Để lòng thiện không bị lợi dụng

Chủ Nhật, 10/08/2014, 13:31
Có lẽ chưa khi nào, lòng thiện của con người bị tổn thương ghê gớm trước sự kiện rúng động dư luận vừa xảy ra tại chùa Bồ Đề (Hà Nội). Đã có bao người mang lòng nhân ái, mang của cải vật chất đến góp sức cùng nhà chùa để nâng đỡ những trái tim mồ côi vừa sinh ra đã gặp cảnh đời nghiệt ngã. Vậy chúng ta phải làm gì để những tấm lòng đáng trân trọng ấy không bị lợi dụng, không bị mất niềm tin vì xã hội vẫn còn nhiều số phận cần được dang tay giúp đỡ.
* Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật có cuộc phỏng vấn ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề khiến những người thiện nguyện cảm thấy bị tổn thương. Ông có nghĩ rằng nhiều người sẽ không tìm đến các cơ sở tôn giáo để làm việc thiện nữa?

Ông Tô Đức: Đúng là sự việc xảy ra đã khiến nhiều người thất vọng và mất niềm tin khi gửi gắm lòng nhân ái vào các cơ sở tôn giáo. Nhưng tôi nghĩ, không vì thế mà người ta quay lưng lại với những việc đã làm xuất phát từ tâm. Bởi nhà chùa nuôi trẻ cũng có xuất phát ban đầu là làm việc thiện. Rồi sau đó lòng từ thiện bị người ta lợi dụng. Thực tế vẫn có nhiều cơ sở tôn giáo cứu giúp người có hoàn cảnh éo le bằng thiện tâm, bằng sự trong sáng.

PV: Hai đối tượng bị bắt vì hành vi buôn bán trẻ em tại tại chùa Bồ Đề, chúng ta đã có một bài học lớn về công tác quản lý trẻ bị bỏ rơi và các cơ sở nuôi trẻ bất hợp pháp. Ông có ý kiến gì về đánh giá này?

Ông Tô Đức: Đảng và Nhà nước ta chủ trương xã hội hóa, huy động cộng đồng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc, trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Thực hiện chủ trương này, nhiều tổ chức tôn giáo, từ thiện đã tham gia công tác chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi. Có rất nhiều cơ sở chăm sóc của các tôn giáo đã có đóng góp hết sức tích cực, tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 80 cơ sở chăm sóc của các tôn giáo đã thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp chùa Bồ Đề, qua kiểm tra cho thấy: Chùa Bồ Đề thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng diện bảo trợ xã hội chưa đúng quy định của pháp luật, chưa bảo đảm điều kiện về vệ sinh, cơ sở vật chất, diện tích phòng ở của đối tượng chưa đảm bảo theo quy định; không có nhân viên quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng được đào tạo kỹ năng. Tôi cho rằng, qua vụ việc này, chúng ta cần phải có sự rà soát, đánh giá cả về cơ chế, chính sách, công tác quản lý và đưa ra các giải pháp chấn chỉnh, xử lý phù hợp nhằm bảo đảm rằng không xảy ra các trường hợp tương tự.

Nhiều tình nguyện viên trong và ngoài nước đến chăm sóc trẻ ở chùa Bồ Đề.

PV: Có vẻ như quy định về việc giải quyết trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi hiện nay đang lỏng lẻo, có nhiều kẽ hở nên dễ bị lợi dụng nhằm trục lợi?

Ông Tô Đức: Nghị định số 68/2008/NĐ-CP và Nghị định số 81/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP đã quy định các cơ sở chăm sóc từ 10 đối tượng trở lên phải thành lập cơ sở bảo trợ xã hội; quy định việc tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp vào các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có trường hợp trẻ em bị bỏ rơi.

Theo đó, cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận ngay các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp để chăm sóc, nuôi dưỡng và hoàn thiện các thủ tục theo quy trình sau: (Bước 1). Lập biên bản tiếp nhận có chữ ký của cá nhân hoặc đại diện cơ quan, đơn vị phát hiện ra đối tượng (nếu có), chính quyền (hoặc Công an) cấp xã, đại diện cơ sở. Đối với đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán và nạn nhân bị cưỡng bức lao động, biên bản tiếp nhận có chữ ký của đối tượng (nếu có thể); (Bước 2).

Đánh giá về mức độ tổn thương, khả năng phục hồi và nhu cầu trợ giúp của đối tượng để có kế hoạch trợ giúp đối tượng; (Bước 3). Bảo đảm an toàn và chữa trị những tổn thương về thân thể hoặc tinh thần cho đối tượng kịp thời; đối với trẻ em bị bỏ rơi, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 25 ngày làm việc; (Bước 4). Quyết định nuôi dưỡng đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc chuyển đối tượng về gia đình, cộng đồng; (Bước 5). Hoàn thành các thủ tục, hồ sơ của đối tượng theo quy định. Trường hợp là trẻ em bị bỏ rơi, cơ sở thực hiện các thủ tục khai sinh cho trẻ theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Các thủ tục, hồ sơ phải hoàn thiện trong 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận đối tượng. Trường hợp kéo dài quá 10 ngày làm việc, phải do cơ quan quản lý cấp trên xem xét quyết định.

PV: Điều đó cho thấy quy định thì đã khá chặt chẽ, vậy thì vấn đề nằm ở đâu khi vẫn xảy ra sai phạm tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi?

Ông Tô Đức: Tôi cho rằng, vấn đề tăng cường công tác quản lý về nhân khẩu, hộ khẩu; sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền cơ sở, sự phối hợp giữa cơ quan Công an và cơ sở chăm sóc của các tôn giáo, và đặc biệt là phát hiện, phản hồi của người dân là hết sức quan trọng.

PV: Qua sự việc ở chùa Bồ Đề đã cho thấy rõ về lỗ hổng của công tác quản lý trẻ mồ côi hiện nay. Vậy, Bộ LĐTB và XH đã có những biện pháp và đề xuất gì để “lấp” đầy lỗ hổng này chưa?

Ông Tô Đức: Tôi cho rằng chúng ta cần phải tăng cường triển khai một số giải pháp tổng thể ở cấp quốc gia, tập trung vào việc: Kiểm tra, rà soát, lập danh sách và thực hiện các biện pháp chấn chỉnh, xử lý các cơ sở chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật... hoạt động chưa đúng quy định của pháp luật. Đối với các cơ sở không đủ điều kiện thì tiến hành phân loại, bàn giao về địa phương những đối tượng có địa chỉ cụ thể; lập danh sách các đối tượng không xác định được địa chỉ để xem xét, đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội công lập của tỉnh, thành phố để chăm sóc, nuôi dưỡng. Hướng dẫn các cơ sở chăm sóc thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.

Một trong những nhiệm vụ cần làm nữa là tăng cường công tác quản lý hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập; bảo đảm trẻ em bị bỏ rơi và các nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác được chăm sóc, trợ giúp trong môi trường an toàn, phù hợp... Đồng thời, phải chấn chỉnh, rà soát ngay các hồ sơ trẻ em dự kiến làm con nuôi tại các cơ sở bảo trợ xã hội, bảo đảm những trường hợp thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định tại Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn mới được giải quyết cho làm con nuôi. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác nhân đạo, từ thiện, quản lý lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đúng quy định và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở bảo trợ xã hội nghiêm túc thực hiện tốt công tác chăm sóc, trợ giúp đối tượng theo các quy định của pháp luật.

PV: Việc nuôi trẻ mồ côi tại các cơ sở tư nhân, tôn giáo là tự nguyện. Các nhà hảo tâm cũng tìm đến các cơ sở này làm từ thiện xuất phát từ tấm lòng. Vậy theo ông, làm thế nào để tinh thần tự nguyện đó không bị kẻ xấu lợi dụng và trở thành vấn đề thương mại hóa, thậm chí là phát sinh tội phạm?

Ông Tô Đức: Theo tôi, chúng ra phải đánh giá khách quan, toàn diện về sự đóng góp hết sức tích cực của các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt của các tôn giáo. Để phòng ngừa sự tự nguyện đó không bị kẻ xấu lợi dụng, thậm chí tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật, chúng ta cần chú trọng một số giải pháp như: Rà soát, chấn chỉnh công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở chăm sóc của các tôn giáo.

Trong đó đặc biệt chú ý các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; bảo đảm việc tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi và các điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất và tiêu chuẩn chăm sóc các đối tượng đúng quy định; hướng dẫn các cơ sở chăm sóc của các tôn giáo chăm sóc từ 10 đối tượng trở lên thực hiện thủ tục thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định. Khảo sát, đánh giá, khuyến khích các mô hình tốt về trợ giúp xã hội của các tôn giáo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Hà- Trần Hằng
.
.
.