Điêu đứng vì hoa chết hàng loạt

Thứ Ba, 23/04/2019, 08:22
Những ngày qua, hàng chục gia đình, doanh nghiệp chuyên canh hoa cúc tại TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) điêu đứng khi phải đối mặt với tình trạng loại hoa này chết trắng hàng loạt, phải nhổ bỏ cả vườn, thiệt hại rất lớn. Nguyên nhân được xác định là do virus đốm héo cà chua TSWV gây ra...

Anh Trương Văn Bôn (ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Đà Lạt) vào tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương thuê đất trồng hoa cúc với hi vọng đổi đời, thậm chí làm giàu từ loại hoa này như nhiều người đã từng. Thế nhưng, niên vụ xuân hè 2019, gia đình anh đã phải đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng, nguy cơ mất “cả chì lẫn chài” vì toàn bộ 1.300m2 hoa cúc trong nhà kính của anh đang nhiễm bệnh, khiến cây còi cọc, thối lá, thối rễ và chết dần. 

Hiện gần 50% diện tích hoa cúc của gia đình anh bị chết hoặc không còn khả năng cho thu hoạch mặc dù cây đã bước sang thời kỳ chuẩn bị ra hoa. Theo anh Bôn, đây không phải là lần đầu tiên vườn hoa cúc của gia đình anh bị nhiễm bệnh. Hơn một năm qua, tình trạng hoa cúc mắc bệnh lở cổ rễ, gỉ sắt, phấn trắng... đặc biệt là bệnh đốm lá, gây hư hại diễn ra với mức độ liên tục, mặc dù gia đình anh đã sử dụng nhiều loại thuốc để đặc trị nhưng không đem lại kết quả khả quan.

Nhiều gia đình, doanh nghiệp trồng hoa cúc phải nhổ bỏ hàng loạt vì dịch bệnh tràn lan.

Dọc một số tuyến đường tại thị trấn Lạc Dương, “thủ phủ” hoa cúc mới hình thành của tỉnh Lâm Đồng, nhiều diện tích cúc đang trong thời kỳ sắp ra hoa bị nhiễm bệnh nặng, gia chủ nhổ bỏ đắp thành từng đống bên đường. Ông Nguyễn Văn Hưng, người vừa nhổ bỏ toàn bộ hơn 1.000m2 hoa cúc trong nhà kính cho biết, đây là lần thứ hai trong vòng một năm qua gia đình ông buộc phải nhổ bỏ cả lứa hoa vì nhiễm bệnh nặng đến mức không thể cứu chữa được.

Đó là chưa kể những vụ trước, hoa cúc nhiễm bệnh gia đình ông Hưng cũng phải nhổ bỏ từ 20-60% số cây bị bệnh. Ông Hưng cho biết, suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng hoa cúc nhưng chưa bao giờ loại cây này lại phải đối mặt với dịch bệnh tràn lan, kéo dài và gây thiệt hại lớn như hiện nay. 

Theo ông Hưng, dịch bệnh trên hoa cúc ngày càng khó chữa trị, sâu bệnh có hiện tượng kháng thuốc, cây nhiễm bệnh thường chết rất nhanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do đất đã nhiễm virus, biến đổi khí hậu và nhất là nguồn giống không còn đảm bảo. Thời điểm hoa cúc bị bệnh thường vào giai đoạn sắp trổ bông nên gây ra thiệt hại rất lớn cho nông dân. Hiện cứ 1.000m2 hoa cúc gia chủ phải đầu tư khoảng 60 triệu đồng.

Không chỉ nông dân, doanh nghiệp trồng hoa cúc cũng đang “đau đầu” vì dịch bệnh. Anh Tùng, giám đốc một doanh nghiệp có trồng hoa cúc tại TP Đà Lạt cho biết, sau ba lứa hoa phải nhổ bỏ vì dịch bệnh không chữa trị được dẫn đến thất thu, doanh nghiệp của anh buộc phải chuyển gần một nửa diện tích sang trồng các loại rau. Diện tích đất còn lại anh Tùng chuyển sang làm cúc giống mới, có khả năng kháng bệnh tốt hơn, chấp nhận chi phí đầu tư cao.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, tác nhân gây bệnh trên hoa cúc là virus đốm héo cà chua TSWV (Tomato spotted wilt virus). Đây là dịch bệnh nguy hiểm, gây hại trên nhiều loài cây trồng như hoa cúc, xà lách, cà chua, atisô, húng quế… Loài virus này phát hiện lần đầu tại Lâm Đồng vào giữa tháng 4-2017.

Loài virus lây lan qua bọ trĩ và nhân giống vô tính. Sau khi xác định nguyên nhân gây bệnh, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã khuyến cáo, các vườn sản xuất cây giống phải bảo đảm những điều kiện về cách ly, chế độ vệ sinh, thường xuyên kiểm tra tình hình gây hại của bệnh đốm héo tại vườn ươm, nếu có triệu chứng phải nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ lô giống. 

Với các nhà vườn, chú ý vệ sinh vườn, xử lý đất thu gom, tiêu hủy nguồn tàn dư thực vật nhiễm bệnh trước khi trồng, vườn bị nhiễm nặng phải nhổ bỏ và thu gom toàn bộ cây bị bệnh, tiêu hủy tập trung, không luân canh cây xà lách với hoa cúc, cà chua, húng quế, vì cùng là ký chủ của virus…

Dịch bệnh gây hại khiến năng suất và chất lượng hoa cúc tại huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt giảm mạnh trong vòng hai năm qua nhưng giá loại hoa này lại rất thấp. Có nhiều thời điểm nhà nông phải nhổ bỏ vì không thể bán được, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2019 vừa qua. TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương là nơi chuyên canh hoa cúc lớn nhất cả nước với diện tích ước tính khoảng hơn 2.500ha. 

Mỗi năm, người trồng hoa cúc trên vùng đất này canh tác được từ 3 - 4 vụ, đem lại doanh thu rất lớn nếu hoa không bị dịch bệnh gây hại và giá cả ổn định.

Khắc Lịch
.
.
.