Đề nghị giảm 14 môn học xuống còn 8 môn cơ bản

Thứ Ba, 29/04/2008, 12:30
Theo đại diện nhiều Sở GD&ĐT của các vùng miền, chương trình như hiện nay, HS thành thị còn khó theo, chưa nói đến HS miền núi. Tại hội nghị, các đại biểu đã phản ánh nội dung chương trình SGK còn bất cập đối với HS các vùng miền.

Trong tuần vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức giao ban cuộc vận động "Hai không" tại một loạt vùng miền trong cả nước như: vùng Đông Nam Bộ, 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và TP Đà Nẵng, 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng, 15 tỉnh miền núi phía Bắc.

Hội nghị giao ban "Hai không" lại thực sự nóng bởi chủ đề: Vì sao học sinh (HS) bỏ học đang có xu hướng tăng nhanh. Theo báo cáo tổng hợp của Bộ GD&ĐT, hiện 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) có 17.779 HS bỏ học, trong đó có 808 HS bậc tiểu học, 9.371 HS bậc THCS và 7.600 HS THPT.

Ở vùng Đông Nam Bộ có 13.000 HS bỏ học, đông nhất là tỉnh Bình Phước với 4.000 HS, tiếp đến là Tây Ninh 2.500 HS, Bình Thuận 2.000 HS. Vùng đồng bằng sông Hồng cũng có tới 10.000 HS bỏ học, trong đó dẫn đầu là Hà Tây với 1.800 em.

Có rất nhiều nguyên nhân được Giám đốc các Sở GD&ĐT đưa ra như do nghèo khó, hoàn cảnh kinh tế gia đình, do vị trí địa lý quá xa xôi… nhưng có một nguyên nhân được bàn thảo nhiều nhất tại các hội nghị giao ban này lại chính là vấn đề chương trình và SGK quá nặng, không theo kịp, dẫn đến chán nản, không muốn đến trường.

Theo đại diện nhiều Sở GD&ĐT của các vùng miền, chương trình như hiện nay, HS thành thị còn khó theo, chưa nói đến HS miền núi. Tại hội nghị, các đại biểu đã phản ánh nội dung chương trình SGK còn bất cập đối với HS các vùng miền.

Sách có quá nhiều bộ môn với khối lượng kiến thức rất nặng nề, làm HS quá tải, còn giáo viên không đủ thời gian áp dụng phương pháp mới, sáng tạo cho HS.

Các đại biểu đã đề xuất nhiều phương án nhằm khắc phục tình trạng hàng loạt học sinh bỏ học, mang cơ hội quay lại trường học cho các em HS. Đó là cần giảm tải chương trình, nghiên cứu tinh gọn 14 môn học giảm xuống còn 7-8 môn; bỏ chương trình phân ban và sớm thực hiện dạy phân hóa từ năm học 2010 -2011 (không đợi đến năm 2015 mới triển khai).

Các đại biểu đề xuất kinh nghiệm như tổ chức giao ban giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, giữa các hiệu trưởng hằng tuần để nhanh chóng phát hiện nguyên nhân HS bỏ học nhằm kịp thời chấn chỉnh.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng mong muốn toàn xã hội cùng nỗ lực góp sức ngăn chặn bỏ học, giúp đỡ các em đến trường, trước hết nên có biện pháp cho từng trường hợp bỏ học cụ thể ở từng trường, từng lớp, từng địa phương và phải kiên trì thực hiện nhiều năm…

PV
.
.
.