Di dời nhà bè trên Vịnh Hạ Long: Chuyện khó thành dễ

Thứ Ba, 11/10/2011, 18:03
Từ nhiều năm qua, TP Hạ Long đã vài lần lên phương án giải tỏa, di dời các hộ nhà bè về đúng vị trí được quy hoạch. Song, do nhiều nguyên nhân, các phương án không thể triển khai. Đến ngày 5/10/2011, chỉ qua cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở, công việc khó khăn, phức tạp trên đã được người dân đồng thuận, tự giác chấp hành.

Hàng chục năm trước, khi TP Hạ Long vẫn còn là thị xã Hòn Gai, khu vực mặt nước vịnh gần với nội thị đã xuất hiện các nhà bè. Lúc đầu chỉ là những tàu thuyền nhỏ của ngư dân neo đậu khi cơ nhỡ, sau rồi cắm chốt, hạ buồm, biến tàu thuyền thành các ngôi nhà nổi trên vịnh. Tại thời điểm đó, những nhà nổi này chưa ảnh hưởng gì đến hạ tầng, đô thị, du lịch nên chẳng ai để ý. Nhưng chỉ một thời gian, số lượng nhà nổi từ vài chục lên tới hàng trăm, cắm neo từng nhóm thuộc nhiều phường khác nhau.

Từ năm 2005 trở đi, những nhà nổi này bắt đầu có xu hướng cố định tại chỗ và được đầu tư, cơi nới thành nhà bè, nhà hàng hải sản, là những tụ điểm kinh doanh chế biến và ăn uống. Theo số liệu điều tra, đến thời điểm hiện nay, trên vùng nước vịnh Hạ Long đã có tới 635 nhà bè với 2.400 nhân khẩu đang sinh sống cố định trên đó.

Điều đáng nói, sự tồn tại của hàng trăm nhà bè này đã thực sự là mối lo tứ bề của chính quyền các cấp sở tại. Thứ nhất, hầu hết các hộ dân đều sinh sống tự do, mọi điều kiện sinh hoạt từ điện, nước, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục đều tự giải quyết, khác hẳn các khu dân cư trên đất liền. Thứ hai, ngoài sinh hoạt, ăn ở tại chỗ, nhà bè của họ cũng là nơi nuôi nhốt thủy sản, là điểm giao dịch, kinh doanh nhà hàng, lượng tàu và khách vãng lai ra vào khu vực ngày một tăng đã tác động chung đến hệ thống giao thông đường thủy nội địa, gây cản trở luồng tàu chạy trên biển. Thứ ba, cũng do sinh sống theo cụm, số hộ, số nhân khẩu ngày càng tăng và không chịu sự ràng buộc những tiêu chí xã hội nào cả nên mặc nhiên trở thành những tụ điểm rất phức tạp, từ ô nhiễm môi trường, vệ sinh phòng dịch đến tình hình ANTT.

Trước thực trạng đó, đầu tháng 8/2011, UBND TP Hạ Long có Quyết định số 2316 về việc di dời các nhà bè, bè mảng neo đậu không đúng nơi quy định trên vịnh về các điểm quy hoạch. Đây được cho là quyết định cuối cùng, dứt khoát phải thực hiện ngay trong năm 2011.

UBND TP Hạ Long giao trách nhiệm cho các phường Đại Yên, Hùng Thắng, Bãi Cháy, Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà có nhiệm vụ giao quyết định này đến các hộ nhà bè và giải thích, vận động, đôn đốc yêu cầu các hộ nghiêm túc thực hiện. Sau ngày 15/8/2011, những hộ nhà bè nào không thực hiện di dời, UBND thành phố sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ.

Trước sự quyết liệt của chính quyền, một số hộ nhà bè đã tự giác chấp hành. Số còn lại vẫn cố thủ và kiến nghị các cấp chính quyền hỗ trợ những điều kiện để được cấp hộ khẩu, được định cư trên đất liền vì cho rằng sẽ không còn khả năng mưu sinh trên biển khi không có nhà bè. Lắng nghe dư luận của người dân, ngày 5/10/2011, ông Phạm Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long đã trực tiếp đối thoại với đại diện 30 hộ nhà bè thuộc phường Bạch Đằng, nhằm tìm ra hướng giải quyết thấu lý đạt tình.

Những nhà bè thế này sẽ không còn tồn tại gây phản cảm trên vịnh Hạ Long.

Trước các kiến nghị của dân, ông Phạm Hồng Hà thông báo, thành phố đã xây dựng khu tái định cư tại phường Hà Phong để giải quyết nhu cầu lên bờ ổn định cuộc sống của các hộ. Khu tái định cư hiện đã được san nền và đang thực hiện đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước.

Các hộ có nguyện vọng đề nghị làm đơn gửi UBND phường trước ngày 15/10 để phường tổng hợp báo cáo UBND thành phố giải quyết. Trong quá trình chờ ổn định nơi ở mới, thành phố sẽ hỗ trợ tiền nhà 6 tháng cho các hộ.

Đối với các hộ bị mất hộ khẩu, yêu cầu Công an phường Bạch Đằng và các phường có liên quan rà soát, hướng dẫn làm lại. Các hộ có yêu cầu hỗ trợ lai dắt bè đến nơi ở mới đề nghị viết đơn gửi UBND phường để giải quyết. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Phòng Quản lý đô thị căn cứ các tiêu chuẩn an toàn giao thông bến thủy nội địa tổ chức bến đỗ cho bà con làm nghề chèo đò trong khu vực.

Cách trực tiếp giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn, có lý, có tình của UBND TP Hạ Long đã làm cho các hộ dân phấn khởi, từ chỗ né tránh, thậm chí không đồng tình suốt nhiều năm qua, nay đều tự nguyện chấp hành yêu cầu di dời, nhà bè đến nơi quy định, trả lại sự phong quang sạch đẹp và an toàn cho vịnh Hạ Long

Lê Minh Triết
.
.
.