Đê sông Hồng kêu cứu, chính quyền xã thờ ơ

Thứ Hai, 17/06/2013, 12:33
Thời gian gần đây, những người dân đang sinh sống tại khu vực xóm Đề Thám - xã Văn Nhân - huyện Phú Xuyên - Hà Nội đang phải sống trong tâm trạng hết sức hoang mang, lo sợ cho tính mạng, tài sản của gia đình mình có thể bị dòng sông Hồng nuốt trôi bất cứ lúc nào, bởi hành lang bảo vệ đê đang bị một số người ngang nhiên xúc cát chở đi bán. Rất nhiều hộ đã đồng loạt ký tên vào đơn đề nghị gửi các cơ quan báo chí với lời khẩn cầu: Hãy bảo vệ tính mạng và tài sản cho bà con chúng tôi…

Sống trong sợ hãi

Theo phản ánh của những người dân tại khu vực xóm Đề Thám, hiện khu vực bãi đất (nằm trong hành lang bảo vệ đê hữu sông Hồng) của xóm này đang bị một số người dùng máy xúc ngày đêm múc đổ lên những chiếc xe tải ba chân chở đi nơi khác bán. Việc làm trên đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sinh mạng của hàng chục hộ dân và sự an toàn của tuyến đê.

Có mặt tại hiện trường, nơi đây chẳng khác gì một “đại công trường” đang rầm rộ tiếng máy xúc, tiếng gầm rú của những chiếc xe tải hạng nặng chở đầy cát tấp nập vào ra.

Cả một đoạn đường dài bụi bay mù mịt. Hai chiếc máy xúc cỡ lớn đang hoạt động hết công suất và không ngừng nghỉ. Vây xung quanh “công trường” là đông đảo người dân gồm người già và thanh niên đến phản đối việc ngang nhiên múc cát đem bán. Kệ! Người dân cứ phản đối, máy xúc cứ múc, xe tải cứ chở!

Anh Khoản - một người dân sống tại xóm Đề Thám bức xúc nói: “Công trường này hoạt động từ sáng sớm cho tới khuya. Người ta làm việc cứ như thể đang bị ép đẩy nhanh tiến độ vậy. Khu vực này không còn đất thịt mà toàn là cát, nếu cứ tiếp tục múc đi như thế này thì tôi rất lo sợ cho con đê kia sẽ không thể đứng vững khi lũ về.

Vào mùa lũ năm 2012, đã xảy ra sạt lở gần 100m đê. Nghiêm trọng hơn, dọc theo khúc đê này, còn xuất hiện tình trạng nước thẩm lậu qua chân đê, ngấm cả vào nhà dân. Cứ cái đà múc cát làm rỗng hành lang như thế này, không ai lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra…”.

Để có thêm thông tin, chúng tôi đã đến nhà ông Phùng Văn Bẻo - một người cao tuổi của xóm Đề Thám. Ông Bẻo cho biết, năm ngoái (2012 – PV), khi nước thẩm lậu qua chân đê, nhà bác bị nước thấm cả vào trong nhà, sau đó bác phải nhờ sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, thì mới khắc phục được tình trạng này.

Không giấu nổi sự sợ hãi và thất vọng trên khuôn mặt, khi nhắc lại chuyện xảy ra năm trước, ông cho biết: “Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi rồi, sống gần trọn đời người ở mảnh đất này. Kể từ trận vỡ đê miền Bắc năm 1971, thì đây là lần thứ 2 mà tôi có cảm giác lo sợ như thế. Chúng tôi chỉ muốn được sống yên bình, để con cháu có thể yên tâm làm ăn, sinh sống trên mảnh đất của ông cha. Nhà tôi ở ngay chân đê, đúng vào đoạn đê xung yếu, nếu xảy ra sự cố lũ lụt vỡ đê thì không biết tôi có sống sót cùng với gia đình, bà con lối xóm nữa hay không?!”.

Ông nói đến đó mà mắt ông rưng rưng, chúng tôi hiểu được sự lo lắng và sợ hãi của người đàn ông cao tuổi này không phải là không có lý.

Những chiếc xe tải nối đuôi nhau vào chở cát.

Chính quyền địa phương làm ngơ?

Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi được biết, trước đây khu đất này được UBND huyện Phú Xuyên cho phép làm gạch thủ công và bãi tập kết nguyên vật liệu trên diện tích 1,5ha, được đốt từ 10 - 15 vạn gạch và chỉ được phép đặt một lò, không được khai thác đất tại chỗ để phục vụ cho việc đốt lò gạch. Thế nhưng, những chủ lò ở đây đã cho xây tới 4 lò, mỗi lò đốt tới cả trăm vạn gạch.

Khói lò gạch đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, gây thiệt hại cho hoa màu cũng như sức khỏe của bà con nơi đây. Không những thế họ còn cho máy xúc ngày đêm đào xới múc đất, lấy đất làm gạch trong hành lang bảo vệ đê điều, có chỗ sâu tới 5m, chiều dài lên tới cả trăm mét.

Theo Quyết định số 567/QĐ - TTg Ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định xóa bỏ lò gạch thủ công trên toàn quốc trước ngày 31/12/2010, thế nhưng những lò gạch ở đây gan lì nhả khói cho đến cuối năm 2012 - cũng là năm kết thúc hợp đồng của các nhà thầu gạch. Khi dừng đốt lò, các chủ lò đã hoàn thổ bằng cách bơm đầy cát vào khu vực trước đây xúc đất để làm gạch. Sự việc sẽ chẳng có gì nghiêm trọng nếu không xuất hiện việc một nhóm người đã dựng lán trưng biển bán cát san nền tại bãi và ngang nhiên đưa máy móc vào múc cát chở đi bán.

Khi phóng viên chúng tôi đang ở hiện trường thì ông Trưởng xóm Nguyễn Văn Cửu xuất hiện. Vị trưởng xóm này đã có mặt cùng với một đồng chí Công an viên của xã. Ông Cửu đã hùng hổ sấn tới ngăn cản không cho phóng viên tác nghiệp, đồng thời ông ta yêu cầu chúng tôi phải về trụ sở thôn trình bày rõ sự việc.

Lý do phải về trụ sở thôn, vì theo ông Cửu mới nhận được tin báo rằng tại đây có một vụ gây rối trật tự công cộng! Thấy Trưởng xóm như vậy, nhiều người dân rất bức xúc trước thái độ và cách hành xử khó hiểu của Trưởng xóm, đồng thời cùng đứng ra ngăn cản, phản đối hành vi của ông Cửu.

Chúng tôi có mặt tại UBND xã với mong muốn sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng. Tiếp chúng tôi là ông Lê Hồng Tuyến - Chủ tịch UBND xã Văn Nhân. Khi phóng viên đem những thắc mắc và nỗi bức xúc của người dân cùng sự lo lắng trước nguy cơ mất an toàn của con đê ra thì ông Tuyến khẳng định rằng: “Cấp ủy, chính quyền chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân về vấn đề này nên tôi chưa biết người dân phản ánh về vấn đề gì!”.

Cũng theo ông Tuyến, sau khi huyện có quyết định dừng sản xuất gạch thủ công, chính quyền xã đã cho thuê lại để làm mặt bằng tập kết vật liệu xây dựng. Họ xin được hạ thấp độ cao nền cũ xuống 1,5m để thuận tiện cho việc làm bãi tập kết, nên chỉ san gạt lại nền bãi cho phẳng.

Nhưng những hình ảnh ghi lại tại hiện trường do phóng viên thu được thì, hai máy xúc liên tục xúc đất lên những ôtô trọng tải lớn chở đi nơi khác chứ không phải san gạt như ông Tuyến cung cấp. Theo quan sát của chúng tôi, tại hiện trường có những chỗ máy xúc ngoạm gầu sâu xuống gần 5 mét, cách bờ đê không xa. Trả lời về vấn đề này, ông Tuyến nói: “Tôi không biết!”.

Còn đối với sự lo lắng của người dân về tình trạng nước ngấm qua chân đê, ông Tuyến cho rằng: “Việc thẩm thấu là hoàn toàn bình thường! Kể cả không có nước lũ, mà chỉ mưa to vẫn bị thấm. Nếu do thấm từ bên này đê sang bên kia đê thì đó lại là vấn đề liên quan đến Chi cục Quản lý đê điều”.

Máy xúc ngoạm sâu tới 5m chứ không phải san gạt làm mặt bằng như Chủ tịch xã Văn Nhân khẳng định.

Xin được nhấn mạnh rằng, theo phản ánh của những người dân thì, Công ty An Bình là đơn vị đang tiến hành khai thác cát tại đây và bà Ngọc - vợ ông Tuyến – chính là người trực tiếp đứng ra quản lý. Hằng ngày bà Ngọc đều có mặt tại một lán tạm để ghi chép sổ sách, theo dõi các xe ra vào bãi chở cát, lán được dựng sát bức tường của Trạm Quản lý đường sông Vạn Điểm. Ngay đầu lán còn dựng tấm biển xanh to tướng với dòng chữ: “Bán cát san nền” cùng với số điện thoại liên lạc. 

Lúc chúng tôi quay trở lại bãi cát một lần nữa, thì gặp một người phụ nữ đi ra từ cửa lán trên chiếc xe Click màu trắng, BKS 33P2 - 2079. Những người dân có mặt tại đó nói, người phụ nữ đó chính là bà Ngọc - vợ của ông Lê Hồng Tuyến - Chủ tịch UBND xã Văn Nhân. Không biết có phải bà Ngọc biết chúng tôi trở lại, nên đã vội vã lên xe phóng đi? 

Anh Phương, một người dân nhà ngay cạnh bến đò Văn Nhân cho biết: “Họ chẳng sợ một ai! Họ cho xe ra vào chở cát một cách công khai vì những người múc cát trong bãi đều là chỗ thân quen của Chủ tịch xã!”.

 Cũng theo những người dân nơi đây, thì khi xảy ra tình trạng xúc cát và nước thẩm lậu qua chân đê, gây mất an toàn, những người dân Đề Thám đã tổ chức họp và mời ông Trưởng xóm Nguyễn Văn Cửu tham gia. Họ đã thống nhất ký tên vào một bản kiến nghị và nhờ ông Cửu chuyển lên UBND xã nhưng ông Tuyến lại khẳng định rằng: “Lãnh đạo xã không nhận được bất cứ đơn từ kiến nghị nào về vấn đề này”.

Cũng tại buổi làm việc với Chủ tịch xã, khi chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm của ông Cửu thì ông Tuyến thản nhiên trả lời rằng: “Nếu họp dân mà có biên bản tôi khẳng định sẽ không có, vì nếu có các cuộc họp đó thì phải có lãnh đạo chính quyền của thôn đó, chứ một vài người thích kiện cáo, rủ nhau làm đơn thì là chuyện bình thường, đó không thể gọi là cuộc họp. Những việc làm của họ, họ cứ thêu dệt thêm và cứ lén lút họ làm”. Theo ông Tuyến thì nguồn gốc của lá đơn kiến nghị kia chỉ là những hành động mang tính tự phát của một nhóm người mà thôi.

Lời kết

Vấn nạn khai thác cát bừa bãi không chỉ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở hoa màu, nhà cửa của người dân, mà nghiêm trọng hơn là, một số đoạn đê xung yếu có thể bị mất an toàn vào mùa mưa lũ. Những người dân xóm Đề Thám đều có chung một niềm mong mỏi là, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc để có biện pháp ngăn chặn nạn “cát tặc” nhằm giúp dân bảo vệ đất đai, hoa màu, nhà cửa, ổn định đời sống, tránh được những cuộc đụng độ gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.

Và ngay cả bây giờ, khi đang ngồi viết những dòng chữ này, chúng tôi liên tục nhận được điện thoại của người dân xóm Đề Thám báo tin: “Các anh phóng viên ơi! “Cát tặc” lại kéo đến đông lắm, các anh về kêu giúp chúng tôi với!”

Tạ Tôn – Hoàng Thụ
.
.
.