Đi lao động Hàn Quốc cần biết

Thứ Hai, 03/04/2006, 20:00

Hiện nay, có 3 chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là chương trình thẻ vàng, chương trình tu nghiệp sinh và chương trình đưa lao động theo luật cấp phép mới.

Một cán bộ Phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: ngày nào các chị cũng nhận được hàng chục cuộc điện thoại của người lao động các tỉnh gọi tới chỉ hỏi thông tin về chương trình đi XKLĐ Hàn Quốc.

Hiện nay, Hàn Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn nhất đối với những người có nhu cầu đi XKLĐ. Nhưng điều đáng nói là rất nhiều người không chịu tìm hiểu thông tin từ các cơ quan chức năng mà chỉ nghe cò mồi. Vì vậy mà các cò mồi như Phạm Xuân Huy, với danh nghĩa tuyển lao động đi Hàn Quốc cho Công ty Cổ phần TM-DL Bắc Ninh, đã thu hơn 31.000 USD của hàng chục người. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Công ty TNHH Lan Giang (Thanh Xuân - Hà Nội), cho tới khi bị bắt, Lan đã lừa được tới 500.000 USD của hơn 100 người ở nhiều tỉnh, thành có nhu cầu đi lao động Hàn Quốc bằng một mớ hồ sơ... giả.

Cửa chỉ rộng mở cho lao động trình độ cao

Hiện nay, có 3 chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là chương trình thẻ vàng, chương trình tu nghiệp sinh và chương trình đưa lao động theo luật cấp phép mới.

Với chương trình thẻ vàng, phía Hàn Quốc có chủ trương mở cửa cho lao động kỹ thuật cao với số lượng không hạn chế và mức lương khá cao (khoảng 1.500USD/tháng trở lên). Điểm khác biệt của chương trình này là các ứng viên có trình độ cao (tốt nghiệp đại học, cao đẳng kỹ thuật, thông thạo ngoại ngữ, tin học...) và sẽ được hưởng những điều kiện ưu đãi trong công việc cũng như sinh hoạt khi làm việc ở nước bạn. Hiện Bộ LĐ-TB&XH rất khuyến khích các doanh nghiệp XKLĐ hướng tới thị trường này và cho phép doanh nghiệp tạo nguồn nếu có hợp đồng.

Theo đại diện Trung tâm XKLĐ của Công ty OSC Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp này đang có nhiều hợp đồng với mức lương gần 2.000 USD/tháng nhưng khó tuyển lao động.

Tại “Hội chợ việc làm công nghệ cao” (11/2005) do Quỹ Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 8 doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam và 32 doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có những công ty nổi tiếng như LG, Hyundai... có tới gần 1.000 cử nhân tốt nghiệp các trường kỹ thuật tới xin phỏng vấn, nhưng số đạt yêu cầu rất ít.

Chương trình thứ 2 là đưa tu nghiệp sinh (làm việc trong 3 ngành Xây dựng, Công nghiệp và Nông nghiệp). Hiện có 11 doanh nghiệp được cấp phép, trong đó tại Hà Nội là: Công ty Lod (99 Lê Duẩn); Công ty IMS (Km 8 đường Nguyễn Trãi); Công ty Oleco (Km 10 thị trấn Văn Điển); Tổng Công ty Vinaconex (34 Láng Hạ); Công ty Simco (khu B, G10 Thanh Xuân Nam); Công ty VIC (45 Nguyễn Chí Thanh); Công ty Sona (34 Đại Cồ Việt); Chi nhánh Hà Nội của Công ty Tracimexco (61 Hàm Long). Tại  TP HCM: Công ty Sovilaco (293 Điện Biên Phủ); Công ty Suleco (635A Nguyễn Trãi, Q.5); Công ty Tracimexco (22 Phan Đình Giót, Q. Tân Bình); Công ty Tracodi (89 Cách mạng Tháng Tám, Q.1).

Chương trình thứ 3 và có nhiều chỉ tiêu nhất là đưa lao động đi theo Luật cấp phép mới. Đây là chương trình phi lợi nhuận nên Chính phủ Hàn Quốc không cho các doanh nghiệp tham gia mà yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp thực hiện. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thành lập Trung tâm lao động ngoài nước (OWC) để  làm đầu mối phía Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan của Hàn Quốc thực hiện. Hiện Bộ LĐ-TB&XH phân bổ chỉ tiêu cho 40 tỉnh, thành trong cả nước và 34 trường cao đẳng, dạy nghề của các bộ, ngành. Đối tượng được tham gia chương trình này phải là bộ đội xuất ngũ và sinh viên các trường cao đẳng, dạy nghề.

Theo quy định, các đơn vị được giao chỉ tiêu có trách nhiệm tuyển chọn đúng đối tượng, lập hồ sơ của người lao động dự tuyển và chuyển cho OWC; OWC sẽ chuyển cho phía Hàn Quốc thông qua mạng Internet. Những lao động được phía Hàn Quốc lựa chọn sẽ ký hợp đồng lao động trực tiếp với người sử dụng lao động trước khi đi.

Với chương trình này, người lao động chỉ phải chi phí 699 USD bao gồm toàn bộ các khoản: phí làm hộ chiếu, phí visa, phí đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng, vé máy bay, lệ phí sân bay. Ngoài ra, người lao động không phải nộp thêm bất cứ một khoản nào cho OWC cũng như đầu mối tiếp nhận lao động phía Hàn Quốc.--PageBreak--

Khi sang làm việc, người lao động sẽ phải nộp phí bảo hiểm và thuế thu nhập cao theo luật pháp nước bạn. Lao động đi theo chương trình này cũng không phải đóng tiền đặt cọc và đóng phí dịch vụ. Mức lương người lao động được hưởng ngang bằng với mức lương của người Hàn Quốc cùng một công việc. Hợp đồng lao động là 2 năm, nếu làm tốt có thể gia hạn thêm 1 năm. Hiện Hàn Quốc vẫn chưa gửi chỉ tiêu năm 2006 sang Việt Nam. Vì vậy các doanh nghiệp được cấp phép đang thực hiện hợp đồng còn lại của năm trước.

Theo thông tin từ Cục QLLĐNN, những lao động đăng ký đi làm việc theo chương trình này sau ngày 17/8/2005 phải có chứng chỉ thi đạt tiếng Hàn do cơ quan kiểm tra tiếng Hàn được Bộ Lao động Hàn Quốc chỉ định cấp. Đây là một bài thi sát hạch về tiếng Hàn với sự đánh giá của Hội Ngôn ngữ Hàn Quốc, kiểm tra khả năng nói tiếng Hàn của người nước ngoài. Bài kiểm tra này đánh giá trình độ, khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn trong cuộc sống hàng ngày và trong công việc.

Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc ủy quyền cho OWC và Ủy  ban chứng nhận trình độ tiếng Hàn thuộc Hiệp hội tiếng Hàn thực hiện tổ chức kiểm tra. Ủy ban này chịu trách nhiệm thực hiện kiểm tra và cấp chứng chỉ. Vì vậy trong các ngày 20 và 24/3, những người có nhu cầu đi Hàn Quốc tuổi đời từ 17 tới 39, không có tiền án tiền sự, đã trực tiếp đến trụ sở OWC; Sở LĐ-TB&XH ở 40 tỉnh, thành và 34 trường được cấp phép đào tạo để đăng ký dự thi.

Ngày 9/4/2006, sẽ tổ chức thi đồng loạt tại 3 địa điểm: Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm 3 - TP HCM và Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Nghệ An. Sẽ có 2 nội dung thi là nghe (25 câu thi trong 40 phút) và đọc (25 câu thi trong 50 phút). Sau khi thi 4 tuần sẽ thông báo kết quả; 3 tuần sau khi thi thí sinh có thể tự tra kết quả trên trang web www.klpt.org. Chứng chỉ này có giá trị trong 2 năm kể từ ngày cấp. Như vậy, để có một suất đi lao động Hàn Quốc, ngoài vốn đầu tư, người lao động còn phải có trình độ, đây là điều kiện không dễ với nhiều người.

Vì vậy, muốn tìm hiểu thêm về thị trường Hàn Quốc và chương trình, doanh nghiệp mình định đăng ký, người lao động có thể trực tiếp tới Cục QLLĐNN (41B Lý Thái Tổ, Hà Nội) hoặc gọi đến các số điện thoại: 04-9.340925; 9.351015; 9.351016; 8249525 để xin tư vấn hoặc phản ánh những cá nhân, tập thể có dấu hiệu lừa đảo.

40 tỉnh thành và 34 trường được Bộ LĐ – TB & XH

40 tỉnh, thành:

Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Tây, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau.

34 trường:

- Bộ Công nghiệp: Trung học Công nghiệp và Xây dựng, Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, Trung học Xây lắp điện, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp 1, Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm TP HCM, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ.

 - Bộ Xây dựng: Trường Cơ giới cơ khí xây dựng Việt - Xô số 1, Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, Cao đẳng Xây dựng công trình số 3, Cao đẳng Xây dựng công trình miền Tây, Cao đẳng Xây dựng công trình số 1, Trường Đào tạo nghề xây dựng và thủ công mỹ nghệ.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Trường Công nhân xây dựng, Trung học dạy nghề Tam Điệp, Công nhân cơ giới 2, Trung học Cơ điện NN&PTNT, Trung học và dạy nghề NN&PTNT 1, Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam bộ.

- Bộ Giao thông - Vận tải: Trung học GT-VT  TW1, Trung học GT-VT  TW2, Kỹ thuật GT-VT 3, Cao đẳng GT-VT, Trung học Hàng giang TW2, Kỹ thuật nghiệp vụ đường bộ miền Bắc,  Công nhân kỹ thuật nghiệp vụ đường bộ 5.

 - Bộ Thủy sản: Trung học Thủy sản 1, Trung học Thủy sản 2, Trung học Thủy sản 4.

- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam: Trường dạy nghề số 2.

- Tổng cục Dạy nghề: Trường Kỹ nghệ 1, Trường Kỹ nghệ 2, Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vinh.

Nguyễn Thiêm
.
.
.