Địa chỉ tin cậy giúp đỡ những người một thời lầm lỗi

Thứ Hai, 03/11/2014, 13:27
Nhiều năm qua, điểm trung chuyển hàng hóa của anh Lê Hoàng Tuấn Kiệt, ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa là địa điểm uy tín ở tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng ít ai ngờ rằng, những thanh niên bốc vác ở cơ sở anh Kiệt đã có một thời là phạm nhân, song khi mãn hạn tù, họ đã biết vượt qua sự mặc cảm, tự ti để phục thiện, vươn lên làm lại cuộc đời...

Ông Trần Thanh Tùng, là chủ một vựa trái cây ở tỉnh Ninh Thuận, phân phối đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, cho biết: “Tui làm ăn với cơ sở anh Kiệt hơn 6 năm rồi. Biết là số nhân công đang làm chỗ anh Kiệt có quá khứ lầm lỗi, nhưng quá trình làm ăn với cơ sở anh Kiệt, tui rất tin tưởng. Tuy nhìn vào anh em vậy nhưng họ rất đàng hoàng, nhiệt tình, lễ độ với khách hàng”. Cơ sở của anh Kiệt có 50 nhân công, thì 30 người từng có án phạt tù. Việc quản lý số thanh niên từng vào tù ra tội chấp nhận vào công việc có tổ chức quản lý bài bản không phải đơn giản, một sớm một chiều là làm được ngay.

Anh Kiệt chia sẻ: “Chúng ta đã biết phần lớn những thanh niên vào tù, ra tội thường có tính hung hăng, khó trị. Nhưng khi số anh em trên về cơ sở của tui đã dần dần bắt theo cách sinh hoạt, làm việc nền nếp, quy định của tui đưa ra. Tui  luôn theo dõi, chia sẻ, khuyên răn từng người một, coi các em như là người thân trong nhà”. Cơ sở anh Kiệt hoạt động 24/24 giờ. Hằng ngày có hàng trăm tấn hàng hóa tập kết về để phân bổ khắp các huyện, TP trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Thức trắng đêm chứng kiến họ làm việc, mới thấu hiểu sự khó nhọc cũng như sự tận tuỵ, trách nhiệm với công việc của những con người từng vi phạm pháp luật trước đây. Khác xa với những gì lầm lỡ quá khứ, hình xăm, vết sẹo chằng chịt, các anh nhẹ nhàng, phục vụ chu đáo khách hàng.

Nhiều người chấp hành xong án phạt tù làm việc tại cơ sở trung chuyển hàng hóa của anh Kiệt.

Trung tá Võ Minh Quân, Phó Trưởng Công an thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, nhận xét: “Ban đầu thấy cơ sở anh Kiệt tập hợp nhiều người có tiền án, tiền sự, chính quyền địa phương lo lắng đây sẽ là điểm phức tạp về an ninh, trật tự. Tuy nhiên, thực tế đây là điểm làm rất tốt việc tái hòa nhập cộng đồng, đảm bảo an ninh, trật tự”.

Tại cơ sở anh Kiệt, hầu hết những số phận từng bị án phạt tù, khi trở về cộng đồng đều với hai bàn tay trắng, đôi khi còn nhận cả sự ruồng bỏ, miệt thị của người thân, xã hội. Tưởng họ sẽ mặc cảm lại tiếp tục đi vào con đường cũ; nhưng khi về với “mái nhà” của anh Kiệt, họ bắt đầu có niềm tin, quyết tâm hoàn lương. Sau khi mãn hạn tù vì tội trộm cắp xe máy, Ngô Văn Luân, ở thị trấn La Hà trở về địa phương với bàn tay trắng. Cha mẹ lại đi tỉnh khác làm ăn xa, một thân một mình phải bươn bải trong cuộc sống.  Lúc này anh Kiệt đã chủ động mời Luân về làm việc tại cơ sở của mình. Cũng như với những thanh niên khác, anh Kiệt tận tình chỉ bảo, giúp đỡ để Luân có công ăn việc làm ổn định. Mặc dù không được địa phương hỗ trợ vay vốn, nhưng bằng sự giúp đỡ của anh Kiệt, bằng nỗ lực của bản thân, cuộc sống của Luân bước đầu đã ổn định với mức  thu nhập hằng tháng khoảng 5 triệu đồng.

“Ban đầu khi vừa ra tù, tui không có vốn, không ai giúp đỡ về vay vốn, cho mượn tiền. Rất may chỗ anh Kiệt đón nhận tui về làm việc. Tui luôn cố gắng nỗ lực làm việc, không vi phạm pháp luật”. Sau khi mãn hạn tù về địa phương, một số đối tượng xấu đã dụ dỗ, rủ rê Luân tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội; nhưng anh đã kiên quyết từ chối; thậm chí còn khuyên nhủ nhiều người từ bỏ hành vi phạm tội để quy về nẻo thiện…

Không phải tất cả những ai sau khi chấp hành xong bản án cũng trở thành người lương thiện, nhưng nếu toàn thể cộng đồng xã hội biết quan tâm, chia sẻ, cảm thông đối với những quá khứ lỗi lầm, tạo điều kiện giúp đỡ họ như cơ sở của anh Kiệt, thì sẽ có nhiều hơn những người biết đứng dậy sau khi vấp ngã, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội...

Thành Sự
.
.
.