Điện cao thế "bao vây" người dân

Thứ Ba, 12/10/2010, 10:55
Trong nhiều tháng nay, người dân xóm 4 và xóm 9, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương và xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) phải sống chung với nguồn điện cao thế bị nhiễm mà không hề hay biết. Họ chỉ biết hằng ngày cứ vào mỗi buổi chiều phía trên nóc nhà phát ra âm thanh nghe lạ và sau những lần ấy tai lại ù. Mới đây cả làng khiếp đảm khi một đứa trẻ phát hiện trên dây phơi trước nhà có điện giật.
>> Sống chung với "tử thần"

Sống trong sợ hãi

Từ khi hai tổ máy của Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương - Nghệ An) hòa vào lưới điện quốc gia (ngày 1/3) cũng là khi các hộ dân thuộc xóm 4, xóm 9, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương và xóm Kỳ, xóm Đình, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên - nơi có đường điện cao thế 220KVA đi qua, sống trong lo âu, hoảng loạn, nhiều người đã đổ bệnh.

Tại nhà ông Võ Hữu Chu (xóm 4, Nhân Sơn - Đô Lương), hiện tượng nhiễm điện nặng nhất, mọi thứ trong nhà nếu bằng kim loại đều nhiễm điện. Đặc biệt là chiếc dây phơi chỉ cần chạm tay vào là đầu ngón tay tê rân, khi đưa bút điện vào thử thì sáng, ngay cả chiếc quần lao động khi đi làm đồng về vắt lên dây phơi đưa bút điện vào thử cũng sáng bình thường. Không chỉ nhà ông Chu, cạnh đó nhà bà Nguyễn Thị Thơi điện nhiễm xung quanh nhà.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại xóm 4 và xóm 9 thì khoảng hơn 10 hộ dân có đường điện đi qua trên đỉnh nhà, nhiều hộ có cột nằm ngay trước cửa nhà như nhà ông Chu, ông Giáp (xóm 4) và những hộ gia đình này đều có hiện tượng nhiễm điện chỉ khác là ở mức độ nặng nhẹ. "Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa gió thì càng ghê người hơn, dây điện rung mạnh, kèm theo đó là những tiếng ù, tiếng kêu như ôtô chạy", bà Dần (vợ ông Chu) nói với thái độ khiếp đảm.

Hầu hết các dụng cụ bằng kim loại được người dân ở đây thay bằng gỗ hoặc tre, tivi bị nhiễu, trôi, giật không xem được, cọc ăng-ten phải hạ thấp. "Chúng tôi phải hạ  thấp ăng-ten xuống không là điện giật cháy tivi, thậm chí còn nguy hại đến tính mạng" - ông Chu cho biết.

Ông Chu đang dùng bút thử điện cho phóng viên xem.

Theo lời nhiều người dân thì chuyện xã Nhân Sơn bị nhiễm điện bắt đầu từ việc em Phan Văn Ba (11 tuổi) tình cờ vít vào dây phơi. Em Ba bị điện giật ngã vật ra. Trước khi xảy ra việc này, người dân không lý giải được tại sao sức khỏe của họ rất thất thường. Nếu không có tai nạn trên thì không ai biết tình trạng bị nhiễm điện.

Ông Nguyễn Đăng Chú - Chủ tịch xã Nhân Sơn cho biết: "Việc điện nhiễm tại hai xóm 4 và 9 là có, tuy nhiên việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của xã nên chúng tôi cũng không giải quyết được". Ông Chú còn cho biết thêm, sau khi nhận được thông tin của nhân dân phản ánh xã đã có công văn gửi lên cấp có chức năng và họ cũng đã xác nhận, tuy nhiên ngành Điện cho rằng, việc nhiễm điện ở đây vẫn nằm trong chuẩn an toàn.

Không chỉ ở xã Nhân Sơn (Đô Lương), mà ở xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Tại xóm Kỳ, xóm Đình, xã Hưng Tây gia đình chị Nguyễn Thị Dung, chị Nguyễn Thị Hà cũng có đường điện cao thế chạy qua và việc nhiễm điện cũng tương tự như ở Nhân Sơn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Nhân Sơn (Đô Lương) và Hưng Tây (Hưng Nguyên), là hai làng quê thuần nông, từ bao đời nay người dân sống thanh bình yên ả. Kể từ khi hai tổ máy ở thủy điện Bản Vẽ phát điện thì cuộc sống của người dân hoàn toàn đảo lộn. Và từ khi phát hiện ra việc nhiễm điện thì họ sống trong lo âu, hoảng loạn. Trẻ nhỏ thì sợ hãi, rồi những giấc mơ hành hạ sinh bệnh còn người già thì lo âu cũng đổ bệnh.

Mặc dù người dân gửi văn bản kiến nghị nhiều lần nhưng các cơ quan chức năng vẫn "án binh bất động". Chúng tôi tìm đến Ban Quản lý dự án Thủy điện Bản Vẽ, ông Nguyễn Duy Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Ban Quản lý dự án thủy điện Bản Vẽ cho hay: "Về đường dây này thì không thuộc Ban quản lý và chủ đầu tư cũng không phải ban, mà của đơn vị khác. Sau khi làm xong họ bàn giao lại cho Công ty Truyền tải điện Nghệ An".

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề về chuyên môn thì ông Tân cũng cho biết là theo quy định thì gặp nhà dân đường điện cần phải tránh vì quy định là không được phép làm nhà dưới đường điện, mà dân thì sống bao đời nay rồi mới có đường điện. Đã gần hơn 7 tháng trời trôi qua, người đang phải sống trong lo âu, thấp thỏm.

Tìm đến Công ty Truyền tải điện Nghệ An (đơn vị tiếp quản) đường điện cao thế 220KVA từ Bản Vẽ về Hưng Đông, TP Vinh. Tiếp chúng tôi, ông Hoàng Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty cho biết: "Ở Nhân Sơn, Đô Lương thì chúng tôi đã biết và đã kiểm tra còn ở Hưng Tây, Hưng Nguyên thì chúng tôi chưa nghe nói. Còn ở Nhân Sơn sau khi đoàn đi kiểm tra đã kết luận là vẫn an toàn".

Khi phóng viên hỏi vì sao khi thi công đường điện chạy qua tim nhà dân và là rất nhiều nhà chứ không phải một mà "nhà điện" vẫn làm là sao? Thì được ông Nghĩa trả lời: "Về vấn đề này thì các anh ra Hà Nội mà hỏi, tôi không biết vì tôi chỉ tiếp quản"???.

Ngay cả chúng tôi cũng không hiểu nổi khi lãnh đạo một cơ quan chức năng lại trả lời như thế. Khi chúng tôi đặt vấn đề về tái định cư cho những hộ dân có đường điện chạy qua giữa nhà thì ông Nghĩa cho rằng muốn làm được điều đó phải thay đổi được Nghị định của Chính phủ. Như vậy những người dân này phải sống trong lo âu sợ hãi đến bao giờ?

Tùng Nguyễn
.
.
.