Đoạn tuyệt ma túy, làm lại cuộc đời

Chủ Nhật, 14/09/2014, 14:05
“Một điếu thuốc lá còn không dễ bỏ, cai nghiện ma túy còn gian nan hơn rất nhiều…”. Nhưng thực tế đã chứng minh, nếu có sự đồng thuận, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an và nghị lực vươn lên của những người từng một thời lầm lỡ, mọi khó khăn đều sẽ vượt qua.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, chợ cá Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không chỉ được biết đến với nghề truyền buôn bán cá, là nơi diễn ra hoạt động giao thương lớn nhất ở miền Bắc mà còn là nơi hồi sinh của nhiều mảnh đời lầm lỡ. Nhiều thanh niên từng một thời làm bạn với “cái chết trắng”, nhiều “yêng hùng” ra tù vào tội… đã tìm lại được chính mình, hướng thiện trở thành những công dân có ích cho xã hội. 

Kiốt của anh Cao Văn Thắng, nằm lọt thỏm giữa chợ cá Yên Sở. Lúc chúng tôi đến cũng là thời điểm hoạt động giao thương ở chợ cá diễn ra sôi động nhất trong ngày. Trong bộ quần áo mưa rộng thùng thình, đôi ủng đen to bè, anh Thắng lao vào công việc, ở đó dường như chẳng có sự phân biệt giữa ông chủ và người làm thuê… Mỗi ngày, kiốt của anh Thắng mua, bán trên dưới 6 tấn cá, với số tiền giao dịch từ khoảng 280 đến 300 triệu đồng… Cầm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, anh Thắng càng biết trân trọng hơn giá trị của lao động, nhờ đó mà anh tìm lại được giá trị của cuộc sống.

Lực lượng Cảnh sát khu vực Công an phường Yên Sở cùng với tổ tự quản bàn các biện pháp đảm bảo ANTT tại khu vực chợ cá.

Anh Thắng kể với chúng tôi rằng vào khoảng những năm 1997 và 1998, gia đình anh cũng nằm trong diện phải thu hồi đất làm Công viên Yên Sở bây giờ. Đời ông rồi đến cha anh, đều bám vào nghề cá để sống, giờ cầm một khoản tiền lớn trong tay nhưng lại chẳng có công ăn việc làm… “Miệng ăn, núi cũng lở” nên bố mẹ anh rồi những người thân trong gia đình loay hoay tìm kế sinh nhai. Qua một người quen giới thiệu, anh Thắng xin vào làm việc tại phòng điều vận của một bến xe, công việc không quá vất vả nhưng lại thường xuyên phải ca, kíp. Chính trong giai đoạn này anh Thắng bắt đầu sa ngã. Ban đầu là mấy anh em góp tiền sử dụng chung ma túy để tránh cơn buồn ngủ. Anh Thắng sử dụng ma túy từ năm 2001 và đến năm 2004 thì bắt đầu lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy. Bao nhiêu đồ đạc trong gia đình lần lượt đội nón ra đi. Nhìn cảnh người cha già lưng còng, tóc bạc, người mẹ héo hon vì con, anh Thắng cũng xót xa lắm. Nhưng đó là những lúc tỉnh, còn khi lên cơn vật thì anh chẳng còn nghĩ được điều gì khác. Năm đó, anh Thắng bị Công an phường Yên Sở lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Ba Vì.

Mười năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày cai nghiện vẫn rõ mồn một trong trí nhớ của anh. Cả trung tâm có hàng nghìn người cùng cảnh ngộ như anh… rồi kế đó là điều kiện sinh hoạt, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng, cả ngày mỗi người chỉ được một xô nước. Không chỉ học viên  mà các cán bộ của trung tâm cai nghiện cũng phải chịu cảnh ấy do thiếu nước. Trong những ngày đó, anh Thắng tự nhủ với lòng mình, vì sao anh lại phải vào đây. Đã vấp ngã một lần thì không thể vấp ngã một lần nữa. Trước khi rời khỏi trung tâm, anh đã đứng thật lâu trước cổng rồi tự dặn với lòng mình, không bao giờ bước chân vào nơi đây nữa. Và anh Thắng đã làm được. Thực tế đã chứng minh, anh Thắng đã từ bỏ được ma túy, tu chí làm ăn.

Anh Cao Văn Thắng chỉ là một trong số rất nhiều người hoàn lương, hướng thiện đang làm việc tại chợ cá Yên Sở. Ở đây còn có nhiều trường hợp khác như anh Cao Mạnh Tiến (SN 1983, trú tại tổ 23, phường Yên Sở), đối tượng có một tiền án 7 năm tù về tội giết người… sau khi ra trại, được sự giúp đỡ của Hợp tác xã dịch vụ thủy sản thương mại tổng hợp, chính quyền và lực lượng Công an cơ sở đã trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Mọi ngày, trừ  mùng một và mùng hai Tết, lúc nào Trung úy Nguyễn Văn Tấn, Cảnh sát khu vực cũng sát sao với anh em. Trong khu vực chợ này có gần 20 người từng có một quá khứ lầm lỡ đang làm việc, trong đó có 7 trường hợp tù tha… Ngoài những người địa phương kiếm sống ở khu chợ còn có các chủ buôn cá, lái xe các tỉnh đến hoạt động kinh doanh, đây cũng là điều kiện để nảy sinh tội phạm hình sự. Trước tình hình đó, UBND phường Yên Sở phối hợp với Công an phường sở tại đã thành lập ban chỉ đạo chuyên đề vận động nhân dân tham gia tự quản về ANTT tại chợ cá truyền thống Yên Sở. Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Đoàn Danh Chức, Trưởng Công an phường Yên Sở cho biết: Hằng ngày, Cảnh sát khu vực thường xuyên gặp gỡ, động viên những người từng có một thời lầm lỡ… Định kỳ hằng tháng, thường trực Ban chỉ đạo 197 tập hợp kết quả đã thực hiện, báo cáo kết quả với Đảng ủy phường để có ý kiến chỉ đạo. Sau đó, tiến hành sơ kết, nhân điển hình tiên tiến và khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc động viên phong trào. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phổ biến công tác an ninh để các họ kinh doanh, cá nhân buôn bán cảnh giác, phòng ngừa và tố giác tội phạm. Các hộ ký cam kết tự quản, tự giác bảo vệ tài sản đúng quy định, địa điểm kinh doanh, tự quản vệ sinh môi trường, nêu cao tính đoàn kết xây dựng chợ kinh doanh, thủy sản an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.

“Một trong những bí quyết để thành công đó còn là sự tâm huyết của những cán bộ hợp tác xã, đặc biệt là sự đóng góp của bác Trịnh Cao Phương, tổ trưởng…”, Trưởng công an phường, đồng chí Đoàn Danh Chức nói với chúng tôi. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng bác Phương luôn tích cực tham gia các phong trào, ngoài việc động viên, bác còn hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho những người từng một thời lầm lỗi… Có việc làm, có lòng tin của mọi người và quyết tâm làm lại cuộc đời, những con người từng một thời lầm lỗi đã thấy được những sai lầm của mình, chợ cá Yên Sở giờ là nơi họ vững tin làm lại cuộc đời

Xuân Mai
.
.
.