Đi từ bóng tối đến… Sao Khuê

Thứ Năm, 25/01/2007, 09:25

Năm 3 tuổi, Phạm Chí Nghĩa bị liệt hai chân, một tay với một nửa thân người sau một cơn sốt độc. Gần 30 năm trong cuộc đời chiến đấu với bệnh tật, đến hôm nay, Nghĩa vinh dự đoạt giải Sao Khuê về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ký ức chưa xa về tuổi thơ của Phạm Chí Nghĩa là những ngày Nghĩa vật lộn với bệnh tật để đến trường. Là những giọt nước mắt của mẹ khi lén nhìn con ngồi trên chiếc ghế mây nhìn bạn bè chơi đùa. Là những lần Nghĩa xung phong lên bảng giải toán mà quên đi mình bị bệnh không thể tự di chuyển...

Ba tuổi, Phạm Chí Nghĩa bị sốt, ba mẹ đã chạy đôn, chạy đáo khắp nơi nhưng rồi đành nuốt nước mắt nhìn đứa con khôi ngô, tuấn tú phải sống chung với bệnh tật.

Tuổi thơ, lứa tuổi chưa đủ năng lực để nhận biết hết về cuộc đời xung quanh mình, nhưng đủ để Nghĩa nhận ra rằng mình thua bạn bè nhiều thứ. Những trò chơi đánh khăng, đánh đáo luôn cuốn hút ánh mắt Nghĩa. Cũng đã có lần Nghĩa thử chơi với bạn nhưng chưa ra khỏi chiếc xe đẩy đã ngã.

Sáu tuổi, Phạm Chí Nghĩa xin ba mẹ đến trường để học chữ. Ba mẹ nhìn Nghĩa rồi nhìn nhau khóc. Thương con, nhưng ba mẹ Nghĩa không đủ tự tin nghĩ rằng, con mình có thể đến trường để học hành. Những giọt nước mắt chảy dài trên gò má hao gầy của mẹ càng thôi thúc mong ước đến trường học chữ của Phạm Chí Nghĩa. Sáng sớm, khi mọi người trong khu phố đang chìm trong giấc ngủ thì cả nhà Nghĩa đã thức dậy chỉ để chuẩn bị cho việc Nghĩa đến trường.

Anh Phạm Kiều Đa (ba Nghĩa) phải đóng một chiếc ghế đặc thù kiêm xe đẩy buộc chặt vào sau xe đạp của chị Hồ Thị Thanh Thảo (mẹ Nghĩa) để hàng ngày chị Thảo đưa đón Nghĩa tới trường. Đến trường, mẹ Nghĩa lại phải bồng cậu vào lớp rồi mới yên tâm ra về. Suốt hơn 10 năm, ba mẹ Phạm Chí Nghĩa đã khắc phục những gian khổ để đứa con bại liệt được học hành.

Phạm Chí Nghĩa tâm sự: "Nuôi con, ba mẹ mô cũng cực cả nhưng với tui, nỗi cực khổ của ba mẹ nhân lên nhiều lần. Những ngày mưa gió đến trường, tui nhớ mãi hình ảnh mẹ vật lộn với mưa để làm răng che tấm nilon cho tui khỏi ướt... Nói thật với anh, người lành lặn thì thôi chứ những người lâm vô hoàn cảnh bại liệt như tui làm chi cũng khó".

Vất vả rồi cũng qua, cuộc đời mấy khi phụ người luôn phấn đấu, 12 năm học phổ thông trôi qua với Nghĩa cùng bao buồn vui. Ngày Phạm Chí Nghĩa nhận giấy báo nhập học Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) của Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đã làm vỡ òa tiếng cười của ba và những giọt nước mắt vui sướng của mẹ...

Vươn tới một vì sao

Bốn năm học đại học, chiến đấu với bệnh tật để khẳng định giá trị bản thân, Phạm Chí Nghĩa đã nhận danh hiệu thủ khoa Khoa CNTT, Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ra trường với tấm bằng đỏ cùng một "mớ" kiến thức, song Phạm Chí Nghĩa vẫn phải nhờ bạn bè đẩy xe đi xin việc nhiều chỗ, Nghĩa biết, hạn chế của anh là mang trên mình những khiếm khuyết cơ thể. Nghĩa buồn nhưng không nản. Một thời gian sau, Phạm Chí Nghĩa thi tuyển vào Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng (Softech).

Được nhận vào làm đúng với ngành mình học, Phạm Chí Nghĩa đã mang tất cả tri thức được học vào công việc mình làm và những thành công bước đầu của anh đã được ghi nhận. Nghĩa là một trong những người đầu tiên làm khối phần mềm của Softech với những sản phẩm đầu tiên về một Chính phủ điện tử mà Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác đang áp dụng. Rất nhiều công trình mà Nghĩa làm Trưởng nhóm đang áp dụng vào thực tế tại TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành khác thì phần mềm quản lý giáo dục được đánh giá cao nhất bởi những tính năng, hiệu ứng của nó.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia về CNTT, phần mềm quản lý giáo dục mà Phạm Chí Nghĩa cùng các cộng sự của mình thực hiện đã mang lại hiệu quả lớn trong ngành: Đó là việc quản lý giáo dục toàn diện về: giáo viên, học sinh, điểm số, kết quả học tập, định mức lao động... Tất cả các thông tin liên quan đều được chuyển về cổng thông tin điện tử và được đẩy lên website. Điều này đã tạo thuận lợi cho giáo viên, phụ huynh trong việc quản lý con em, đồng thời tạo cầu nối gần gũi giữa nhà trường và gia đình, để từ đó, hai bên phối hợp có hiệu quả trong việc giáo dục học trò.

Để có phần mềm quản lý giáo dục, Phạm Chí Nghĩa cùng các công sự đã mất gần 3 năm trời nghiên cứu. Với những giá trị thiết thực của phần mềm quản lý giáo dục đã mang lại cho Phạm Chí Nghĩa giải thưởng Sao Khuê, giải danh giá nhất của Hiệp hội Quản lý phần mềm Việt Nam.

Khi được hỏi những bước chuẩn bị cho năm 2007, Phạm Chí Nghĩa cười: "Chắc chắn sẽ có một sản phẩm mới rất có giá trị trong đời sống, nhưng tui chưa thể bật mí trước được, nghề nghiệp mà, anh thông cảm".

Chia tay Phạm Chí Nghĩa, tôi hiểu, cuộc đời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả, hạnh phúc chỉ được đánh đổi bằng sự lao động quên mình

Dương Sông Lam
.
.
.