Đề xuất tăng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi

Thứ Sáu, 28/06/2013, 09:48
Việt Nam đã và đang là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, tham gia hơn 10 điều ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước LHQ về quyền trẻ em (CRC). Tuy nhiên, ở châu Á hiện chỉ còn 3 quốc gia là Bắc Triều Tiên, Iran và Việt Nam chưa thực hiện nâng độ tuổi trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Có nên tăng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi hay không? Đó là vấn đề được các nhà nghiên cứu đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu "Tăng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi trong bối cảnh Việt Nam hiện nay-lợi ích, tác động và một số giải pháp" do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VAPCR) và tổ chức Plan (ARO) phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 27/6.

TS Hoàng Văn Nghĩa, Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài “Tăng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi trong bối cảnh Việt Nam hiện nay - lợi ích, tác động và một số giải pháp” cho biết: Theo các số liệu điều tra dân số năm 2009, và điều tra hàng năm tính đến năm 2012, Việt Nam hiện có khoảng 24,5 triệu trẻ em (tính từ 0 đến 16 tuổi, chiếm 24% tổng dân số),  số người chưa thành niên (từ đủ 16 đến dưới 18) là 3,2 triệu (chiếm 4% tổng dân số).

Nâng độ tuổi pháp lý của trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện và an toàn.

Như vậy, theo định nghĩa của Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục (Luật BVCSGD TE) Việt Nam năm 2004, “trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi” thì  hơn 3 triệu người chưa thành niên này không được coi là trẻ em. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ nhóm người đang chỉ được coi là người chưa thành niên -nhóm dễ bị tổn thương và dễ có những hành vi lệch lạc do thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ về tâm, sinh lý.

Trong khi đó, Công ước LHQ về quyền trẻ em (CRC) mà Việt Nam là quốc gia thành viên quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi”. Do vậy, các khuyến nghị của Ủy ban Công ước quyền trẻ em (CRC), Báo cáo Kiểm điểm định kỳ Toàn cầu (UPR) của Hội đồng nhân quyền LHQ, cũng như hàng loạt các khuyến nghị, bình luận của các Ủy ban điều ước quốc tế về quyền con người khác (như Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ CEDAW...) đều đề nghị Việt Nam nên tăng độ tuổi trẻ em lên dưới 18, nhằm tạo nhiều cơ hội để các em được bảo vệ và phát triển một cách toàn diện hơn.

Cũng theo lý giải của TS Hoàng Văn Nghĩa, trưởng nhóm nghiên cứu, đề xuất tăng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Các bằng chứng nghiên cứu khoa học từ góc độ y học, tâm lý học và sinh lý học đều nhấn mạnh đến giai đoạn từ 16 đến 18 là thời kỳ phát triển bản lề, có sự thay đổi mạnh mẽ, sự chuyển biến lớn lao về thể chất, tâm, sinh lý...

Trong khi đó nhận thức xã hội, ý thức về trách nhiệm như người lớn còn rất hạn chế. Sự thay đổi ghê gớm về tâm, sinh, lý của trẻ cũng là những yếu tố dễ bị tổn thương có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của những người trẻ tuổi này. Chính đây là lúc, trẻ từ 16 đến dưới 18 vẫn cần sự quan tâm và chăm sóc của xã hội để các em phát triển theo đúng hướng mà không bị sa vào sự bỏ rơi, sao nhãng và hành vi lệch lạc, hay nghiêm trọng hơn là làm trái pháp luật. Nói cách khác, từ các yếu tố tâm, sinh lý đều cho thấy người từ đủ 16 đến dưới 18 vẫn chưa phát triển hoàn thiện và vẫn cần phải được quan tâm đặc biệt từ phía nhà nước, xã hội, cộng đồng và gia đình.

Mặt khác, theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH năm 2012, có tới 16.542 người từ 14 đến dưới 18 làm trái pháp luật, trong đó riêng người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 chiếm tới 65%. Điều này cho thấy, số người chưa thành niên ở độ tuổi (16 - 18) làm trái pháp luật ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên chính là do sự thiếu hụt và khoảng trống về chính sách chăm sóc, bảo vệ đặc biệt đối với người chưa thành niên. Do quan niệm họ không còn là trẻ em nên đã dẫn đến những sự thiếu quan tâm chăm sóc đặc biệt từ phía nhà nước, cộng đồng, nhà trường và gia đình.

“Thực tiễn này đặt ra yêu cầu về việc cần phải thông qua những biện pháp bảo vệ thích đáng đối với người chưa thành niên, bắt đầu từ điều chỉnh quy định về tuổi được coi là trẻ em, đưa nhóm người từ 16 đến dưới 18 tuổi vào khung trẻ em”  - TS. Hoàng Văn Nghĩa đề xuất

Huyền Thanh
.
.
.