Đê sông Hồng thành nơi sản xuất, tập kết vật liệu xây dựng

Thứ Năm, 10/12/2009, 09:28
Không thể tưởng tượng nổi, cả đoạn đê dài gần 40km từ huyện Từ Liêm đến Phúc Thọ (Hà Nội) trong những ngày này biến thành công trường sản xuất, tập kết gỗ, tre, nứa, gạch, vật liệu xây dựng. Xe ôtô tải chở gỗ, vật liệu xây dựng không chỉ đi vào ban đêm mà còn nghênh ngang đi cả ban ngày, khiến nhiều đoạn đê bị băm nát, nhiều chỗ lồi lõm nham nhở.

Hà Nội đang bước vào mùa khô, nước sông Hồng cạn kiệt, nhưng không phải vì thế mà các ngành chức năng và chính quyền địa phương làm ngơ cho những vi phạm này.

"Công trường" trên đê

Bây giờ là mùa khô, mối hiểm họa hành lang bảo vệ đê không nhức nhối như mùa mưa bão, tuy nhiên nhiều hộ dân sống ven đê sông Hồng càng được thể vi phạm. Gỗ lạt, tre nứa, gạch, cát sỏi không những để đầy ở mái đê, chân đê mà còn bày trên mặt đê. Có mặt ở khu vực Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng chúng tôi thấy hàng chồng gạch cao được người dân để dưới chân đê, mặt đê.

Từng đống gỗ còn được đem lên mặt đê để phơi nắng. Đến khu vực Liên Hà, cụm công nghiệp chế biến lâm sản thì mới thấy hết tốc độ vi phạm của nhiều hộ kinh doanh, buôn bán ở đây lớn đến thế nào. Liên Hà là xã chế biến lâm sản, khi giải toả huyện Đan Phượng đã đưa các hộ này vào vùng cơ đê. Tuy nhiên, đến nay thì các hộ kinh doanh, chế biến bày luôn tre nứa, gỗ lạt ra mái đê, mặt đê.

“Công trường” sản xuất trên mặt đê, vi phạm Luật Đê điều nghiêm trọng.

Tại khu vực đê sông Hồng giáp ranh giữa huyện Đan Phượng và Từ Liêm vi phạm diễn biến tương đối phức tạp. Bến lâm sản hoạt động tấp nập, quá tải khiến tre nứa được để ngang nhiên trên mặt đê. Từng cây gỗ to hai người ôm bày đầy trên mặt đê. Ôtô tải chở gỗ đi lại rầm rập, cày xới nát bươm nhiều đoạn mặt đê. Lều quán dựng ở chân đê, đặc biệt người ta còn chế biến, sản xuất ngay chân đê và mặt đê như một công trường.

Tuyến đê dọc sông Hồng chạy dài từ huyện Ba Vì về đến quận Tây Hồ được coi là tuyến đê xung yếu để bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, những hình ảnh vi phạm như trên thật sự khiến dư luận lo lắng vì công lao gia cố đê của các ngành chức năng chẳng mấy chốc lại bị những hộ dân vi phạm này phá hỏng.

Cần xử lý kiên quyết

Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đan Phượng thì các xã ven đê đang triển khai lập biên bản yêu cầu các hộ vi phạm tự tháo dỡ, di chuyển. Tuy nhiên, khi có mặt tại đây, chúng tôi vẫn thấy các hộ này hoạt động bình thường.

Ngày 15/12, các ngành chức năng của huyện Đan Phượng sẽ ra quân xử lý vi phạm bằng cách giải toả, cưỡng chế. Tuy nhiên, việc giải toả, cưỡng chế phải làm kiên quyết, mạnh tay thì mới đạt được kết quả cao, chứ như hiện nay thì chỉ một thời gian ngắn sau đâu lại vào đấy.

Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, qua thống kê trong mùa mưa bão năm 2009, Hà Nội có tới 4.408 vụ vi phạm Luật Đê điều. Tuy đã tiến hành cưỡng chế, giải toả nhưng kết quả lại không nhiều. Đó là chưa kể, nhiều điểm giải tỏa, cưỡng chế xong lại tái phạm. Nan giải nhất là việc giải toả 977 nhà xây kiên cố, 779 lều, quán trái phép vi phạm vào hành lang bảo vệ đê.

Ôtô tải vận chuyển gỗ đi lại tấp nập, cày xới mặt đê vừa được gia cố.

Tuyến đê dọc sông Hồng được đánh giá là một trong những tuyến nhức nhối về vi phạm Luật Đê điều. Chính vì vậy mà huyện Đan Phượng đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để xây dựng đường cơ đê Liên Trì, không để các hộ kinh doanh bày biện gỗ lạt, vật liệu xây dựng bừa bãi. Thành phố đã phê duyệt điểm Công nghiệp làng nghề Liên Trung, khi xây dựng xong các hộ chế biến lâm sản sẽ được đưa vào đây hoạt động.

Thiết nghĩ, để giải tỏa triệt để tình trạng vi phạm Luật Đê điều ở ven sông Hồng, ngoài việc phải xây dựng điểm công nghiệp thì công tác kiểm tra, xử lý, giải tỏa vi phạm của các địa phương cần phải kiên quyết, mạnh tay hơn nữa

Trần Hằng
.
.
.