Đồn Biên phòng Tuy Hòa, Phú Yên:

Điểm tựa vững chắc vùng biên giới, hải đảo

Thứ Hai, 03/03/2014, 08:39
Khi ánh bình minh vươn dậy trên mặt biển lấp loáng những con sóng bạc đầu vỗ nhẹ vào bờ cát trắng cũng là lúc tổ trinh sát của Đồn Biên phòng Tuy Hòa thuộc Bộ đội Biên phòng Phú Yên trở về đơn vị sau một ca tuần tra bảo vệ an ninh trật tự vùng biên. Trên gương mặt Thiếu úy, Tổ trưởng Nguyễn Xuân Long cùng các đồng đội của mình rạng rỡ niềm vui sau một đêm yên bình.

Tiếp chuyện phóng viên giữa buổi sáng đầu tháng ba, Thượng tá Trần Anh Đức, Chính trị viên trưởng Đồn Biên phòng Tuy Hòa - người đã có hơn ba chục năm khoác áo lính ở vùng biên, cho biết: “Tuyến biên phòng do đơn vị đảm nhiệm hơn chục cây số, qua hai xã và năm phường thuộc địa bàn TP Tuy Hòa. Toàn tuyến có 16.450 gia đình, gồm 69.975 người dân và 1.220 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 430 tàu thuyền hành nghề ở ngư trường xa với những chuyến biển dài ngày. Cùng với việc thường xuyên phối hợp lực lượng Công an bảo vệ an ninh trật tự ở các địa bàn dân cư ven biển, Đồn Biên phòng Tuy Hòa chú trọng đẩy mạnh công tác vận động người dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống thường nhật, xây dựng các tổ tàu thuyền an toàn, hướng dẫn ngư dân bám biển, vươn ra ngư trường xa khai thác hải sản kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Ngoài việc xây dựng 306 tổ tự quản, 26 chốt gác nhân dân tạo thế trận an ninh trật tự khép kín, trong 5 năm qua, Đồn Biên phòng Tuy Hòa cùng Công an các xã, phường xử lý 232 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, phối hợp với Liên đoàn Lao động, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tuy Hòa thành lập 2 nghiệp đoàn nghề cá, hỗ trợ hơn 100 triệu đồng cho 9 người dân xây dựng nhà trong cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, xây dựng hơn 2km đường giao thông nông thôn ở xã Bình Kiến. Mặt khác, đơn vị còn huy động cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, trục vớt, cẩu kéo 34 tàu đánh cá mắc cạn ở cửa biển Đà Diễn, tìm kiếm  13 nạn nhân chết đuối, giải quyết ổn thỏa 17 vụ việc tranh chấp do va chạm tàu thuyền, ngư cụ trên biển.

Tổ trinh sát Đồn Biên phòng Tuy Hoà tuần tra bảo vệ an ninh trật tự.

Đặc biệt, bên cạnh việc xây dựng 20 tổ tàu thuyền an toàn gồm 148 phương tiện và 1.410 ngư dân, thông qua hệ thông liên lạc Incom, Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng đã chỉ đạo ngư dân cứu nạn 15 người nước ngoài giữa khơi xa, mời thợ máy, bác sĩ quân y hướng dẫn khắc phục sự cố kỹ thuật, sơ cứu vết thương 45 trường hợp tàu đánh cá hư hỏng, bị tàu lạ uy hiếp, ngư dân tai nạn, đồng thời khẩn báo cho 3.200 lượt tàu đánh cá hướng mũi lái rời khỏi tầm nguy hiểm của giông bão, áp thấp nhiệt đới. Gần đây nhất, Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã phối hợp chính quyền phường 6 và phường Phú Đông giải thích, vận động hàng chục ngư dân rút đơn khiếu kiện, tạo điều kiện thực hiện dự án nạo vét, khai thông cửa biển Đà Diễn, không để xảy ra “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự.

Đại úy Nguyễn Ngọc Ry, Phó trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng nhớ lại, cách đây hơn một năm, trong lúc đang hành nghề câu cá ngừ đại dương ngoài khơi xa, nhóm ngư dân trên tàu đánh cá PY-92647 do anh Trần Văn Lực, trú ở phường 6, TP Tuy Hòa làm thuyền trưởng, phát hiện 7 người nước ngoài bấu víu một bè phao nhỏ trong tình trạng kiệt sức. Nhận được tin báo qua máy Incom, Đại úy Ry hướng dẫn nhóm ngư dân cứu nạn, chăm sóc sức khỏe và thực hiện một số biện pháp cần thiết để phòng ngừa cướp biển ẩn mình dưới vỏ bọc người bị nạn.

Dừng chân, trao đổi kinh nghiệm trên đường tuần tra. Ảnh: Hữu Toàn.

Sau khi được đưa vào bờ, Ông M.Khorshed Alam, 48 tuổi, quốc tịch Bangladesh và 6 cộng sự cho biết, trong lúc họ đang vận hành tàu biển WANTAS 6 của Hãng Wantas Shiping SDN BHD ở ngoài khơi Malaysia thì bị một nhóm hải tặc bất ngờ ập tới dùng vũ khí khống chế cướp tàu, 7 người bị đẩy xuống chiếc bè phao trôi dạt trên biển suốt 11 ngày đêm. Giữa lúc họ đã đuối sức thì vận may đã đến khi được ngư dân Việt Nam cứu nạn. Qua người phiên dịch, ông Alam bày tỏ với Chỉ huy Đồn Biên phòng Tuy Hòa rằng: “Chúng tôi thật sự cảm ơn những người đã cứu nạn, chăm sóc và sự đón tiếp giàu tình nhân ái của nhà chức trách Việt Nam. Nếu không được cứu giúp kịp thời, sinh mệnh bảy người khó hy vọng còn sống sót vì nước uống không còn, có người đã kiệt sức”.

Còn anh Lê Văn Giúp, trú ở khu phố Lê Duẩn, phường 6, TP Tuy Hòa, thuyền trưởng tàu đánh cá PY-92305 TS đã từng bị tàu lạ nổ súng uy hiếp ngay trên vùng biển chủ quyền Việt Nam cách đây hơn hai năm, tâm sự: “Nhờ Bộ đội Biên phòng Tuy Hòa động viên qua máy Incom, hướng dẫn các biện pháp đối phó tinh tế, linh hoạt, chúng tôi đã bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản”. Anh Giúp khẳng định: “Sự gắn bó thân thiện của Bộ đội Biên phòng đã giúp ngư dân tự tin vươn ra khơi xa khai thác hải sản. Biển của mình, cá của mình, mình phải đi đánh bắt, vừa kiếm cơm vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Ngồi trước trang viết, tôi chợt nhớ câu nói chân tình của Trung tá Đặng Ngọc Tường, Trưởng đồn Biên phòng Tuy Hòa: “Để có điểm tựa vững chắc, bảo vệ bình yên vùng biên giới, biển đảo, những người lính chúng tôi luôn chủ động hòa nhập thân thiện như con em của dân, tạo niềm tin bền vững với người dân bằng những hành động phối hợp chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ họ vượt khó, thoát nghèo…”

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.