Dịch tiêu chảy vẫn rình rập

Thứ Tư, 21/11/2007, 17:31
Thịt chó chín, sống bày lẫn lộn, giò chả, nem tai, nem chua, lòng lợn bày phơi ngay mép đường Định Công đoạn từ đường Giải Phóng rẽ vào thuộc địa bàn phường Phương Liệt và phường Thịnh Liệt (Hà Nội) vẫn hoạt động tấp nập. Đây là nguồn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh rất dễ khiến dịch tiêu chảy lây lan.

Ứng Hòa ( Hà Tây) - bệnh nhân đã về nhà nhưng được giám sát chặt

Trở lại thôn Giang Làng, xã Đồng Tiến - Ứng Hoà - Hà Tây, nơi từng có trên 30 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, sau gần nửa tháng, ông Nguyễn Đình Khơi, Trạm phó Trạm Y tế xã Đồng Tiến, Phó Ban phòng chống bệnh dịch tiêu chảy cấp của xã lạc quan nói với chúng tôi sáng 20/11 rằng, toàn bộ số bệnh nhân của xã (tập trung chủ yếu ở thôn Giang Làng) tại các tuyến y tế, hiện đã về nhà an toàn cách đây hơn một tuần.

Chỉ có một bệnh nhân Nguyễn Văn M. (43 tuổi), mắc bệnh tiêu chảy cấp, sau khi được chữa khỏi thì bệnh thận của anh trước đây tái phát nên được gia đình đưa đi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Các bệnh nhân sau khi trở về nhà đã đi lao động bình thường, những em học sinh thì đã trở lại trường, trong số này có hai chị  em ruột Dương Thị Lý (14 tuổi) và Dương Thị Thuý (12 tuổi) đã cùng bạn trong lớp đi chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Khơi vẫn cho rằng, đội y tế tuyến xã và huyện vẫn phối hợp với nhau hàng ngày để giám sát số bệnh nhân trên, hàng ngày, thanh tra y tế của huyện và xã vẫn thường xuyên xuống kiểm tra hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, cống rãnh, nhà vệ sinh của dân và các khu chợ.

Ngoài việc rắc vôi bột để khử trùng và diệt khuẩn, ban chỉ đạo cũng đã đôn đốc các lực lượng thường xuyên phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng để các loại ký sinh không có cơ hội phát tán bệnh.

Ban chỉ đạo cũng có các tờ đơn tuyên truyền mọi người ăn chín, uống sôi, cấm tuyệt đối chuyện người dân ăn uống các món có nhiều nguy cơ lây bệnh như: rau sống, thịt chó, mắm tôm, các món nem, chạo...

Đối với những gia đình có cỗ bàn, tổ chức tiệc cưới... thì chuyện chế biến món ăn, ăn uống chỗ đông người phải có sự hướng dẫn chỉ đạo của các chuyên gia y tế.

Phường Định Công (quận Hoàng Mai): Dịch vẫn có nguy cơ lây lan

Trở lại phường Định Công, một trong những điểm nóng về dịch tiêu chảy cấp của quận Hoàng Mai (Hà Nội) vào sáng 20/11, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch phường, Trưởng ban chỉ đạo phòng dịch của phường cho chúng tôi biết: Cho đến thời điểm này, phường đã có 54 bệnh nhân mắc bệnh.

Đa số đã bình phục, trở về địa phương, còn lại khoảng 10 trường hợp vẫn đang điều trị, theo dõi tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia và Bệnh viện Bưu điện.

Điều đáng nói là đúng vào lúc tình hình dịch bệnh trên địa bàn phường được khống chế, 3 ngày liên tiếp không có người mắc bệnh mới thì ngày 18/11 vừa qua, lại có thêm một bệnh nhân nam, 25 tuổi là công nhân cơ khí, thuê nhà trọ ở tổ 3 phải nhập viện. Bệnh nhân này trước khi nhập viện đã ăn thịt chó ở nơi khác. 

Từ những ổ dịch đầu tiên, cho đến khi lan ra 54 ổ dịch, công tác giám sát, khử trùng tại các ổ dịch là công việc trọng điểm của phường. Bà Hương cho biết: Có ổ dịch, phường đã cho phun thuốc phòng dịch đến lần thứ ba, thứ tư.

Phường đã thành lập một đội thanh niên xung kích xuống từng khu nhà trọ, vào tận nhà dân hướng dẫn xử lý nguồn nước, phun thuốc khử trùng trong vòng bán kính 300m, đồng thời hướng dẫn những người liên quan đến bệnh nhân uống thuốc phòng tránh.

Mặc dù tình hình dịch bệnh đã tạm lắng nhưng phường vẫn thường xuyên kiểm tra các điểm kinh doanh thức ăn đường phố. 130 cơ sở kinh doanh ăn uống vẫn bị đóng cửa cho đến khi có động bên trong, đóng hộp chuyển đến những nơi có nhu cầu, đoàn kiểm tra đã tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ. Tuy nhiên, dù tuần tra, kiểm soát những người bán hàng quà rong vẫn lén lút vào các khu dân cư để bán hàng.

Định Công là một phường mới chuyển đổi từ xã lên. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thoát nước còn chưa được đầu tư, nâng cấp. Mỗi ngày nước thải sinh hoạt của 4 vạn dân xả ra, trong tình hình dịch tiêu chảy cấp diễn biến khôn lường quả là mối nguy hiểm lớn cho cộng đồng dân cư.

Bà Hương cũng đưa tổng kết: Có tới 80% số bệnh nhân trên địa bàn phường đều ăn uống ở nơi khác. Ngay cả bệnh nhân người Nhật ở CT5 và một bệnh nhân 80 tuổi  ở CT9 mắc bệnh gần đây cũng đều ăn ở nơi khác, ủ bệnh về địa phương.

Thịt chó chín, sống bày lẫn lộn, giò chả, nem tai, nem chua, lòng lợn bày phơi ngay mép đường Định Công đoạn từ đường Giải Phóng rẽ vào thuộc địa bàn phường Phương Liệt và phường Thịnh Liệt vẫn hoạt động tấp nập. Đây là nguồn thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh rất dễ khiến dịch bệnh lây lan

Văn Nguyễn - Tố Quyên
.
.
.