Điểm mặt 3 công ty “xẻ thịt” đê điều tại Hà Nội

Thứ Hai, 13/08/2012, 04:40
Đê điều, hành lang thoát lũ bị vi phạm nghiêm trọng và công khai trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, mức độ xử lý hầu hết chỉ dừng ở việc ra những quyết định đình chỉ, cưỡng chế trên giấy. Thực trạng lấn chiếm đê điều và vi phạm Pháp lệnh Phòng chống lụt bão ở Hà Nội đã đến mức “báo động đỏ”, nhưng chính quyền địa phương vẫn không xử lý kiên quyết, để vi phạm tồn tại trong suốt nhiều năm.

Thi nhau “xẻ thịt” đê điều

Không chỉ lấn đất làm nhà, tập kết vật liệu xây dựng, đê điều Hà Nội đang bị “xẻ thịt” với mức độ vi phạm nghiêm trọng và rất ít vụ vi phạm được xử lý dứt điểm. Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra Bộ NN&PTNT, Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ Chèm (xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm) có tới 9 vụ vi phạm liên quan đến Pháp lệnh Đê điều. Mặc dù những sai phạm này xảy ra từ thời điểm năm 2004 - 2008 nhưng đến tận bây giờ, các công trình vi phạm vẫn tồn tại.

Khi đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT đến kiểm tra, toàn bộ phần đất của công ty nằm hoàn toàn trên bãi sông ngoài đê hữu sông Hồng, tương ứng từ K51+800 đến K52+000, điểm gần nhất cách chân đê chính 20m, phía ngoài tiếp giáp với đê bối.

Chưa kể các công trình nhà xưởng, bãi chứa cấu kiện bê tông đúc sẵn chất thành đống, cao khoảng 5-7m và bãi tập xe cũng đang hoạt động trên đất đê điều. Kết luận cho thấy, Công ty này đã vi phạm Pháp lệnh Phòng chống lụt bão: san lấp đất tôn cao bãi sông để tạo mặt bằng xây dựng; xây dựng mới công trình không phép trên bãi sông; cải tạo nhà, xưởng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép; mở rộng mặt bằng trong quá trình cải tạo. Những sai phạm này đều đã bị lập biên bản đình chỉ thi công từ nhiều năm trước, thậm chí đã có nhiều quyết định cưỡng chế của UBND xã Liên Mạc nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay, những vi phạm đó vẫn tồn tại.

Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội đổ hàng nghìn m3 đất lấp dòng chảy sông Hồng.

Cũng trên địa bàn xã Liên Mạc, đoàn thanh tra của Bộ NN&PTNT đã kiểm tra và lập biên bản Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long vì vi phạm nhiều lần. Công ty này cũng ngang nhiên xây dựng các công trình trái phép, không phép như nhà xưởng, đổ bê tông sân nền, xây dựng mố cầu ở mép sông… gây cản trở hành lang thoát lũ. Cũng giống như Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ Chèm, vi phạm của Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long là có hệ thống, nhiều lần và chưa được xử lý.

Điều đáng nói là chính quyền địa phương dường như đã lờ đi đề nghị của Bộ NN&PTNT yêu cầu khẩn trương thanh thải vật liệu xây dựng đang tập kết trên bãi sông cách đây 2 năm. Và hiện nay, những vi phạm ở khu vực này vẫn tồn tại, thậm chí phát sinh thêm những vi phạm mới.

Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, UBND TP Hà Nội chưa quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao xử lý vi phạm nên hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế. Các hình thức xử lý vẫn chỉ mang tính hình thức, không nghiêm, không có tính răn đe. Nói cách khác, vi phạm nào cũng có rất nhiều quyết định xử phạt, cưỡng chế nhưng lại không triển khai thực hiện kiên quyết. Hầu hết các quyết định cưỡng chế chỉ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng mà không đề cập đến vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão nên làm giảm mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thanh tra TP Hà Nội làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra vi phạm hoặc thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão theo chỉ đạo của UBND TP. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng xem xét một số vụ vi phạm nghiêm trọng kéo dài, cố ý làm trái để xử lý theo quy định.

Một trong những điển hình về vi phạm Pháp lệnh Phòng chống lụt bão là vụ việc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã tự đổ đất, phế thải xây dựng, ngăn dòng thoát lũ của sông Hồng tại gầm cầu Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Được UBND TP Hà Nội giao quản lý, duy trì và vận hành diện tích khu vực dưới gầm cầu Thanh Trì để sử dụng vào mục đích trông giữ xe ôtô, xe máy.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, công ty này đã tự ý đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng ngay tại vị trí nằm trong khu vực thoát lũ. Theo kết luận của Thanh tra Bộ NN&PTNT, toàn bộ khu vực gầm cầu đã được san phẳng, đầm chặt, cao hơn mặt đê bối khoảng 2m, mặt rộng khoảng 30m (như một tuyến đập chắn ngang dòng chảy lũ).

Cách đây 1 năm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản số 1157/SNN-ĐĐ khẳng định không chấp thuận dự án xây dựng điểm đỗ xe khu vực gầm cầu Thanh Trì từ trụ số 31 đến trụ số 44 thuộc bãi sông Hồng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Việc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tự đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng là vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão, yêu cầu Công ty này phải hoàn trả lại hành lang thoát lũ cho sông Hồng. Nhưng Công ty Khai thác điểm đỗ vẫn phớt lờ các văn bản này.

Phải “họp lên, họp xuống”, thậm chí UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thanh Trì còn thành lập tổ ứng trực chống đổ phế thải tại chân cầu Thanh Trì thì gần đây, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội mới chịu khắc phục hậu quả.

Nhiều địa phương dung túng cho vi phạm

3 vụ việc vi phạm nghiêm trọng trên chỉ là con số rất nhỏ trên tổng số các vụ vi phạm hành lang thoát lũ, lấn chiếm đê điều trên địa bàn TP Hà Nội. Từ năm 2008 đến hết quý I năm 2012, trên địa bàn thành phố xảy ra đến 1.616 vụ vi phạm, hiện đã xử lý được 741 vụ, chỉ đạt 45,85%, còn tồn đọng tới 875 vụ.

Hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, nhà xưởng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; xẻ đê làm dốc; xây dựng lò gạch trên bãi sông, đổ đất, phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông; xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ; khai thác cát không phép. Đặc biệt nghiêm trọng là các vi phạm tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng với khối lượng và chiều cao lớn trên bãi sông ảnh hưởng đến thoát lũ, ổn định bờ, bãi sông, ảnh hưởng an toàn đê điều; xe quá tải trọng cho phép đi trên đê xảy ra ở hầu khắp các tuyến đê của thành phố làm hư hỏng mặt, thân đê; đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng lấn chiếm bãi sông, lòng sông.

Những địa bàn có nhiều vụ vi phạm là các quận, huyện, thị xã như Ứng Hoà, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Tây, Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên vẫn còn tới 20 lò gạch và bãi tập kết cát sỏi trên bãi sông Hồng…

Ngọc Yến
.
.
.