Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội:

Đề Văn hấp dẫn với câu hỏi về trách nhiệm với quê hương đất nước

Thứ Ba, 24/06/2014, 11:02
Ngày 23/6, hơn 70.000 thí sinh tại Hà Nội đã dự thi vào lớp 10 với hai môn ngữ văn và toán. Đề ngữ văn, theo đánh giá của một số giáo viên khá hay, khá hấp dẫn, không quá khó và có câu hỏi mở về cội nguồn của mỗi con người, về trách nhiệm công dân trong tình hình đất nước hiện nay đã khiến cho thí sinh rất hào hứng.

Tại hội đồng thi đặt tại Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, nhiều thí sinh cho biết, các em làm bài rất thoải mái vì các câu hỏi của đề đều được nhà trường cho ôn luyện khá kỹ, trong đó câu 7 điểm về tác phẩm ‘Chiếc lược ngà” cũng là một tác phẩm hay, dễ khơi gợi xúc cảm văn chương.

Thí sinh Hoàng Văn Trang đến từ hội đồng thi THPT Trần Phú cho hay, câu hỏi 7 điểm được chia ra thành 4 câu hỏi nhỏ cũng là một cách để học sinh có thể gỡ điểm, đặc biệt nhiều bạn rất tâm đắc với câu hỏi mở suy ngẫm về chiến tranh (dù đề khống chế không được viết quá 5 dòng). Ở câu hỏi 3 điểm (chia làm 3 câu hỏi nhỏ), mặc dù không hỏi trực tiếp vào vấn đề biển Đông, nhưng hầu hết các thí sinh đều biết lồng ghép, thể hiện xúc cảm và sự hiểu biết, tình cảm, trách nhiệm với quê hương đất nước qua vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thí sinh dự thi tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) hào hứng với đề thi ngữ văn.

Nói về cội nguồn dân tộc, em Trịnh Quốc Nghĩa, học sinh Trường THCS Trưng Vương cho hay, em đã liên hệ đến cả lịch sử dân tộc, thời vua Hùng để muốn chuyển tải thông điệp: Chúng ta đều là con cháu vua Hùng, chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông bảo vệ bờ cõi, tấc đất. Nhiều thí sinh khác cũng hào hứng chia sẻ về những thông tin nóng bỏng liên quan đến chiến sự biển Đông được các em đưa vào bài…

Trao đổi PV CAND, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kết thúc môn thi ngữ văn, ghi nhận ban đầu cho thấy, các hội đồng thi tổ chức thi rất nghiêm túc, an toàn, thời tiết mát mẻ khiến thí sinh làm bài khá thuận lợi. Đề ngữ văn, theo ông Thống cho hay được thí sinh, phụ huynh và giáo viên đánh giá cao, đề đã sử dụng những cách nói ẩn dụ khéo léo, qua đó thí sinh có thể bày tỏ được trách nhiệm của bản thân mình trước vận mệnh đất nước, trách nhiệm với tập thể, với xã hội. Kết thúc môn thi ngữ văn, Hà Nội có hơn 200 thí sinh bỏ thi vì nhiều lý do khác nhau.

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND và cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh: Khi nào 100% học sinh Hà Nội được vào học lớp 10 công lập? Ông Nguyễn Hiệp Thống chia sẻ: Hiện nay, thành phố đã rất nỗ lực mở trường, mở lớp và đã đáp ứng được 70% nhu cầu vào học công lập của các em. Ở những vùng khó khăn, chưa có trường ngoài công lập thì 100% học sinh đều được học công lập. Tuy nhiên, nhiều trường ngoài công lập muốn trúng tuyển cũng không phải dễ. Phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập là chủ trương xã hội hóa đúng đắn của Đảng, Nhà nước cần được khích lệ.

Ông Thống còn cho hay, 100% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ được vào học THPT, ngoài hệ công lập, ngoài công lập còn có hệ bổ túc THPT, hệ đào tạo phổ thông của các trường trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên. Những hệ đào tạo này đều dạy 11 môn văn hóa, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT bình đẳng như hệ công lập…

Thu Phương
.
.
.