Dịch vụ trông người ốm ngày Tết: Giá cao ngất ngưởng

Thứ Ba, 21/01/2014, 10:25
Trông người ốm là dịch vụ đắt hàng trong dịp Tết khi nhiều gia đình bận bịu không có người ở nhà hoặc ở bệnh viện để trông nom. Giá trông người ốm càng cận Tết càng ở mức đắt đỏ nhưng một số gia đình vẫn phải chấp nhận vì không biết trông cậy vào đâu. Đặc biệt, trông người ốm trong những ngày Tết thì giá lại rơi vào hàng “khủng”. Một số phụ nữ ngoại tỉnh đã chấp nhận xa gia đình để ở Hà Nội “ăn Tết” trong bệnh viện, bù lại họ kiếm vài triệu trong mấy ngày, bằng cả năm trồng lúa.

Giá cao, việc nhiều

Những ngày giáp Tết này đi tìm thuê người giúp việc trông người ốm cực kỳ khó khăn. Những bệnh viện lớn như Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai hầu như “ai cũng có việc trông dài hạn, chỉ khi người bệnh về nhà hoặc không qua khỏi thì mới còn người trông” - chị Nguyễn Thị Hoa, ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho biết.

Gần đến Tết, ông chú tôi lại đổ bệnh nặng phải nhập Bệnh viện Quân đội 354. Con cái ai cũng có việc của người nấy, chỉ vào chăm bố chốc lát lại phải đi làm. Sau 1 tuần phân công trông bố, ai nấy đều phờ phạc và bận bịu, họ buộc phải đi thuê người trông. “Tôi phải ra tận cổng Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội mới thuê được một chị ở Phú Thọ về trông cụ. Nhưng được 5 hôm, cứ nhìn thấy chị này là cụ lại ném cốc, ném bát. Đành phải cho chị ấy nghỉ. Hai hôm nay rồi chưa tìm được người” - anh Tuấn, con trai cả của cụ phân trần. Theo anh Tuấn thì giá trông ngắn hạn (vài ngày hoặc 1 tuần) họ đòi 300.000đ/ngày, còn trông dài hạn từ 150.000 - 200.000đ/ngày. “Giá đắt quá, nếu thuê dài hạn nhà tôi cũng không kham nổi. Nhưng giáp Tết bận bịu nhiều việc, nếu không thuê thì cũng không được”.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, những phụ nữ làm nghề chăm sóc người bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội ăn cơm.

Chúng tôi đến Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, nơi tập hợp khá đông những phụ nữ và đàn ông ngoại tỉnh lên đây làm nghề trông người ốm. Trên ghế đá dưới sân Bệnh viện vào giờ sáng, gần chục phụ nữ đem theo đồ đạc lỉnh kỉnh đang ngồi tán chuyện. Vì đây là giờ bác sĩ thăm bệnh nên các chị phải ra ngoài ngồi đợi. Có chị thì vừa hết hợp đồng, đang ngồi chờ khách đến thuê. Một số người sốt ruột, đi ra cổng đứng. Mang chiếc ba lô khá nặng, thấy tôi hỏi thăm, chị Bùi Thị Tình, quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ nói: “Chị làm lâu năm rồi nên em cứ yên tâm. Làm nghề này mà không biết cách chăm sóc bệnh nhân thì không làm được đâu”. Chị Tình hỏi tôi bệnh tình của người bệnh, nằm ở khoa nào để áp giá. “Ngày thường chị làm 200.000đ/ngày. Giáp Tết rồi, em trả cho chị thêm 50.000đ nữa, chị làm đến 28 Tết cho”. Tôi ngỏ ý muốn chị trông cho mấy ngày Tết, chị lắc đầu quầy quậy: “Năm ngoái chị làm Tết rồi, năm nay phải về, bỏ nhà cửa đấy sốt ruột lắm”.

Theo lời kể của chị Tình thì Tết năm ngoái chị trông một bệnh nhân nhà ở Mỹ Đình, Hà Nội bị tràn dịch màng phổi, mổ xong vết thương hở nên phải nằm điều trị ở phòng vô trùng của Bệnh viện Việt - Đức. Một tháng tiền công chăm sóc của chị là 6 triệu. Người nhà bệnh nhân năn nỉ quá, chị ở lại trông cho mấy ngày Tết. “Công xá cao thật nhưng đi cả năm mà Tết không về cứ thấy như có lỗi ấy” - chị Tình than thở.

Trông người ốm ngày Tết, giá cao gấp 3 lần ngày thường

Tìm người giúp việc trông người ốm trong những ngày Tết là cực kỳ khó khăn và đắt đỏ. Những năm trước, nhiều bệnh nhân nặng phải ở trong bệnh viện ngày Tết, việc chăm sóc khiến cả gia đình vất vả mà tìm người trông thì khác nào “mò kim đáy bể”. Chị Thái Minh, nhà ở đường Trần Cung, Hà Nội cho hay, hiện bà ngoại chồng của chị đang nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Bạch Mai. Bà chị bệnh rất nặng, phải ở trong phòng vô trùng, theo chẩn đoán của bác sĩ thì Tết này bà vẫn phải nằm viện. Cả gia đình chị mấy hôm nay đang đi tìm người để trông cụ.

“Khó tìm lắm, người ta đi làm quanh năm rồi, Tết chỉ muốn về nhà, ai muốn ở đây ngày đó chứ. Năm ngoái giá trông mấy ngày Tết đã 500 - 600 nghìn/ngày rồi, năm nay chắc phải đắt hơn. Nhưng đắt cũng phải cố tìm người vì cụ nằm viện đã hơn 3 tháng rồi” – chị Minh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá trông người ốm vào ngày Tết (từ 29 đến mùng 6 Tết) được một số người ở cổng Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội đưa ra là 600.000đ – 700.000đ/ngày. Đây là mức giá rất cao nhưng hiện nay nhu cầu thì lớn mà cung thì ít. Tôi hỏi một chị quê ở Nam Định có thâm niên 5 năm trông người ốm ở Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, chị này cho hay: “Hầu hết người làm nghề này đều về quê ăn Tết, chỉ có một số ở lại. Có người vì hoàn cảnh khó khăn, có người vì gia chủ đối xử tử tế, họ tha thiết nhờ mình ở lại. Ở đây còn có cả cặp vợ chồng cùng làm nghề này, Tết chồng làm thì vợ về và ngược lại. Mấy ngày Tết kiếm được vài triệu, bằng cả năm trồng lúa nên họ cố ở lại để ra giêng có tiền cho con ăn học”.

Chấp nhận xa gia đình để ở lại trông người bệnh ngày Tết, chị Phạm Thị Hà, ở Vĩnh Phúc cho hay: “Hai đứa con đang học cấp 2, tiền ăn học tốn kém nên Tết này tôi bàn với chồng rồi, ở lại trông cho người ta mấy ngày. Qua mùng 10 thì tôi về, ăn rằm luôn thể”. Trông người ốm ngày Tết đang rất “đắt hàng” khi nhu cầu cao mà lượng người đáp ứng lại ít. Hiện nay ở các bệnh viện chưa có dịch vụ trông người ốm mà đều do tự phát, chủ yếu là những phụ nữ ngoại tỉnh làm nghề này. Chính vì thế nó còn có nhiều hạn chế nhất định như đòi hỏi cách chăm sóc, nâng đỡ bệnh nhân phù hợp với từng loại bệnh. Ngược lại, những người làm nghề này phải có sức khỏe, sự nhẫn nại, kiên trì, nhiều khi họ phải chịu sự hắt hủi của người bệnh khó tính, người bệnh già không còn minh mẫn. Nhưng tựu trung lại, đây là một nghề mang lại thu nhập tương đối cao cho lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội

Trần Hằng
.
.
.