Điều tra xã hội học trước khi thu hồi đất

Thứ Năm, 19/07/2007, 10:51
Nói về việc giải quyết nhà siêu mỏng, siêu hình thể, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, quả quyết: "Chúng tôi làm được". Theo ông Biền: Trước khi lên phương án thu hồi đất, thành phố cũng cần phải có "động tác" điều tra xã hội học cho thật tốt...

Thời gian vừa qua, dư luận đã lên tiếng về sự xuất hiện của các căn nhà siêu mỏng, siêu hình thể liên tiếp mọc lên tại các tuyến phố mới ở Hà Nội. Có ý kiến cho rằng có thể giải quyết bằng cách mỗi khi có dự án mở đường, thành phố cần có chủ trương giải toả rộng hơn và tái sử dụng những diện tích đó vào các dự án phúc lợi xã hội hoặc tái định cư tại chỗ để đảm bảo yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan và quy hoạch chung của thành phố.

PV CAND Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB thành phố Hà Nội, về vấn đề này.

- Việc xuất hiện các căn nhà siêu mỏng, siêu hình thể trên các con đường mới mở của thành phố thời gian qua đã gây ra những bức xúc trong dư luận. Với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo GPMB thành phố, ông có thể cắt giải nguyên nhân?

- Trước hết, tôi cho rằng việc xuất hiện của các căn nhà siêu mỏng, siêu hình thể, không phù hợp với cảnh quan kiến trúc của một Thủ đô văn minh hiện đại là một điều đáng tiếc, và chắc chắn là không ai mong muốn. Tôi nghĩ rằng phải có một giải pháp đồng bộ và hữu hiệu hơn để giải quyết việc này. GPMB thì phải có chuyện cắt xén. Mà cắt xén nhà của dân rồi thì người ta sẽ phải sửa chữa, vá víu, xây dựng lại để đảm bảo cuộc sống. Đó là nhu cầu chính đáng.

Nhưng vấn đề ở chỗ là phải làm sao cho việc xây đựng lại của người dân vừa làm đẹp cho cuộc sống của họ, nhưng đồng thời lại phải vừa đóng góp cho cảnh quan của thành phố. Để có được điều đó thì trước hết công tác quy hoạch phải được công bố ngay. Cụ thể là phải công bố tiêu chí xây dựng, nếu người dân tự hàn vá lại thì cốt nền là thế nào, đấu hợp khối ra sao, về góc độ phép tắc như thế nào... Những điều đó phải được quy định và công bố từ trước khi làm phương án đền bù.

Song song với việc người dân có trách nhiệm thực hiện theo đúng những quy hoạch đã được công bố thì chính quyền phải có trách nhiêm giám sát. Người dân làm đúng thì hoan nghênh; người dân chưa làm đúng thì nhắc nhở; cố tình vi phạm thì phải xử lý.

Ngoài ra, trước khi lên phương án thu hồi đất, thành phố cũng cần phải có động tác điều tra xã hội học cho thật tốt để đảm bảo một phần sự công bằng cho người dân.

Bởi vì tuy chỉ còn lại những diện tích nhỏ thôi, thậm chí là dưới 15m2 (không đủ điều kiện xây dựng - pv), lúc trước nó ở vị trí 2, vị trí 3, nhưng GPMB xong nó ra mặt đường, thì giá trị của nó vênh nhau tới khủng khiếp. Và việc người dân cố tình, thậm chí là tìm mọi cách để giữ lại phần đất đó cũng là điều dễ hiểu.

Nên khi có điều tra xã hội học tốt thì ta sẽ lên phương án giải phóng thuận tiện hơn. Diện tích cần phải thu hồi sẽ được thu hồi hết và tái sử dụng với hiệu quả cao hơn. Có nghĩa là phải giải quyết từ khâu lên phương án thu hồi đất. Nếu làm được như thế thì mọi việc diễn ra đơn giản hơn rất nhiều bởi khi có quyết định thu hồi thì những mảnh đất siêu mỏng, siêu hình thể đó vẫn là những mảnh đất ở vị trí 2, vị trí 3.

- Tuy nhiên, công tác GPMB lâu nay luôn luôn chậm. Có nhiều lý do để dẫn tới chậm, nhưng nếu bây giờ lại kiêm thêm các động tác như giải thích, điều tra kỹ lưỡng các ô, thửa đất để đưa ra phương án thu hồi thì liệu có tiếp tục chậm?

- Tôi cho rằng nhanh chứ không phải chậm. Vì khi ta làm công khai, có cơ chế thực hiện rồi để người dân hiểu được và ủng hộ thì sẽ dễ thôi. Nhưng vấn đề là phải công bố công khai, tuyên truyền rộng rãi, rõ ràng mọi vấn đề có liên quan cho người dân hiểu và chấp hành. Khi đó chi phí ban đầu tưởng là lớn, nhưng nếu dự án êm xuôi thì nguồn thu lại sẽ không phải nhỏ. Và cái được lớn nhất là một bộ mặt đô thị chỉnh trang.

Giải phóng rộng 2 bên đường để đầu tư tuyến phố đẹp, vừa tái định cư tại chỗ cho người dân là biện pháp tối ưu. Nhưng phải có những quy định có tính pháp lý để buộc người dân phải tuân theo dựa trên cơ sở lợi ích và công bằng của người dân được đặt lên tối đa. Đó là bài toán về kinh tế, bài toán về quy hoạch đô thị, bài toán về hiệu quả về mọi mặt cho mỗi phương án GPMB.

Làm như thế cũng không tốn kém hơn đâu, vì sau đó ngân sách có thể thu lại được từ chính những phần đất đã được giải toả dành cho các dự án phát triển đô thị khác.

Tuy nhiên, cũng có thể sẽ vấp bởi đã từng xảy ra chuyện khi mở đất làm đường thì dân đồng ý, nhưng nếu biết là đất của họ bị thu hồi để phục vụ dự án khác hay đem đi đấu giá là họ sẽ phản ứng đấy. Lúc này lại phải giải thích, giải thích thì lại phải đi đôi với việc thực hiện dự án đàng hoàng, công khai để người dân tin tưởng thì mới giao đất. Việc này cũng phải có giám sát.

- Nhưng nói đến tuyên truyền, thuyết phục để người dân nghe theo trong trường hợp này liệu có sợ bị coi là “duy ý chí” quá không khi ai cũng hiểu để đạt được đồng thuận còn phải dựa trên cơ sở hoà đồng giữa các lợi ích?

- Đúng vậy! Nhưng cần phải làm rõ trong vấn đề giải quyết nhà siêu mỏng, siêu hình thể ở đây phải được coi là vì lợi ích của chính người dân, cho chính những người sống ở khu vực đó. Không ai khác mà chính người dân sẽ được hưởng những điều kiện tốt nhất, hưởng một sự đồng bộ về quy hoạch kiến trúc, tổng thể về cơ sở hạ tầng, về trường học, trạm y tế đến mỹ quan đô thị tại chính nơi họ sinh sống.

- Nếu bây giờ thành phố áp dụng GPMB quy mô hơn để giải quyết vấn nạn nhà siêu mỏng, thì công tác GPMB có thực hiện được không, thưa ông?

- Tất nhiên công tác GPMB còn phụ thuộc vào sự phân cấp cụ thể khi bắt tay vào từng việc. Tuy nhiên, về phía Ban Chỉ đạo GPMB, chúng tôi làm được.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Việt Ba
.
.
.