“Đổ nợ” do hấp tấp xây trường theo lời hứa lèo

Thứ Tư, 12/02/2014, 12:45
Nhiều tháng qua, hơn 200 học sinh của một trường tiểu học thuộc TP Cà Mau phải học ké, học nhờ tại trụ sở ấp và nhà kho trong sự bức xúc của nhiều phụ huynh. Nguyên nhân do trường cũ bị đập bỏ để xây trường mới bằng nguồn kinh phí theo lời hứa lèo của một nhà tài trợ. Trách nhiệm xuất phát từ sự vội vàng, hấp tấp của lãnh đạo Sở GD&ĐT. Hiện công trình xây dựng có dự toán được duyệt khoảng 12 tỷ đồng này đang trong tình trạng dở dang. Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa cho biết trong điều kiện ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, chưa thể điều tiết kinh phí nào để “chữa cháy” cho sự vội vàng này…

Ngay sau Tết Giáp Ngọ, chúng tôi tìm đến Cà Mau để tìm hiểu câu chuyện khiến hàng trăm bậc cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản bức xúc. Chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ Cà Mau không xa nhưng nơi mà ngôi trường tiểu học này tọa lạc (thuộc ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, TP Cà Mau) rặt vùng sâu, vùng xa. Trước mắt chúng tôi là công trường xây dựng dở dang. Một số phòng học mới vừa xong bộ khung, tường lên được khoảng 1m. Chúng tôi đến trường ngay vào lúc các em học sinh ra chơi. Thật khó có thể hình dung khi hàng trăm học sinh phải học chung với công trường đầy cát, bụi và ngổn ngang vật tư. Một giáo viên cho biết, sợ các em nghịch cát bay vào mắt, lãnh đạo nhà trường phải phân công giám thị quản lý và nhắc nhở các em. Ngoài sân đầy cát, trong phòng học tạm cả dưới nền, trên bàn đều đầy cát… 

Hiệu trưởng nhà trường, thầy Võ Văn Nghĩa, cho biết liên tiếp mấy tháng vừa qua, thầy trò của trường đã… quen với tình cảnh trên. “Hôm trời còn mưa, nước ngập tràn vào lớp, lầy lội. Mấy tháng nắng rồi, chúng tôi không sợ nóng mà sợ cát, nhất là mỗi khi có gió lùa qua”. Một giáo viên trường đồng suy nghĩ với chúng tôi, bày tỏ sự lo ngại: “Tụi nó còn nhỏ lắm, lại học hành và nô đùa trong môi trường thế này nguy hiểm cho sức khỏe”.

Nhà thầu đã rút lui sau khi ứng gần 4 tỷ đồng để thi công công trình.

Được biết, trước khi về học tại hai phòng học tạm này, cả thầy và trò nheo nhóc sang dạy, học tạm ở trụ sở ấp. “Đó là hồi cuối tháng 8/2013, khi mới bắt đầu năm học mới. Nhưng cũng chỉ ở đây được thời gian ngắn rồi ấp đòi trả trụ sở. Nhà trường phải nhờ lãnh đạo xã can thiệp nài nỉ nhà thầu thi công hai phòng học tạm bợ để việc học của các em không bị gián đoạn…”, thầy Nghĩa kể.

Về học tại phòng tạm, ngoài chuyện ánh sáng yếu, bụi cát mịt mù như đã kể, tập thể thầy trò còn phải đối mặt với một “bi kịch” khác. Hai phòng chỉ cách nhau vách lửng, âm thanh hai bên cứ… trộn vào nhau. Trước tình thế này, mấy giáo viên ngồi lại với nhau hội ý: “Hễ bên này kiểm tra bài cũ thì bên kia làm bài tập”.

Mà tính ra những lớp được bố trí tại 2 phòng học tạm vẫn còn đỡ vất vả và nguy hiểm hơn các em phải học trong các phòng chức năng cũ. Các em chen chúc nhau ngồi, phía trên bàn ghế, thiết bị dạy và học được xếp chồng chất ngổn ngang.

Chúng tôi hỏi nguyên nhân thì được lãnh đạo của Trường Trần Quốc Toản cho biết, vào khoảng tháng 7/2013, trường nhận được điện thoại của Sở GD&ĐT nói chuẩn bị tinh thần để… đập trường cũ, xây trường mới với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng bằng nguồn tài trợ của một “Mạnh Thường Quân”. Nghe tin này, tập thể lãnh đạo, giáo viên và hàng trăm bậc cha mẹ học sinh của trường nức lòng bởi nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Sở mà nay mai đây Trường Tiểu học Trần Quốc Toản sẽ trở nên bề thế, thầy trò nơi đây có điều kiện hơn để tập trung cho chất lượng giảng dạy.

Phòng chức năng của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đang chuyển công năng thành phòng học, hết sức nguy hiểm cho học sinh.

“Chúng tôi khẩn trương dọn đồ dùng học tập, bàn ghế còn đạt chất lượng vào các phòng chức năng để nhà thầu thi công đập phòng học cũ. Ngày khởi công, tiếng là vốn đầu tư hơn chục tỷ nhưng họ làm giản đơn lắm, chỉ có một cán bộ sở đến thông báo khởi công rồi cho nhà thầu đập trường. Về phía nhà thầu, lúc đầu họ xây cũng nhanh lắm nhưng chẳng bao lâu, họ rút lui. Cũng may là trước khi rút lui, họ còn kịp xây 2 phòng tạm cho các em học chứ nếu không, khi trụ sở ấp không cho mượn nữa, chúng tôi chẳng biết phải làm sao”, một giáo viên kể.

Mang bức xúc của các bậc cha mẹ học sinh và tập thể thầy cô nhà trường đi hỏi lãnh đạo xã An Xuyên thì chúng tôi được ông Lý Khánh Ly, nguyên Bí thư Đảng ủy xã An Xuyên cho biết năm 2012 (lúc đó ông Ly đương chức Bí thư Đảng ủy xã) ông có quen biết với một cán bộ hưu trí ngụ tại TP Hồ Chí Minh. “Vị này có hứa sẽ vận động các “Mạnh Thường Quân” tài trợ cho xã xây dựng một điểm trường. Thấy Trường Tiểu học Trần Quốc Toản xuống cấp nặng nên tôi cùng Chủ tịch UBND xã hai lần xin xe lên TP Hồ Chí Minh gặp đơn vị tài trợ và họ đã hứa”, ông Ly nhớ lại.

Một cán bộ xã bày tỏ ngạc nhiên khi xã ra sức vận động “Mạnh Thường Quân” tài trợ, vận động người dân hiến đất nhưng kết cuộc sau đó Sở GD&ĐT lại làm chủ đầu tư. Nguồn vốn, thiết kế, thời gian hoàn thành… xã hoàn toàn không biết. Điều đáng lưu ý nhất là khi đơn vị tài trợ không thực hiện lời hứa, nhà thầu không còn vốn để tiếp tục ứng để thi công, đến ngày 4/10/2013, Sở GD&ĐT có văn bản đề xuất Sở Tài chính, Sở KH&ĐT báo cáo UBND tỉnh xin tạm ứng nguồn ngân sách để tiếp tục thi công công trình trên.

Chiều 10/2, nguồn tin của PV Báo CAND cho biết Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau vừa Công văn số 1226/VP-XD truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT tiếp tục liên hệ với đơn vị tài trợ để tiếp nhận kinh phí tài trợ và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai đầu tư xây dựng ngôi trường theo yêu cầu của nhà tài trợ. Văn bản cũng cho biết Giám đốc Sở GD&ĐT chưa nhận được nguồn kinh phí tài trợ nhưng đã tự ký hợp đồng xây lắp với nhà thầu trên cơ sở nhà thầu tự ứng vốn trước thực hiện, nên dẫn tới nợ đọng. Đến nay, khối lượng thực hiện đạt khoảng 4,4 tỷ đồng (trong đó khối lượng xây lắp đạt khoảng 3,8 tỷ đồng) nhưng nhà tài trợ vẫn chưa chuyển vốn. Hiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn (do ngân sách năm 2013 thu không đạt khoảng 300 tỷ đồng), phải tạm dừng thanh toán vốn xây dựng cơ bản khoảng 100 tỷ đồng nên không có nguồn kinh phí cho Sở GD&ĐT tạm ứng vốn.

“Trong khi nhà tài trợ chưa chuyển vốn tài trợ nhưng Sở GD&ĐT đã triển khai thực hiện dự án dẫn đến nợ đọng khối lượng là trách nhiệm của Giám đốc Sở GD&ĐT. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT tìm giải pháp tự khắc phục vấn đề trên”, văn bản cho biết

Binh Huyền
.
.
.