Dịch vụ đổi tiền lẻ ngày cận Tết lãi “khủng”

Chủ Nhật, 03/02/2013, 07:06
Càng sát Tết, dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra ngày càng sôi động, khách hàng muốn loại tiền gì, số lượng nhiều hay ít cũng đều được đáp ứng. Thậm chí, ngay cả khi ở nhà hay văn phòng, chỉ cần click chuột, gọi điện là khách hàng được phục vụ tận nơi, nhiệt tình và chu đáo, nhưng giá đổi càng cận Tết càng đắt đỏ.
* Ngân hàng Nhà nước: Đáp ứng đủ tiền các mệnh giá trong lưu thông.

Đổi tiền mới bị “chặt chém”

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, ngày 1/2 tại đường Quang Trung (Hà Đông - Hà Nội), dọc tuyến phố chiều từ Bưu điện Hà Đông đi xuống Ba La, có hơn chục quầy ngồi đổi tiền lẻ, đổi công khai ngay trên vỉa hè, muốn đổi bao nhiêu cũng đều được đáp ứng với đủ các mệnh giá. Mức giá quy đổi tiền lẻ ở đây khá cao, mỗi mệnh giá có tỷ lệ đổi khác nhau, tiền càng bé mức đổi càng cao.

Theo anh Trần Văn Thành - một người đổi tiền trên đường Quang Trung, Hà Đông cho biết: “ Đổi tiền có 2 mức giá cho đổi buôn và đổi lẻ. Với đổi buôn thì 1 triệu tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, mất phí là 50.000 đồng, 1 triệu tiền mệnh giá 10.000 đồng sẽ mất phí là 40.000 đồng, 1 triệu tiền mệnh giá 20.000 đồng mất phí là 30.000 đồng.

Còn đối với đổi lẻ thì tỷ lệ phí sẽ cao hơn rất nhiều như loại tiền có mệnh giá từ 1000, 2000, 5.000 - 10.000 đồng thì tỷ lệ là 10 đổi 8. Tức là 100.000 đồng thì đổi được 80.000 đồng. Giá phí đổi tăng từng ngày, nếu đổi sớm thì còn được rẻ chứ mấy hôm nay mỗi ngày một giá, chúng tôi không dám ôm tiền đổi đến đâu, lấy đến đấy, năm nay giá tiền đổi tăng cao hơn so với mọi năm” - Anh Thành nói.

Khi chúng tôi hỏi về mệnh giá 500 đồng, anh Thành cho biết, năm nay khan hiếm tiền mệnh giá này bởi Nhà nước không in, nên tỷ lệ quy đổi tại phố Quang Trung là khá cao, mà cũng ít quầy có, hiện giá ngày hôm nay là tỷ lệ 1 ăn 1, tức là đổi 100 nghìn lấy về 50.000 đồng tờ mệnh giá 500 đồng. Một mức đổi cao nhất trong các mệnh giá.

Theo những người đổi tiền ở đây, thì càng cận Tết giá đổi càng tăng, nhất là mệnh giá nhỏ, mệnh giá 500 đồng sẽ còn tăng nữa bởi Tết và ra Giêng nhu cầu đi lễ và làm lễ hầu đồng nhiều, nên mệnh giá này khá là đắt hàng.

Dịch vụ đổi tiền di động vào dịp cận Tết trên vỉa hè phố Quang Trung- Hà Đông (Hà Nội).

Tại phố “buôn tiền” nổi tiếng của Hà Nội là Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ, Hà Trung, dịch vụ đổi tiền lẻ lại khá kín đáo, không quầy bày đổi tiền như một số nơi khác, nhưng chỉ cần đỗ xe ngay đầu đường vào phố Đinh Lễ, rất nhiều lời mời đổi tiền lẻ hay USD của dân buôn tiền mời gọi.

Chị Nguyễn Hải Yến - một người đổi tiền tại phố Đinh Lễ cho biết “giá đổi tiền mệnh giá 1.000 đồng tỷ lệ 10 ăn 8, tức là 100.000 nghìn đổi được 80.000 nghìn tiền mệnh giá 1.000 đồng, mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng thì 10 ăn 9 tức là 100.000 đồng đổi được 90.000 đồng. Đây là giá đổi nhiều, còn đổi ít thì sẽ cao hơn một chút. Giá đổi tiền này chỉ trong ngày, càng cận Tết mức đổi sẽ tăng dần, đổi tiền vào thời điểm nào thì tính mức giá theo thời điểm đấy.

Hỏi về tỷ lệ tiền đổi của mệnh giá 500 đồng, chị Yến cho biết “giờ tiền đấy hiếm lắm, giá đổi quá cao, đổi 100.000 đồng tiền mệnh giá 500 đồng, mất phí từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng, mà vẫn khan tiền.

Theo quan sát của phóng viên, trong vòng 30 phút đã có hơn chục người vào đổi tiền. Cuộc trao đổi diễn ra kín kẽ, giao dịch rất nhanh chỉ trong vòng 3 - 5 phút. Đi đến quầy đổi tiền nào chúng tôi cũng đều được chủ quầy chốt giá trong ngày, còn sang hôm sau sẽ có báo giá khác.

Cần phân biệt nhu cầu tiền lẻ và nhu cầu tiền mới

Nhu cầu đổi tiền mới của người dân đang ngày càng nóng nhưng nhiều  người cho rằng họ chưa tiếp cận được với nguồn tiền mới của ngân hàng, không phải chỉ tiền lẻ, mà tiền mệnh giá lớn hơn như 10.000, 20.000 đồng. Hầu như mọi người có nhu cầu đều phải đổi tại các điểm dịch vụ và trước cổng đền, đình, chùa với mức phí đổi “cắt cổ” để thuận tiện và nhanh gọn.

Theo một số người đổi tiền thì lượng khách đổi tăng dần vào cận Tết, hiện giờ trung bình mỗi ngày đổi được từ 50 - 100 triệu đồng. Qua đó, có thể thấy rằng mức thu nhập quá lớn từ chênh lệch của dịch vụ này đem lại, người tiêu dùng đang bị “móc túi” một cách tự nguyện.

Chị Lan Kỳ, một giáo viên ở TP Vinh (Nghệ An) cho biết: chị có người nhà làm trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng năm nay cũng không thể giúp đổi được tiền mệnh giá 10.000 mới.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: NHNN đã có chủ trương và Cục phát hành và Kho quỹ cũng đã cung ứng đủ nhu cầu tiền các mệnh giá cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tất cả các tiền cung ứng về các nhà băng không thể đều là tiền mới. Việc một số người dân phản ánh không đổi được tiền 10.000 đồng hay một số mệnh giá khác mới nguyên theo serri là điều bình thường và người dân phải chấp nhận.

“Nhu cầu tiền mới để mừng tuổi của người dân năm nào cũng có một khoảng nhất định. Song, NHNN năm nay in tiền mới, sau một năm lưu thông, tờ tiền đó sẽ cũ, nhưng giá trị lưu thông vẫn còn nguyên. Một tờ tiền 10.000 đồng bằng polymer sẽ có tuổi thọ tới cả chục năm trời, điều này đồng nghĩa với việc tờ tiền đó sẽ có giá trị lưu hành trong vòng chục năm đó.

NHNN không thể năm nào cũng in thêm tiền mới để phục vụ nhu cầu của người dân mừng tuổi được, vì như thế, tiền cũ sẽ thừa ra, gây một sự lãng phí rất lớn. Ngay như 1 tờ tiền 500 đồng bằng chất liệu giấy cotton, phí in ấn đã mất tới hơn 1 nghìn đồng. Để in một tờ tiền bằng polymer, phí in ấn còn cao hơn nhiều. Bỏi vậy, người dân phải chấp nhận thực tế là không phải lúc nào, NHNN cũng có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiền mới được”, ông Tú khẳng định

Lưu Hiệp - Lệ Thúy
.
.
.