Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách:

Đề nghị không thành lập cơ quan điều tra thuế

Thứ Bảy, 12/08/2006, 08:53

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách trong phiên thảo luận ngày 11/8 bày tỏ lo ngại về sự lạm quyền, vi phạm pháp luật, gây khó dễ cho doanh nghiệp, tổ chức, khi dự thảo Luật Quản lý thuế tiếp tục quy định thành lập cơ quan điều tra thuế với nhiều quyền hạn điều tra đặc biệt.

Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án) lý giải, mục đích thành lập cơ quan điều tra thuế nhằm chống việc trốn lậu thuế ngày càng tăng, diễn biến phức tạp và để tăng cường hiệu lực pháp lý của luật khi thực thi. Sau khi nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 đề nghị không nên đưa vấn đề này vào luật, dự thảo lần này đã có một số điều chỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, phần lớn ý kiến vẫn đề nghị không nên thành lập cơ quan điều tra thuế.

Đại biểu Trần Ngọc Đường băn khoăn: Hiện cơ quan quản lý thuế đã có bộ phận thanh tra, kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. Tuy nhiên, thực tế cơ quan này chưa phát huy hết vai trò dẫn đến một số tồn tại như nợ đọng thuế, chây ỳ, gian lận thuế... Nếu thành lập cơ quan điều tra thuế độc lập thanh tra thuế, rất dễ dẫn tới chồng chéo.

7 năm, khởi tố 553 vụ nhưng chỉ có 67 vụ phạm tội về thuế được xét xử

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện số tiền chây ỳ do các đối tượng không chịu nộp thuế khoảng hơn 4.200 tỷ đồng, trong đó thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hơn 2.600 tỷ đồng, thuế khác 1.420 tỷ đồng. Từ năm 1999 đến 2005, có 1.616 vụ việc vi phạm pháp luật thuế được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều tra song chỉ có 553 vụ được khởi tố và chỉ xét xử được 67 vụ, thu hồi số tiền thuế thất thoát khoảng 274 tỷ đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Bắc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đồng tình quan điểm này và cho biết, nếu quy định không rõ, khi thực hiện cơ quan này dễ lạm quyền. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự cũng quy định rõ các tội phạm liên quan thuế và cơ quan tố tụng có thẩm quyền điều tra, xử lý hành vi phạm tội về thuế.

Nếu giao chức năng điều tra thuế với nhiều quyền hạn sẽ rất phức tạp, có thể trùng giẫm hoạt động của cơ quan tố tụng. Theo đại biểu Tào Hữu Phùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, khi thanh tra thuế thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển ngay cho cơ quan tố tụng chứ không cần vai trò điều tra của cơ quan điều tra thuế vào cuộc.

Với xu thế hội nhập, việc tăng cường quản lý doanh nghiệp, tổ chức trong nghĩa vụ nộp thuế là cần thiết nhưng nếu áp dụng các biện pháp quản lý như trên dễ gây cản trở cho hoạt động chung. Đồng thời, vấn đề bộ máy, tổ chức khi thực hiện cũng rất khó để đảm bảo cơ quan điều tra thuế sẽ làm tốt nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu kết luận, chế định về cơ quan điều tra thuế là vấn đề lớn, nhất là trong điều kiện tổ chức bộ máy hành chính của ta còn cồng kềnh, có sự chồng chéo. Quan trọng là chống được các vi phạm pháp luật thuế nhưng đồng thời chống sự lạm quyền, không vì đấu tranh chống gian lận, trốn thuế mà gây khó dễ cho hoạt động nói chung của doanh nghiệp, tổ chức. Do đó, UBTV Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ vấn đề này trước khi trình Quốc hội biểu quyết, thông qua vào kỳ họp cuối năm

Phan Đăng
.
.
.