Định cư ở vùng cửa gió

Thứ Tư, 03/06/2009, 15:36
Gần 200 hộ dân sinh sống ở Khu tái định cư (TĐC) Hoong Coóc, xã Hướng Linh (Hướng Hóa, Quảng Trị) đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Quân Chính, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết nguyên nhân do nơi này là vùng cửa gió.

Năm 2002, Chính phủ hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 200 tỷ đồng thực hiện dự án di dân TĐC công trình thủy lợi thủy điện Rào Quán (Hướng Hóa). Các xã nằm trong diện này gồm: Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Phùng với 341 hộ dân. Trong đó, xã Hướng Linh gần 200 hộ di dời tới Khu TĐC Hoong Coóc (cách xã cũ khoảng 10 cây số).

"Lúc di dân TĐC, bà con không muốn vào đây, nhưng vì chủ trương của huyện, tỉnh nên bà con chấp hành. Bà con không muốn là vì ở đây gió lớn quanh năm, gió lùa vào nhà cửa, gió cuốn đi bất cứ thứ gì có thể, gió làm cho cây cằn cỗi, trâu, bò chết dần; người cũng chết vì gió rét", người dân Khu TĐC Hoong Coóc mở đầu câu chuyện của mình với khách như thế.

Để chứng minh cho lời nói của họ, bà Pỉ Noan, một người dân bản Miệt (Khu TĐC Hoong Coóc) vừa đi, vừa chỉ tay vào một vài thứ ở sân nhà, cho biết: "Mình trồng cây trẩu này 3 năm rồi, nhưng chỉ lớn được chừng này; nếu trồng ở làng cũ thì phải cao gấp 3 lần chừng này. Còn 2 chiếc xe máy, xe rùa này cũng bị gió thổi, làm hư hỏng cả rồi..."  

Ông Hồ Pả Ai, Trưởng thôn Xà Bai (Khu TĐC Hoong Coóc) cho biết: "Năm 2006, thôn cũ có 75/79 hộ theo chủ trương của tỉnh đến làm ăn sinh sống ở Khu TĐC Hoong Coóc. Trong hơn 2 năm qua, bà con đã phải sử dụng nước ruộng vào ăn, uống. Nguyên nhân, do công trình nước sạch dẫn tới thôn gặp địa hình dốc, đồi; nước không lên được. Bên cạnh, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn là do đất đai cằn cỗi, không có ruộng lúa nước. Toàn thôn hiện có 20 hộ nghèo, không ít gia đình đứt bữa (đói) 3-4 tháng/năm...".

"Lúc vào đây định cư, cán bộ huyện, tỉnh chỉ tay về phía rừng, nói chỗ đó là ruộng, rẫy cho bà con, nhưng không biết cụ thể chỗ nào cả, diện tích bao nhiêu cả. Về sau, bà con theo hướng tay chỉ của cán bộ, dò dẫm tìm chỗ khai hoang, nhưng hễ đến chỗ nào thì người của thôn Hoong, thôn Coóc cũng giành của họ. Không ít gia đình sau khi khai hoang thành ruộng rồi, làm được một vụ lúa rồi, thì người bên đó giành lại. Người bản Miệt có nhà, có sân mà không có ruộng; chỗ con trâu, con bò gặm cỏ cũng không có; chúng thường bị người thôn Hoong, thôn Coóc chặt đứt chân, đứt đuôi vì cho là chúng ăn trên nương rẫy họ, trên phần đất của họ", ông Lương buồn bã cho biết thêm.  

"Do đời sống khó khăn nên đến nay có 5/28 hộ dân thôn Pa Cong (Khu TĐC Hoong Coóc) đã bỏ bản đi nơi khác", anh Hồ Văn Nguyên, Công an viên thôn Pa Cong cho biết. Anh Nguyên buồn bã kể: "Ở đây gió lớn thổi suốt ngày đêm, đầu năm 2009, con mình mới mấy tháng tuổi đã bị gió rét làm chết đó. Mình và vợ mình (chị Hồ Thị Mơn) buồn lắm...".

Già làng Hồ Văn Lương (thôn Miệt), cho biết: "Đầu năm 2009, thôn có 3 trẻ con bị chết do gió rét. Ngoài ra, cả thôn có hàng chục trâu, bò cũng bị chết do gió rét(?). Hiện tại, bà con đã phải chuyển đàn trâu, bò ra đồi 500 ở thôn cũ để chăn nuôi"...

Chúng tôi liên hệ tìm hiểu đời sống của người dân Khu TĐC Hoong Coóc với UBND xã Hướng Linh, nhưng không gặp được lãnh đạo ở đây. Một cán bộ văn phòng Đảng ủy xã sau khi gọi điện, đăng ký cho chúng tôi làm việc với ông Chủ tịch UBND xã không thành, đã liên hệ với ông Phó Bí thư Đảng ủy xã và nhận được cái hẹn là 2h chiều. Song khi chúng tôi trở lại, anh cán bộ trên cho biết, ông Phó Bí thư Đảng ủy xã đã không đến được!

Phan Thanh Bình
.
.
.