan thông tấn báo chí. Nếu việc quyên góp từ thiện chỉ tập trung vào một số mối liệu có đảm bảo công bằng, công khai và không có tiêu cực?

Báo Lao động trên trang nhất số ra ngày 8/11 đã đưa tin về việc cơ quan này cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp và Đài Truyền hình Việt Nam sẽ là 4 tổ chức đảm nhiệm quyên góp ủng hộ, tiếp nhận, phân bổ, quản lý, sử dụng tiền hàng cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai trên toàn quốc.

Cho dù vẫn còn ở dạng dự thảo nhưng thông tin này đã gây ra một cú sốc rất lớn trong dư luận và nhất là các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, các cơ quan truyền thông khác vốn đã nhiều năm nay làm rất tốt công tác này ngay trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai không chỉ trong nước mà với cả nhân dân các nước trên thế giới. Thực hư câu chuyện này như thế nào?

Quy về một mối

Sáng 10/11, trả lời phóng viên Báo CAND - Chuyên đề ANTG về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lập, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị soạn thảo bản dự thảo nêu trên, đã xác nhận thông tin về việc xây dựng quy chế trên. Dựa trên cơ sở này, Vụ Bảo trợ xã hội được giao là đơn vị chủ trì soạn thảo và đến nay đã trải qua nhiều lần sửa đổi khác nhau.

Gần đây nhất, việc phân công nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì kêu gọi quyên góp cũng đang nghiêng về việc giao cho hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì chứ không phải là các đơn vị khác như các bản dự thảo trước đó.

"Chúng tôi đã từng đưa vào dự thảo đến 8 đơn vị là đầu mối chính nhưng về sau các ý kiến ủng hộ chủ trương nêu trên. Việc Báo Lao động đưa khi còn ở dạng dự thảo là chưa phản ánh đúng vấn đề", ông Lập nói.

Trước khi đi vào giới thiệu dự thảo này, ông Lập cho rằng, không chỉ Vụ Bảo trợ xã hội mà Chính phủ, nhân dân cả nước từ nhiều năm nay đã đánh giá cao vai trò của các tổ chức chính trị, đoàn thể và đặc biệt là của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác vận động, quyên góp cứu trợ, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai. Đối với quan điểm này, việc xây dựng quy chế thực sự đã "đi trên mây", bởi lẽ bản thân ông Lập cũng nhận định vai trò tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí thời gian qua trong công tác xã hội từ thiện, nhất là trong thiên tai.

Theo chúng tôi, làm được như thế không phải là công của báo chí mà tất cả xuất phát từ tấm lòng và truyền thống "lá lành đùm lá rách" của nhân dân ta và các cơ quan báo chí chỉ có công đã khuấy động, tập hợp sự giúp đỡ đó mà thôi. Một ví dụ là công tác XHTT của Báo CAND - Chuyên đề ANTG, ngay từ khi báo bắt đầu làm ăn có lãi đã làm từ thiện và đặc biệt là phát động phong trào tương thân tương ái trong toàn thể các tầng lớp nhân dân mỗi khi có thiên tai gây thiệt hại cho đồng bào. Các lời hưởng ứng này luôn nhận được sự quan tâm và đạt được hiệu quả rất cao, mọi thông tin đều được đăng công khai, minh bạch.

Một số nhà từ thiện khi được hỏi đã đặt niềm tin ở Báo CAND - Chuyên đề ANTG. Mặc dù vậy, trong hầu hết các lần tài trợ lớn, Báo luôn mời các nhà hảo tâm này có mặt để cùng giám sát thực hiện. Thêm vào đó, nhận thức rằng đã làm từ thiện là xuất phát từ cái tâm của mình cho nên tuyệt đối không có chuyện tư túi hay mờ ám để trục lợi.

Từ trước đến nay, chỉ có chuyện tập trung nguồn tài trợ vào một nơi để phân bổ mới nảy sinh tiêu cực mà chuyện xà xẻo tiền cứu trợ ở Hà Tĩnh vừa rồi là một bài học đau lòng.

Khẳng định chuyện xây dựng quy chế để chống tiêu cực, đảm bảo công bằng trong công tác cứu trợ nhưng khi được hỏi trước khi tiến hành xây dựng quy chế, Vụ Bảo trợ xã hội đã tham khảo ý kiến, hoặc tiến hành một điều tra nào về công tác quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng thiên tai?

Đơn cử việc tham khảo ý kiến của các đơn vị, đặc biệt là các tờ báo từ trước tới nay làm tốt công tác này như Báo CAND - Chuyên đề ANTG, Báo Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ, Báo CATP Hồ Chí Minh... xem việc thực hiện này như thế nào?

Trên thực tế, đã nhiều năm nay, khi xảy ra thiên tai, người dân đã đặt niềm tin ở các cơ quan thông tấn báo chí vì họ biết rằng món quà ít ỏi làm từ thiện của họ luôn được tôn trọng, sử dụng đúng mục đích, và đặc biệt là luôn kịp thời đến với đồng bào trong cơn khốn khó. Chưa bao giờ có phàn nàn từ phía người dân trong việc tiếp nhận và phân bổ đóng góp của họ ở các cơ quan này. Vậy tại sao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại không tham khảo ý kiến của đông đảo các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể và rộng hơn nữa là ý kiến đóng góp của nhân dân mà chỉ họp để lấy ý kiến của một số Bộ, ngành, đơn vị trong phạm vi hẹp?

Theo ông Lập, "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng xem xét đến vấn đề này, tuy nhiên do yêu cầu thời hạn phải trình quy chế này lên Chính phủ trong tháng 11, tức là thời hạn xây dựng quá ngắn nên không đủ điều kiện để lấy ý kiến tham khảo rộng rãi".

Tuy nhiên, trong dự thảo quy chế này, khác biệt lớn nhất so với trước là các tổ chức quyên góp ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sau khi quyên góp được sẽ chuyển về hai cơ quan này và ở đây sẽ thực hiện việc phân bổ. Mục đích là nhằm phân bổ công bằng, tránh thất thoát tiêu cực và liệu việc làm này có thực thi?

Lòng từ tâm có còn cơ hội?

Theo chúng tôi, do chưa có một nghiên cứu hay điều tra nào về công tác xã hội từ thiện, cứu trợ, giúp đỡ đồng bào khi bị thiên tai ở Việt Nam, nhưng từ hàng chục năm nay, với vai trò là cơ quan tuyên tuyền, cổ động của mình, nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã thực hiện rất tốt công tác này và đã nâng tầm xã hội hóa công tác cứu trợ, phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách" của cả dân tộc.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhân dân cả nước và bạn bè thế giới đã từng chứng kiến các cuộc vận động lớn ủng hộ đồng bào bị bão Linda năm 1995, và gần đây là lũ quét ở các tỉnh biên giới phía Bắc, gần nữa là ủng hộ các nạn nhân bão Chanchu, bão số 6 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Có thể nói, chưa bao giờ công tác xã hội từ thiện, quyên góp ủng hộ đồng bào lại đạt được như lúc này. Mọi thông tin về sự đóng góp cho dù rất nhỏ cũng được công khai và việc sử dụng các đóng góp đó đều công khai để mọi người cùng biết.

Bởi vậy, việc quản lý chuyện làm từ thiện thực ra cần phải xem xét thật kỹ. Xây dựng cơ chế quản lý thống nhất là cần thiết, nhưng việc xây dựng quy chế đó như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất thì cần phải cân nhắc. Làm từ thiện là xuất phát từ cái tâm và con người ta dựa vào cái tâm của mình rồi gửi gắm niềm tin trong đó. Quản lý nếu không khéo sẽ làm mất đi cơ hội của lòng từ tâm và chắc chắn sẽ phản tác dụng

Ngọc Tước
.
.
.