Điểm đỗ ít, lái xe gặp khó

Chủ Nhật, 27/06/2010, 11:45
Không có chỗ đỗ, nhiều lái xe đành chọn cách chạy lòng vòng trên phố. "Nếu một ngày chỉ được một vài khách, lại đi cuốc ngắn thì chẳng đủ tiền để đổ xăng" - anh Hùng, lái xe Hoàn Kiếm taxi thở dài.

Phạt 800.000 đồng, tước giấy phép lái xe trong 30 ngày. Đây là mức phạt phổ biến mà nhiều lái xe taxi vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định đã phải "thi hành", kể từ khi Hà Nội thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị định này, tình hình TTATGT trên địa bàn Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, với việc xử phạt này, nhiều lái xe taxi thực sự bị "choáng" và lo lắng đời sống sẽ bị ảnh hưởng khi Hà Nội mới chỉ quy hoạch được 32 điểm dừng, đỗ dành cho xe taxi.

"Méo mặt" vì bị phạt lỗi đỗ, dừng sai quy định

Vừa nghe chúng tôi nhắc đến Nghị định 34, anh Vũ Trọng Quân, lái xe hãng taxi Hanoi CP méo mặt kể lại: Ngày 22/5, anh vừa dừng xe trả khách trên phố Tràng Thi thì bị 2 đồng chí CSGT tuýt còi xử phạt do không dừng đúng điểm đỗ. Mức xử lý mà anh Quân phải chấp hành là 800.000 đồng và tước giấy phép lái xe trong 30 ngày. Nghỉ một tháng ở nhà, đến ngày 22/6, anh Quân mới được đi làm trở lại.

"Đối với người lao động đời sống còn nhiều khó khăn như lái xe taxi thì việc nghỉ làm 1 tháng đã ảnh hưởng không nhỏ đến "nồi cơm" gia đình. Tôi thật sự bị "choáng" trước mức phạt tăng cao này. Kể từ khi đi làm trở lại, tôi đã ý thức hơn trong việc chấp hành quy định Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là các quy định về dừng, đỗ để tránh không bị xử phạt lần nữa" - anh Quân tâm sự.

Song, điều mà anh Quân và nhiều lái xe taxi khác bức xúc là việc quy hoạch 32 điểm đỗ, dừng cho xe taxi trong 15 phút trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội quá ít so với số lượng taxi hiện nay.

Điều đó dẫn đến việc lái xe taxi tìm mọi cách "đối phó" để tránh bị phạt, chui vào các phố nhỏ, ngõ nhỏ và lại gây ra ùn tắc giao thông ở những khu vực này. Mặt khác, cùng trên một tuyến phố, cùng lỗi vi phạm đỗ, dừng, trong khi xe taxi bị xử phạt thì nhiều xe ôtô dân sự khác lại không bị CSGT xử lý…

Xử lý nghiêm xe vi phạm đỗ, dừng không đúng quy định đã góp phần tích cực giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Tâm trạng của anh Quân cũng là tâm trạng chung của những người hành nghề lái xe taxi hiện nay trên địa bàn Hà Nội, từ khi Nghị định 34 được triển khai thực hiện. Các lái xe cho biết, ngay tại các điểm được phép đỗ, dừng cũng có nhiều bất hợp lý như một số xe "cố thủ" để chờ khách mua sắm, giao dịch, quá thời gian 15 phút so với quy định khiến các xe khác không có chỗ đỗ. Vì vậy nhiều khi khách yêu cầu xuống xe không đúng nơi có biển báo, họ vẫn phải mạo hiểm dừng lại, vừa dừng vừa ngó nghiêng canh chừng CSGT. Khách vừa rời xe là "vù" thật nhanh kẻo bị "tóm".

Không có chỗ đỗ, nhiều lái xe đành chọn cách chạy lòng vòng trên phố. "Nếu một ngày chỉ được một vài khách, lại đi cuốc ngắn thì chẳng đủ tiền để đổ xăng" - anh Hùng, lái xe Hoàn Kiếm taxi thở dài. Anh cho biết, chưa khi nào lái xe taxi mà tâm trạng luôn nơm nớp như hiện nay bởi bị xử phạt vi phạm một lần coi như "treo niêu" cả tháng rồi còn gì.

Kêu là như vậy, nhưng nhiều lái xe taxi cũng công nhận từ khi thực hiện Nghị định 34, rõ ràng ý thức chấp hành Luật Giao thông của họ tốt hơn trước bởi "sợ" bị phạt.

Xe nào vi phạm cũng bị xử lý

Đánh giá của Phòng CSGT Công an Hà Nội, từ khi thực hiện Nghị định 34, tình hình giao thông ở Hà Nội có những chuyển biến tốt, đã tác động tích cực đến ý thức của người tham gia giao thông. Tình hình giao thông trên một số tuyến phố có cải thiện rõ nét. Như trên tuyến phố Hai Bà Trưng trước đây, mặc dù bố trí 4 làn xe nhưng do việc đỗ, dừng của ôtô vẫn gây ùn ứ.

Từ khi thực hiện xử phạt dừng, đỗ sai quy định, tuyến phố đã thông thoáng, thuận lợi cho nhân dân đi lại. Hoặc tuyến đường Yên Phụ với 2 làn xe chạy, mật độ phương tiện đông nhưng hiện nay, các phương tiện đã chấp hành đúng vạch sơn, không đi sai phần đường. Tuy tốc độ phương tiện đi lại có thể chậm hơn so với trước nhưng không xảy ra ùn tắc giao thông. Tai nạn giao thông cũng được kiềm chế trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và bị thương.

Riêng về phương tiện taxi, theo Trung tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng TMTH Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, từ khi thực hiện Nghị định 34 đến nay, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý 297 taxi vi phạm trong tổng số 5.566 trường hợp đỗ, dừng sai quy định. Các lỗi vi phạm chủ yếu của taxi là đỗ, dừng bên trái chiều đường (điển hình như ở Viện Mắt TW, Trung tâm thương mại Vincom, là những tuyến đường một chiều nhưng lái xe taxi vẫn dừng trái chiều để đón khách); lỗi quay đầu ở những nơi không được phép quay đầu xe, như ở các phố nhỏ, lái xe quay đầu đón khách gây ra ùn ứ giao thông; lỗi không đi đúng phần đường do chạy nhanh đón khách, lấn trái để vượt các phương tiện khác.

CSGT Hà Nội lập biên bản xử lý xe ô tô đỗ, dừng không đúng quy định.

Lý giải nguyên nhân vi phạm của lái xe taxi còn nhiều, Trung tá Trần Ngọc Ánh cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản là do đội ngũ lái xe taxi phần đông là người tỉnh ngoài, khi hoạt động ở địa bàn Thủ đô do chưa quen đường sá nên dễ dẫn đến vi phạm. Mặt khác, nhiều lái xe vừa được đào tạo nên hiểu biết về luật khi tham gia giao thông còn có những hạn chế, đặc biệt mắc phải 2 lỗi cơ bản là đỗ, dừng và quay đầu xe sai quy định.

Trước khi thực hiện Nghị định 34, một số hãng taxi lớn đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ lái xe, như hãng Mai Linh đã mời cán bộ Phòng CSGT đến giảng luật cho 1.200 nhân viên. Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị, nhất là các hãng taxi nhỏ chưa quan tâm đến công tác này mà chỉ chú trọng đến doanh thu.

Về việc quy hoạch 32 điểm đỗ cho xe taxi như hiện nay, theo Trung tá Trần Ngọc Ánh, đây là cố gắng lớn của ngành GTVT trong việc lập lại trật tự của hoạt động taxi trên địa bàn Thủ đô, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Theo lập luận của Trung tá Ánh, tuy mỗi điểm đỗ chỉ bố trí được số lượng ít xe đỗ nhưng với thời gian đỗ không quá 15 phút thì đã tạo được hàng nghìn lượt đỗ xe mỗi ngày. Mặt khác, các điểm đỗ này được tính toán bố trí ở những nơi có đông người đi lại bằng taxi như trung tâm thương mại, mua sắm, khách sạn..., thì không mấy khi taxi phải đỗ lâu. Cộng thêm các điểm đỗ của Công ty Khai thác điểm đỗ thì 32 điểm đỗ cho taxi như hiện nay là hợp lý và việc quy hoạch thêm điểm đỗ vẫn đang được Phòng CSGT phối hợp Sở GTVT tính toán trong thời gian tới.

Trước những thắc mắc của lái xe cho rằng CSGT đã "thiên vị" trong xử phạt lỗi vi phạm, Trung tá Ánh khẳng định việc xử lý xe taxi vi phạm cũng bình đẳng như các phương tiện khác. Bằng chứng là cùng thời gian 1 tháng thực hiện Nghị định 34, lực lượng CSGT Hà Nội cũng đã xử lý 79 trường hợp xe buýt, 1.847 xe khách, 16.361 xe tải, xe con, 26.374 môtô vi phạm. Đối với những tuyến phố đã cắm biển cấm xe ôtô dừng đỗ thì bất cứ xe nào vi phạm Nghị định 34, dù biển xanh hay biển trắng, đều bị CSGT xử phạt.

Trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải

Việc tính toán, quy hoạch thêm điểm đỗ dành cho xe taxi trong thời gian tới là hết sức cần thiết và cần triển khai sớm nhằm quản lý, đưa hoạt động của taxi vào nền nếp, góp phần đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thủ đô. Giải pháp này đang được hàng chục nghìn lái xe taxi mong chờ từng ngày. Song, sòng phẳng mà nói, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng phải có trách nhiệm tháo gỡ cùng, chứ không chỉ kêu "suông" như hiện nay.

Thực tế khi bước vào lĩnh vực kinh doanh taxi hoặc đầu tư thêm phương tiện mới, nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận riêng, cố tình quên đi trách nhiệm đầu tư bến bãi lâu dài cho số xe của doanh nghiệp mình. Rất ít doanh nghiệp có bãi đỗ xe riêng mà hầu hết đều dựa vào vỉa hè, lòng đường sẵn có, thậm chí nhiều hãng còn chọn cây xăng, bãi đất trống, đường trong các khu đô thị mới... làm nơi cho xe tá túc. Đã kinh doanh thu lợi nhuận thì cũng phải có trách nhiệm chung sức gánh vác, giải quyết "bài toán" giao thông với chính quyền thành phố. Việc các doanh nghiệp chủ động tìm chỗ đỗ xe cho đơn vị mình, cũng là một cách đảm bảo đời sống cho người lao động.

Anh Hoàng Tuấn Trung, lái xe Hãng taxi Mai Linh:

Tôi hành nghề lái xe taxi đã 4 năm, cũng từng bị phạt nhiều, chủ yếu là lỗi dừng, đỗ không đúng quy định. Do tính chất công việc, khách lên và xuống xe không đúng điểm đỗ nên nhiều khi biết là sai, chúng tôi vẫn vi phạm.

Trước khi thực hiện Nghị định 34, phía hãng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho tất cả lái xe. Thấy mức phạt theo Nghị định này khá nặng nên tôi luôn có ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông, không dám đỗ, dừng sai quy định như trước đây.

Trước khi đón khách, tôi thường liên lạc với tổng đài qua bộ đàm, đề nghị tổng đài thông báo cho khách xuống đường chờ sẵn để lên xe ngay khi xe tới nơi, tránh việc phải dừng xe lâu chờ khách. Tôi hoàn toàn ủng hộ Nghị định 34, song đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm tăng cường thêm điểm đỗ, dừng cho xe taxi để khuyến khích loại hình vận tải công cộng này, góp phần đảm bảo TTATGT.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, lái xe Hãng taxi CP:

Từ khi thực hiện Nghị định 34, tôi luôn mang theo danh sách các điểm được phép đỗ, dừng để thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do điểm xuống xe của khách không đúng với điểm taxi được phép dừng, đỗ xe.

Với người Việt Nam, còn có thể trình bày, nói khó, nhưng với người nước ngoài, không biết giải thích thế nào cho họ hiểu. Với 32 điểm đỗ, dừng như hiện nay, chỉ thu xếp được cho 161 xe. Số xe còn lại chỉ còn cách trú vào ngõ khuất, hoặc đi lòng vòng trên đường.

Với số lượng trên 10.000 xe taxi hiện nay, việc xe taxi "đổ" ra đường do không có chỗ đỗ cũng khiến cho lượng xe tham gia giao thông trên đường tăng lên, dẫn đến ùn tắc. Do lái xe taxi cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nên các hãng cũng phải có trách nhiệm phối hợp cơ quan chức năng giải quyết vấn đề điểm đỗ.

Thượng tá Trần Sơn, Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an:

Do khuyến khích phương tiện vận chuyển khách công cộng nên thời gian qua, taxi phát triển quá nhanh. Tuy nhiên, số lượng lái xe taxi không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ không nhỏ với các lỗi chính như chạy quá tốc độ, vượt ẩu, dừng vô tội vạ, chiếm đỗ gây cản trở giao thông... Những vi phạm này khiến taxi là một trong những đối tượng gây nên TNGT chiếm tỷ lệ tương đối.

Nghị định 146/NĐ-CP trước đây, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm của lái xe taxi, kể cả về quy tắc giao thông và quy định vận tải hành khách còn nhẹ. Do vậy, khi soạn thảo Nghị định 34, các cơ quan chức năng đã cân nhắc, lấy ý kiến của rất nhiều địa phương, các Bộ ngành, để thống nhất biện pháp xử lý có tác dụng răn đe, giáo dục.

Nội dung xử phạt trong Nghị định 34 không nhằm phạt tiền người vi phạm mà mục đích chính là giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của lái xe taxi nói riêng và người tham gia giao thông nói chung. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, bất cập như hiện nay thì việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định về giao thông khác nhằm góp phần cho văn minh đô thị ngày càng tốt hơn là trách nhiệm của mỗi lái xe. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng phải tính toán, bố trí các điểm đỗ hợp lý trong điều kiện cơ sở hạ tầng có thể. Hiện các điểm giao thông tĩnh tại Hà Nội còn chưa đáp ứng được so với sự phát triển của các phương tiện giao thông.

Hương Vũ
.
.
.