Đề án sách giáo khoa phải đích đáng và tiết kiệm tối đa

Chủ Nhật, 20/04/2014, 10:03
Đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa (CT - SGK) sau năm 2015 tiếp tục trở thành tâm điểm của dư luận trong suốt tuần qua. Một đề án còn thiếu nhiều cơ sở khoa học và thực tiễn, thiếu cả những số liệu khảo sát về CT - SGK hiện hành, về đội ngũ nhà giáo, trường sở và về thiết bị dạy học vốn được coi là những yếu tố quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục. Trong khi đó, những người xây dựng đề án đã tung ra con số hơn 34 ngàn tỷ đồng để thực hiện đề án, khiến vấn đề nhạy cảm này nóng hổi trên các diễn đàn.

Nhiều nội dung trong đề án còn mông lung lắm!

GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chia sẻ những lo lắng, tâm tư của mình với chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này về đề án trên:

Khi đề án còn ở dạng dự thảo sơ khai, tôi cũng đã xem và có ý kiến, nhưng đến nay đề án đã được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì quả thật không thể không lo lắng. Bộ phải tổng kết tóm tắt mặt được, mặt không được của chương trình từ 1981 đến 2000 và từ 2001 đến 2012 trước khi đặt vấn đề đổi mới CT - SGK sau 2015. Bên cạnh đó, Bộ cần xem lại cơ cấu của bậc học phổ thông nhất là THPT, xem tự chọn nghĩa là thế nào? Mục tiêu cấp học THCS là gì? Các trường ĐH Sư phạm, CĐ Sư phạm phải đổi mới đào tạo ra sao? Nền giáo dục của ta đang thừa cái không cần và thiếu cái cần. Thừa lý thuyết thiếu thực hành - ứng dụng, thừa kiến thức thiếu kỹ năng. Ở tất cả các bậc học, giáo dục đang chú trọng dạy chữ nhiều hơn dạy người. Vậy ở bộ CT - SGK mới này, liệu sẽ sửa được cái vừa thiếu vừa thừa, khắc phục cái quá tải như thế nào.

- Vậy theo Giáo sư, làm được một bộ CT – SGK tốt, có tính bền vững lâu dài phải bắt đầu từ đâu?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Theo tôi, phải tóm tắt đánh giá lại những cái được, chưa được của bộ SGK suốt 14 năm qua, có cứ liệu, số liệu minh họa hẳn hoi. Đề án phải như một công trình khoa học thì mới thuyết phục được. Thêm nữa, phải xác định rõ mục tiêu của từng cấp học (điều này Nghị quyết 29 cũng đã đề cập đến rồi), rồi cụ thể hóa ở từng cấp học. Nếu cấp THCS đòi hỏi phân luồng thì SGK mới sẽ phân luồng như thế nào, cũng chưa thấy nói cụ thể. Cấp THPT sẽ tăng cường tự chọn, nhưng tự chọn như thế nào cũng phải rõ, tự chọn 1 khoa, 1 trường hay một nhóm ngành, để sau này khi tốt nghiệp, các em sẽ chọn vào nông nghiệp hay y khoa, sư phạm cũng phải rõ. Giờ đề án còn chung chung, mông lung lắm!

- Chúng ta đã trải qua nhiều lần cải cách giáo dục. Vậy theo Giáo sư, chúng ta rút ra được bài học đắt giá nào từ lần xây dựng CT – SGK vừa qua?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Đúng là chúng ta đã trải qua nhiều lần thay sách nhưng làm chưa tốt. Năm 1980, chúng ta viết sách quá cao, đến những năm 90 thì lại cải cách giáo dục, viết sách như kiểu mình giàu có lắm, trong khi bước vào thế kỷ XXI nước ta mới chỉ được xếp vào nhóm có thu nhập trung bình. Nghĩa là năm 2022, khi đề án CT – SGK mới này kết thúc, chúng ta vẫn còn nghèo lắm. Nghèo thì càng phải chắt chiu, tiết kiệm, tận dụng những cái sẵn có, nhưng dường như những nhà xây dựng đề án chưa tính đến chuyện này. Thiết bị dạy học mà đòi ngốn tới 20 ngàn tỷ, trong khi thiết bị hiện tại ở các nhà trường phổ thông thì đắp chiếu, hỏng hóc. Chẳng nước nào, học sinh lại học chay nhiều như ở nước ta, học mãi mà chẳng có nghề khiến cho phụ huynh, học sinh bức xúc. Tôi nhắc lại, nhiều mục tiêu ở đề án cứ mông lung, không rõ ràng. Nhưng rất mừng là tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu những điều thật tâm đắc. Đó là giáo viên, cơ sở vật chất – không có hai yếu tố này thì làm sao đổi mới căn bản, toàn diện được giáo dục nước nhà.

Đưa ra “khái toán” cả ngàn tỷ nhưng không lí giải được

- Giáo sư có bình luận gì về con số nhạy cảm hơn 34 ngàn tỷ đồng cho đề án?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Cách đây gần 2 năm, Bộ GD&ĐT cũng tung ra con số 70 ngàn tỷ cho đổi mới CT – SGK. Giờ thì là 34 ngàn tỷ. Tôi và nhiều nhà khoa học khác đều muốn biết, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học cho số kinh phí này là từ đâu? Tôi cũng thấy lạ là Bộ cứ đưa ra “khái toán” cả ngàn tỷ, nhưng nếu hỏi cụ thể vì sao lại có khái toán đó thì lại không lí giải được. Mới đây, khi dư luận dồn ép thì Bộ đã cụ thể hóa: CT - SGK sẽ tốn khoảng 105 tỷ; tổ chức dạy thử nghiệm CT - SGK mới khái toán khoảng 910 tỷ đồng; đầu mục triển khai dạy học đại trà theo CT - SGK mới khái toán khoảng hơn 8.000 tỷ; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục cả nước khái toán khoảng hơn 5.000 tỷ. Nhưng khủng khiếp nhất là đầu mục đầu tư cho trang thiết bị ngốn đến 20 ngàn tỷ, xấp xỉ 1 tỷ USD. Không hiểu sao các vị ấy có khái toán lớn như thế, trong khi đất nước còn nhiều khó khăn. Tôi đã đi đến nhiều trường học, thiết bị tồi lắm, thiết bị làm ra hoặc không sử dụng được, hoặc vừa thiếu vừa thừa. Chỉ riêng vấn đề thiết bị dạy học, theo tôi cần có một khảo sát nghiêm túc, toàn quốc, rồi mới đưa ra lộ trình xây dựng kinh phí được.

Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa “ngốn” 34 ngàn tỷ đồng. Ảnh minh họa.

- Giáo sư có đồng tình với phương án “cuốn chiếu” mà đề án đề cập?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Nếu làm theo phương án đó thì mất thời gian lắm. Theo tôi nên bắt đầu đồng loạt các cấp, cùng một lúc làm 12 bộ sách, nhiều nước họ cũng làm thế rồi. Như vậy chỉ mất 3 – 4 năm thôi. Thêm nữa, có điều khó hiểu là đề án nhắc nhiều đến tích hợp môn học, nhưng làm sao tích hợp tiểu học và THCS? Nhiều giáo sư mang sách ở nước ngoài về, không thể tích hợp được, hóa vẫn phải viết riêng, sinh vẫn phải viết riêng, chỉ có một nội dung nào đó được tích hợp thôi. Có giáo sư còn ví von, số lượng các môn học có vẻ ít hơn trước nhưng trên thực tế, không thay đổi vì có sự tích hợp không hợp lý, chẳng hạn âm nhạc và mỹ thuật thì tích hợp thế nào…

- Thưa Giáo sư, như vậy vẫn còn ngổn ngang quá nhiều ý kiến xung quanh đề án. Nghĩa là đề án chưa “thông”. Vậy kỳ họp Quốc hội vào tháng 5-2014 đề án sẽ được trình trước Quốc hội thì liệu có vội vã không?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Theo tôi là quá chậm chứ không phải quá vội. Từ Đại hội lần thứ XI đã đòi hỏi phải có đề án, giờ mới trình Quốc hội thì là quá chậm. Chậm hay không là do mình cả thôi. Ngay như Điện Biên Phủ, chỉ có hơn 50 ngày là chiến thắng, vì trước đó mình đã chuẩn bị kỹ càng, có chiến lược quân sự bài bản để đánh là chắc thắng. Đề án này thì chưa được như thế, vì không có sự chuẩn bị bài bản, nên dù chậm mà vẫn tạo cảm giác vội vã.

- Vậy nếu được đề xuất với Bộ GD&ĐT về đề án, Giáo sư sẽ nói gì?

- GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi vẫn quan niệm, nếu mình làm thật nghiêm túc thì dù muộn vẫn có thể làm được. Năm 1956 chỉ vài tháng chúng ta đã có một bộ SGK mới. Bộ hãy mời các chuyên gia tham gia cùng. Các anh ở bên Liên hiệp các Hội KHKT cũng đề nghị được tham gia vào đề án. Họ là những người thực sự có tấm lòng với giáo dục nước nhà. Giờ thì không kịp thời gian để khảo sát nữa, nhưng nếu nhắc đến đầu mục cơ sở vật chất, hay thiết bị trường học thì Bộ có cả Cục Thiết bị cơ sở vật chất và trường học, họ ít nhiều phải có số liệu chứ. Hơn 500 đại biểu Quốc hội, nhiều người nắm rất rõ về giáo dục, do đó, khi trình đề án trước Quốc hội, đòi hỏi phải có số liệu, căn cứ cụ thể. Quan điểm của tôi, đề án phải tiết kiệm tối đa, không lãng phí, đích đáng và không tiêu cực.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ thẳng thắn này!

Đề án cần một tổng chủ biên về học thuật, sẵn sàng đối thoại

Trao đổi với PV Báo CAND, GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, người đã từng nhiều lần phản biện về CT – SGK đã bức xúc bày tỏ quan điểm mà ông đã nhiều lần kiến nghị. Đó là, nếu vẫn con người cũ, cách làm cũ thì có đầu tư đến vài chục tỷ USD cũng không làm được. Đề án cần có tổng chỉ huy về mặt học thuật. Tổng chỉ huy phải là người biết cách làm CT - SGK, biết trả lời công luận làm CT-SGK như thế nào để học sinh tốt nghiệp xong phổ thông có thể vào học ở Harvard hay ĐH tổng hợp Lomonosov. Ngoài những môn tự nhiên, người tổng chủ biên cũng phải biết chỉ đạo sách giáo khoa văn, sử, địa... viết theo hướng nào? Người đó cũng phải đối thoại công khai với công luận tại sao làm thế này chứ không làm theo kiểu khác?

Có nên biên soạn lại toàn bộ sách giáo khoa các môn, các cấp học hay không?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trong điều kiện nguồn lực tài chính eo hẹp hiện nay, Bộ GD&ĐT cần đánh giá cụ thể xem có nên đặt vấn đề biên soạn lại toàn bộ CT - SGK các môn học, các cấp học không. Khối tiểu học tương đối ổn, chỉ cần sửa chữa ít. Đối với các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ thì nên áp dụng chương trình, SGK các nước tiên tiến, chỉ tập trung biên soạn chương trình, SGK các môn khoa học xã hội vì không thể nhờ nước nào biên soạn hộ mình chương trình, SGK văn học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý Việt Nam. Như vậy vừa giảm được thời gian thử nghiệm vừa giảm được ít nhất 2/3 chi phí.

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.