Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng dự hội nghị triển khai năm học mới khối các trường ĐH, CĐ:

Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của xã hội

Thứ Tư, 26/08/2009, 15:52
Ngày 25/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2008 và triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 khối các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của đại biểu nhiều Bộ, ban, ngành và gần 400 trường ĐH, CĐ trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá toàn diện sự phát triển của giáo dục ĐH, CĐ. Sau 22 năm đổi mới, hệ thống giáo dục ĐH, CĐ đã có những thay đổi to lớn về qui mô. Từ năm 1978, cả nước có 101 trường ĐH, CĐ (63 ĐH, 38 CĐ), đến năm 2009 đã có 376 ĐH, CĐ, tăng gấp 3,7 lần (150 ĐH, 226 CĐ). Tổng số sinh viên từ 133.136 lên 1.719.499 (gấp 13 lần), số giảng viên mới chỉ tăng gấp 3 lần, từ 20.212 lên 61.190. Trong khi đó phương pháp quản lý của Bộ GD&ĐT đối với các trường về cơ bản không thay đổi: Quản lý tập trung, chưa phân cấp đáng kể cho chính quyền các tỉnh, chưa có quy chế phối hợp với các Bộ, ngành; khả năng kiểm soát đánh giá chất lượng đào tạo, việc chấp hành luật pháp của các trường và hiệu quả đầu tư của nhà nước ngày càng khó khăn hơn.

Dự kiến 5 năm tới, quy mô đào tạo một số trường ĐH, CĐ sẽ tiếp tục tăng. Các trường ngoài công lập, trường do nước ngoài đầu tư sẽ tăng cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo, minh bạch hoá hoạt động của nhà trường và nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước. Năm học 2009-2010 sẽ là năm học khởi đầu cho quá trình đổi mới về chất việc quản lý giáo dục ĐH, CĐ, có tính đột phá trong 3 năm tới. Chủ đề của năm học này sẽ là "Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của xã hội".

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển, phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực. Bộ GD&ĐT cần tập trung nghiêm túc nhìn nhận sự yếu kém về quản lý nhà nước, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa tận dụng hết được nguồn lực bên trong và tranh thủ nguồn lực bên ngoài.

Tạo cơ chế tự chủ cho các trường ĐH, CĐ. Rà soát ban hành hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật. Cơ chế tự chủ tài chính cho các trường phải trong khuôn khổ pháp luật chứ không để các trường tự đặt ra; huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục. Chính phủ đang tính toán tăng thêm ngân sách cho giáo dục. Đồng thời phải tăng cường nguồn lực xã hội hóa. Xây dựng chiến lược thu hút người giỏi đi làm thầy (lương, thưởng, nhà ở, điều kiện làm việc).

Ngoài việc xây dựng 4 trường ĐH theo tiêu chuẩn quốc tế, thì các trường có uy tín lâu năm như ĐHQG Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐHBK… cần vươn lên xây dựng tiêu chuẩn, khẳng định chất lượng và thương hiệu của ĐH Việt Nam. Triển khai cơ chế tài chính, học phí mới. Đến 2015, phải xây dựng KTX cho khoảng 60% sinh viên có nhu cầu. Hỗ trợ lãi suất cho sinh viên vay đi học. Các trường ĐH có uy tín lâu năm nay cần phải bứt lên, xây dựng áp dụng chương trình đào tạo tiên tiến, phải xây dựng đề án cụ thể như ĐHQG, ĐHBK, ĐH Y Hà Nội…

Các trường cũng cần chú trọng đến đào tạo kỹ năng, gắn với đào tạo đạo đức, lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc

Thu Uyên
.
.
.