Đến với "lính điều tiết" xây cầu Nhật Tân

Chủ Nhật, 02/01/2011, 10:41
Dù mật độ phương tiện qua lại dày đặc, song đến thời điểm này, cả 3 chốt điều tiết - khống chế đã không để xảy ra bất cứ một vụ tai nạn hay mất an toàn nào ảnh hưởng đến công trình, và được nhà thầu thi công hết sức khen ngợi. Trạm trưởng Đỗ Văn Tấn cho biết, "nếu nhà thầu tiếp tục thi công trong những ngày Tết Nguyên đán thì chúng tôi vẫn sẵn sàng có mặt ở đây và làm việc 24/24h".

Sau hơn 9 tháng khởi công (10/3/2010), cây cầu vượt sông Hồng Nhật Tân đã cơ bản hoàn thành việc đúc 4 trụ cầu (từ trụ T12 đến T15) xuống lòng sông Hồng một cách an toàn và đúng tiến độ. Để góp phần tạo nên kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ công sức của những cán bộ, công nhân tại Trạm điều tiết khống chế, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa thuộc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 (những người mà dân đường sông thường gọi là "lính điều tiết") phục vụ thi công cầu Nhật Tân...

Ba nhất trên sông

Một chiều cuối năm lạnh buốt, từ chốt điều tiết - khống chế (chốt ĐTKC) đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) tại bờ phải của luồng Phú Thượng (thuộc phường Nhật Tân), chiếc xuồng cao tốc 25 mã lực chở chúng tôi xé nước lao đến khu vực công trường thi công cầu, rồi vòng qua bãi bồi Phú Thượng sang Trạm ĐTKC trung tâm để tận mắt chứng kiến công trình cầu Nhật Tân trên sông Hồng (tại Km 61+600) thuộc phường Nhật Tân (phía bờ Nam), quận Tây Hồ và xã Hải Bối (phía bờ Bắc), huyện Đông Anh, Hà Nội).

Giữa sông, gió đông tê tái là thế, nhưng không khí lao động trên công trường vẫn diễn ra thật sôi động. Những người thợ đang miệt mài với công việc của mình. Người trên máy cẩu, người trên mặt boong tàu, người cầm bộ đàm, người thì chui xuống lòng trụ cầu... tất bật, khẩn trương. Xung quanh những trụ cầu đã cắm cọc vây giữa dòng, những chiếc ponton cõng cần cẩu cao lêu nghêu đang hối hả cẩu các thiết bị thả xuống công trình như chạy đua cùng với cái giá, rét...

Cách đây hơn 9 tháng, ngày 10/3/2010, nhà thầu xây dựng Nhật Bản là Công ty liên danh IHI và Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo, đã chính thức khởi sự chiếc móng trụ cầu đầu tiên xuống lòng sông Hồng. Để đảm bảo trong suốt quá trình thi công công trình được an toàn, cũng như đảm bảo cho việc việc điều tiết, phân luồng phương tiện giao thông thủy qua khu vực, Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 đã thành lập Trạm ĐTKC đảm bảo an toàn giao thông ĐTNĐ phục vụ thi công cầu Nhật Tân. Trạm này gồm 3 chốt ĐTKC, bố trí cách vị trí xây dựng cầu khoảng 1.000m về phía thượng lưu và hạ lưu cầu, theo đúng quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ. Trong đó, luồng Hải Bối (cũng là luồng chính) có 2 chốt tại Km 62+500 và Km 60+500; 1 chốt đóng tại Km62 phía luồng Phú Thượng, thuộc phường Nhật Tân.

Hướng dẫn phương tiện qua khu vực thi công cầu.

Nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc thi công cầu, anh Đỗ Văn Tấn  - Trạm trưởng, Trạm ĐTKC trung tâm cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ tại khu vực thi công cầu, 3 chốt ĐTKC được trang bị phương tiện khá đầy đủ gồm, 2 tàu có công suất 33CV và 50CV; 2 tàu 150CV và 4 xuồng cao tốc 25CV cùng với lực lượng thuyền trưởng, máy trưởng, cán bộ kỹ thuật, công nhân hàng giang lên tới hơn 40 người.

Với tiêu chí đặt ra của Trạm là: Phải đáp ứng yêu cầu ba nhất: Nhanh nhất, chính xác nhất và an toàn nhất. Theo đó, Trạm đã bố trí nhân lực phương tiện một cách bài bản theo đúng phương án đã duyệt. Cũng theo yêu cầu của nhà thầu, ngoài nhiệm vụ trực chiến, đảm bảo cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra, 2 tàu 150CV còn có thêm chức năng nữa là làm "lá chắn" trước trụ cầu trên thượng lưu mỗi khi đơn vị thi công trụ cầu giữa sông.

Cùng với những phương tiện điều tiết là một hệ thống gồm 15 biển báo hiệu và 14 phao tiêu, tín hiệu điện bố trí trên cả hai luồng Hải Bối và Phú Thượng đảm bảo cho các phương tiện vận tải thủy đi lại thuận lợi cả ngày và đêm.

Ngoài ra, còn bố trí 3 trụ neo tàu phòng khi cấm luồng, sẽ để cho các phương tiện neo đậu chờ thông luồng. Tại mỗi trạm luôn có 7 cán bộ, công nhân túc trực 24/24h nhằm đảm bảo tốt nhất cho các phương tiện lưu thông được an toàn trong khu vực thi công cầu.

Qua thực tế hơn 9 tháng làm nhiệm vụ tại công trường, toàn bộ những phương tiện, trang bị kỹ thuật, phao tiêu, biển báo hiệu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ĐTKC đảm bảo ATGT đường thủy, kể cả những ngày lũ sông Hồng dâng cao nhất trong mùa mưa lũ vừa qua. Kết quả đó đã được nhà thầu đánh giá rất cao và họ luôn phối hợp một cách chặt chẽ với các chốt ĐTKC trong suốt quá trình thi công.

Vững vàng trong sóng gió

Mùa này sông Hồng khá hiền hòa do đã vào những ngày trung tâm của mùa cạn, thế nhưng, sóng gió trên sông cùng những mối hiểm nguy ẩn dưới lòng sông chưa phải đã hết. Do mực nước xuống thấp, nên các bãi bồi, bãi cạn xuất hiện khá nhiều, nhất là luồng phía Phú Thượng. Trong khi đó, chiều rộng luồng chỉ khoảng từ 60m đến 80m, độ sâu chạy tàu chỉ từ 1,2m đến 2,0m.

Phía luồng Hải Bối, tuy rộng hơn song lại có cua cong và rất nhiều cọc kè chỉnh trị luồng. Đặc biệt là, tại hệ thống kè Tầm Xá Km60 (Hải Bối), luồng cong gấp, nước chảy xiết, luồng lại sát với đầu kè. Đây là những chướng ngại vật rất nguy hiểm cho các phương tiện. Thế nhưng, các phương tiện qua lại trên tuyến này hầu hết là những phương tiện có trọng tải lớn và thường xuyên chở quá tải.

Hằng ngày, lưu lượng phương tiện thủy qua mặt cắt tại khu vực thi công cầu Nhật Tân có khoảng trên 400 lượt. Trong đó, gồm các loại tàu tự hành có trọng tải từ 300 tấn, nhiều tàu có trọng tải lên đến 1.200 tấn, thậm chí có đoàn lai dắt có trọng tải lên tới 1.600 tấn. Vì thế, công việc của trạm cũng khá vất vả, nếu lơ là, mất tập trung sẽ dẫn đến những vụ tai nạn mà hậu quả sẽ không thể lường hết được. Đặc biệt là, vào thời điểm này, theo cấp kỹ thuật đường thủy, mực nước cho phép chạy tàu là 2,5m, tuy nhiên mực nước thường xuyên xuống thấp. Có những thời điểm, mực nước chỉ đạt 2,0m đến 2,3m, thậm chí có ngày còn xuống dưới 1,8m...

Nhớ lại đầu mùa lũ năm 2010, trong những tháng đầu khi công trình mới khởi công, lúc đó phía thượng lưu vẫn còn cầu phao Chèm hoạt động. Thời điểm đó cũng bắt đầu vào mùa mưa lũ, nên vào giờ thông cầu phao (từ 23h hôm trước đến 5h ngày hôm sau), các loại phương tiện vận tải thủy thường xuyên chen lấn, giành luồng qua cầu. Được sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng Cảnh sát đường thủy (thuộc Phòng CSĐT Hà Nội) đã luôn kề vai sát cánh cùng với các chốt ĐTKC trong việc hướng dẫn, phân luồng phương tiện, nên trong suốt thời gian tồn tại cầu phao Chèm cũng như thời gian về sau này, đã không để xảy ra tình trạng ùn tắc luồng, đảm bảo cho các loại phương tiện qua lại an toàn và nhanh chóng, đồng thời đảm bảo cho nhà thầu tổ chức thi công liên tục 24/24h.

Hết lũ, vào mùa cạn, có nghĩa là cũng vào thời điểm đông giá. Ban ngày đã vậy, nhiều khi về đêm mưa to gió lớn, anh em đã phải đội mưa gió, giá rét bám luồng, bám tuyến làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn phương tiện đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công trình. Đến nay công việc đã đi vào ổn định… Mặc dù mật độ phương tiện qua lại dày đặc, song đến thời điểm này, cả 3 chốt ĐTKC đã không để xảy ra bất cứ một vụ tai nạn hay mất an toàn nào ảnh hưởng đến công trình, và được nhà thầu thi công hết sức khen ngợi. Khi chúng tôi hỏi đến những ngày nghỉ của Tết Nguyên đán, anh Tấn cho biết, nếu nhà thầu tiếp tục thi công trong những ngày Tết thì chúng tôi vẫn sẵn sàng có mặt ở đây và làm việc 24/24h.

Chia tay với "lính điều tiết" - những người đang ngày đêm không ngại nắng mưa, gió rét luôn sát cánh cùng anh em thợ trên công trình cầu Nhật Tân, chúng tôi cứ nhớ mãi câu nói của anh Nguyễn Văn Lưu - Chốt trưởng chốt ĐTKC Nhật Tân: "Với cánh "lính điều tiết", tàu chính là nhà - sông nước là quê hương". Đó cùng là câu nói rất thân thương và đầy trách nhiệm của cả tập thể những người "lính điều tiết" ở Trạm ĐTKC cầu Nhật Tân đang cùng những những thợ cầu chạy đua với thời gian để hoàn thành công trình đúng tiến độ

Lưu Hùng Mạnh
.
.
.