Điểm Sử thấp, lỗi chính là do đề thi và đáp án

Thứ Tư, 03/08/2011, 16:32
GS.TS Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Sử ĐH - Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Bản thân tôi và nhiều anh em giảng viên trực tiếp chấm thi Sử của nhiều trường ĐH rất bất ngờ khi đón nhận đề và đáp án Sử của Bộ. Đề thi có 5 câu thì cả 5 câu, không nhiều thì ít đều "mắc lỗi" rất cơ bản, không lỗi ở cách ra đề thì lại lỗi ở đáp án. Điều này khiến chúng tôi rất lúng túng khi hạ bút cho thí sinh điểm kém, biết học trò "oan" mà "tình ngay lý gian"…

Mấy ngày vừa qua, dư luận đang quan tâm đến việc điểm thi đại học của thí sinh năm nay rất thấp, nhiều nguyên nhân được đưa ra để cắt nghĩa, mổ xẻ. Tuy nhiên, khi PV Báo CAND tiếp xúc với một số nhà khoa học, giáo sư Sử học và nhiều giáo viên trực tiếp chấm thi môn Sử, thật bất ngờ là những thầy cô này đều cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến điểm Sử năm nay "đột biến" thảm hại là do đề thi Sử và đáp án chấm môn Sử "có vấn đề". Hàng ngàn thí sinh đã bị "chết oan" bởi cách ra đề mập mờ, không rành mạch, thậm chí ra đề một đằng, đáp án một nẻo. Để rộng đường dư luận, PV Báo CAND đã trao đổi với GS.TS Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm Khoa Sử ĐH - Sư phạm Hà Nội.

GS.TS Đỗ Thanh Bình chia sẻ trong nỗi bức xúc: Bản thân tôi và nhiều anh em giảng viên trực tiếp chấm thi Sử của nhiều trường đại học rất bất ngờ khi đón nhận đề và đáp án Sử của Bộ. Đề thi có 5 câu (3 câu cho phần chung và 2 câu cho phần riêng để thí sinh lựa chọn) thì cả 5 câu, không nhiều thì ít đều "mắc lỗi" rất cơ bản, không lỗi ở cách ra đề thì lại lỗi ở đáp án. Điều này khiến chúng tôi rất lúng túng khi hạ bút cho thí sinh điểm kém, biết học trò "oan" mà "tình ngay lý gian"… Theo tôi, đây chính là lý do chủ yếu khiến điểm Sử thấp hơn hẳn so với năm ngoái, đừng vội đổ lỗi do chương trình, sách giáo khoa, do cách dạy, cách học…

PV: Giáo sư có thể phân tích cụ thể những cái "bẫy" trong đề thi và đáp án Sử năm nay?

GS.TS Đỗ Thanh Bình: Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nêu rõ, đề thi ra phải rõ ràng, không được mập mờ, đánh đố, nhưng đề Sử năm nay đã "phạm quy chế" khá nhiều. Ở câu 1 (Phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành), câu hỏi không sai nhưng không hay. Tuy nhiên, câu hỏi hỏi về "nguyên nhân" thì đáp án lại đòi hỏi thí sinh phải phân tích "bối cảnh" - là hai phạm trù khác hẳn nhau. Thí sinh hiểu đúng câu hỏi, nên rất nhiều em phân tích sai. Câu hỏi chính xác phải là "Phân tích bối cảnh ra đi…). Đã vậy, trong đáp án còn đưa ra bối cảnh: Nguyễn Tất Thành ra đi để tiếp xúc với văn minh nước Pháp - điều này thầy cô không dạy, SGK cũng không đề cập tới, thì làm sao học trò biết được? Chỉ riêng ý này, nếu không có trong câu trả lời, thí sinh đã bị trừ 0,5 điểm.

Thí sinh xem điểm thi 2011.

Đối với câu 2 (Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm gì khác so với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam? Những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939-1945), là một câu hỏi dạng so sánh, nhưng đáp án lại không "so sánh" mà lại là "nhận xét". Nhiều thí sinh đã nhận diện đúng câu hỏi, lập bảng so sánh hai bản luận cương, nhưng các em không được điểm vì "không giống đáp án". Đáp án cho vế thứ hai của câu hỏi thì sai hoàn toàn, hỏi "những vấn đề đó được giải quyết như thế nào", thì đáp án lại đòi hỏi "chủ trương giải quyết", giữa "chủ trương giải quyết" và "giải quyết" khác hẳn nhau đấy chứ. Nhiều học sinh cũng mất điểm ở ý này…

Còn ở câu 3 (Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ "đánh cho Mỹ cút" bằng thắng lợi nào?...), với câu hỏi này, rất nhiều thí sinh đã nghĩ đến thắng lợi quân sự, nhưng đáp án lại là thắng lợi về ngoại giao. Câu hỏi này rất mập mờ. Ngay cả nhiều giáo viên chấm thi cũng nghĩ đến phương án "Điện Biên Phủ trên không", mà không nghĩ đến "Hiệp định Paris", vì thường là phải thắng lợi về quân sự trước mới đi đến ký kết về ngoại giao… Ngay ở câu hỏi 4a, phần riêng, cũng mập mờ, với cách hỏi như vậy, thí sinh nêu tổ chức Liên hiệp quốc là đúng, nhưng đáp án lại là "EU - liên minh châu Âu". Nếu là "EU" thì câu hỏi phải thêm từ "khu vực" vì "EU" có tính chất khu vực. Nhiều em cũng mất trắng 3 điểm ở phần này. Câu 4b cũng không ổn (Tóm tắt sự ra đời của các quốc gia độc lập ở Đông Nam Á năm 1945), câu hỏi đúng phải là "Tóm tắt quá trình giành độc lập…", vì nếu quốc gia đã "ra đời" thì đương nhiên phải "độc lập" rồi.

PV: Vậy khi đón nhận đáp án nhiều "lỗi" như vậy, Giáo sư và các thầy cô chấm thi có phản hồi, kiến nghị với Bộ thay đổi đáp án không?

GS.TS Đỗ Thanh Bình: Chúng tôi có kiến nghị lên Ban Giám hiệu ĐH Sư phạm, nhưng trường bảo quy chế tuyển sinh quy định phải chấm theo đề và đáp án của Bộ. Vả lại lúc đó, dư luận đang ồn ào vụ "sửa" đáp án của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong chấm thi tốt nghiệp. Nếu được làm lại đáp án, sẽ cứu được nhiều thí sinh không chết oan.

PV: Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, điểm Sử thấp còn do cách dạy, cách học từ bậc phổ thông, do chương trình, sách giáo khoa còn quá nặng nề, nhiều con số, ít truyền cảm…

GS.TS Đỗ Thanh Bình: Tôi không phủ nhận những nguyên nhân đó, nhưng đó là cả một quá trình, có khi phải trải qua nhiều thế hệ chúng ta mới giải quyết được ngọn ngành thực trạng môn Sử. Còn để điểm Sử "đột biến" giảm mạnh như năm nay theo tôi vẫn là do đề thi. Điểm năm ngoái có thấp đâu. Về chương trình, SGK thì họ nói thiếu căn cứ, thực tế sách Sử hiện nay tốt hơn nhiều chứ, giảm rất nhiều tính hàn lâm, nhiều con số đã được lược bớt rồi.

PV: Giáo sư có trăn trở gì khi nghĩ về môn Sử, nhất là khi học sinh ngày càng ít em thi vào khoa Sử?

GS.TS Đỗ Thanh Bình: Đây là một vấn đề lớn của đất nước trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay giữa yêu cầu và sử dụng nguồn nhân lực của chúng ta đang rất "vênh" nhau. Nhiều em từ bỏ khối C, từ bỏ môn Sử để chuyển sang những ngành nghề dễ kiếm tiền cũng là xu thế của thời đại mới. Sinh viên giỏi của tôi ra trường 4, 5 năm, lương có 2 triệu, làm sao đủ sống được. Ở những nước khoa học càng phát triển, họ càng trân trọng giá trị lịch sử văn hoá, vì họ cân bằng được những giá trị khoa học nhân văn với khoa học tự nhiên và công nghệ. Còn chúng ta vẫn mông lung, xa vời, ai học gì cứ học, chẳng có chiến lược đào tạo rõ ràng gì cả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Trao đổi với PV Báo CAND, TS. Nguyễn Mạnh Hưởng, ĐH Sư phạm Hà Nội, kiêm giáo viên dạy Sử, Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho hay: "10 năm đi chấm thi môn Sử, chưa bao giờ tôi thấy điểm Sử bi đát như năm nay, tỉ lệ điểm thi từ 0 đến 1 chiếm gần như tuyệt đối trong số các túi bài thi. Không ít túi bài thi (từ 35 đến 40 bài/1 túi) sau khi lên biểu 4 (bảng biểu cuối cùng thống kê tổng số điểm của các thí sinh trong một túi bài thi) chưa tới 5 điểm. Điểm thi môn Lịch sử của các thí sinh thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hàng năm bao giờ cũng cao hơn rất nhiều so với các trường khác, nhưng kết quả chấm thi năm 2011 cho thấy vô cùng thấp, rất ít bài thi trên điểm trung bình và cũng không hiếm túi bài thi điểm 3 là cao nhất. Tôi cho rằng, kết quả điểm thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử năm nay quá thấp có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng cơ bản nhất vẫn là khâu ra đề thi. Tất cả giáo viên cốt cán môn Lịch sử các trường chuyên trên cả nước khi tham dự đợt bồi dưỡng chuyên môn tại TP Đà Nẵng vào tháng 7/2011 vừa qua cũng có chung nhận định như vậy. Nếu các từ ngữ trong mỗi câu hỏi của đề thi chính xác hơn, chặt chẽ hơn, không mập mờ thì nhiều thí sinh sẽ không bị điểm kém "oan uổng"".

Những "áng sử" ngô nghê...

Một giáo viên Sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn cho hay, trung bình một túi bài thi cô chấm có hơn 40 bài thi, thì đến 70% số bài thi điểm rất kém, cho thấy công tác tư vấn cho thí sinh chọn con đường lập nghiệp, rồi phân luồng ngành nghề sau bậc phổ thông còn quá nhiều hạn chế. Nhiều em đi thi chỉ vì tốt nghiệp THPT rồi thì đương nhiên là phải thi đại học. Đọc những dòng Sử như sau, giáo viên chấm thi sau khi cười mà thấy lòng chua xót: "Nhân dân 3 nước Đông Dương có truyền thống đoàn kết lâu đời, nhằm đúng ngày sinh nhật của Nguyễn Ái Quốc để thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941)"; "Biết tin Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, Nguyễn Ái Quốc được sự giúp đỡ của Hồng quân Liên Xô về vũ khí, đã lãnh đạo quân Đồng minh cướp chính quyền từ tay Nhật, sau đó đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". "Trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ (1945-1975), nhân dân ta đã làm nên 2 chiến thắng oanh liệt ở tỉnh Điện Biên: Trận Điện Biên Phủ dưới mặt đất (1954) và trận Điện Biên Phủ trên không (1972)".

Tuấn Minh

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.