Đẩy mạnh công tác giáo dục, dạy nghề ở ĐBSCL

Thứ Hai, 15/01/2007, 14:37

Có hai nguyên nhân chính khiến giáo dục, đào tạo và dạy nghề (GD-ĐT&DN) của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn ở vị trí thấp nhất trên bản đồ giáo dục của cả nước. Đó là đầu tư cho GD-ĐT&DN chưa thỏa đáng; lãnh đạo chính quyền và người dân ĐBSCL chưa nhận thức đúng vai trò của GD-ĐT&DN trong phát triển KT-XH.

Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Quyết định 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển GD-ĐT&DN vùng ĐBSCL do Bộ GD và ĐT, Bộ LĐTB&XH và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp tổ chức tại Cần Thơ ngày 13/1, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, các tỉnh, thành ĐBSCL.

Theo các báo cáo được trình bày tại Hội nghị và phân tích của các đại biểu, tỷ lệ ngân sách chi cho GD - ĐT&DN vùng ĐBSCL vẫn chưa thỏa đáng. Bộ Tài chính cho biết, năm 2006 vừa qua, ngân sách Nhà nước chi cho công tác này ở ĐBSCL chỉ có 7.227 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 17,17% tổng chi ngân sách GD - ĐT&DN của cả nước (ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tỉ lệ này phải khoảng 22% - tương ứng với tỉ lệ dân số của vùng so với cả nước).

Mức đầu tư đó không tăng so với tỷ trọng đầu tư trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 20/2006/QĐ-TTg, cũng như trước 2 hội nghị giáo dục ĐBSCL năm 1999 và năm 2004.

Không được đầu tư thỏa đáng, mạng lưới trường lớp ĐBSCL luôn trong tình trạng thiếu thốn, xuống cấp; trang thiết bị, đội ngũ giáo viên cũng thiếu và phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nội dung chương trình sách giáo khoa mới.

Có một thực tế tại ĐBSCL cũng được Hội nghị chỉ ra. Đó là cạnh đặc điểm thường xuyên bị tác động của môi trường tự nhiên và xã hội, lãnh đạo chính quyền và nhân dân ĐBSCL còn nhận thức đơn giản, chưa quan tâm đúng mức đối với GD - ĐT&DN. Qua thảo luận, các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập trong phát triển mạng lưới các trường ĐH ở ĐBSCL cũng như việc phát triển hệ thống đào tạo nghề để thực hiện phân luồng học sinh phổ thông.

Theo Báo cáo tại Hội nghị, năm 2006 vừa qua, ngành Giáo dục đã tập trung xây dựng nhiều trường học các cấp. Bộ LĐTB&XH đã thành lập hai trường trung cấp dạy nghề tại Long An và Bạc Liêu, 19 trung tâm dạy nghề và một cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp. Với 282 cơ sở dạy nghề hiện nay, trong năm đầu tiên thực hiện Quyết định 20 đã đào tạo được gần 175.000 lao động. Qui mô đào tạo tăng cao so với năm trước và đã nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 16,6%.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD và ĐT xác định một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là phải tạo được sự chuyển biến về chất trong nhận thức của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh về vai trò của GD và ĐT với phát triển KT - XH của địa phương.

Theo đó, Bộ GD và ĐT cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đáng lưu ý là việc định hướng tạo nguồn kinh phí để phát triển GD - ĐT&DN bằng các cách: Xem xét điều chỉnh mức đầu tư cho các tỉnh, thành ĐBSCL với tỷ lệ hợp lý (dự toán chi 9.818 tỉ đồng, chiếm 18,9% tổng chi ngân sách các địa phương dành cho lĩnh vực này); tăng cường nguồn vốn huy động của các doanh nghiệp, đóng góp của cộng đồng, nguồn thu xổ số kiến thiết.

Hai Bộ GD và ĐT và LĐTB &XH sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây dựng thêm các trường nghề, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH ở ĐBSCL. Ngay trong năm 2007 này, các Bộ, ngành, địa phương ĐBSCL sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện 10 dự án, đề án về cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục.

Về công tác chỉ đạo điều hành, Ban Chỉ đạo phát triển GD - ĐT&DN ĐBSCL sẽ được thành lập. Bộ trưởng Bộ GD và ĐT làm Trưởng ban, với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan và đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Mặc dù các tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của Quyết định 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhưng tiến độ tổ chức thực hiện còn chậm so với yêu cầu, còn đến 8 địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, còn thiếu sự phối hợp của một số địa phương trong vùng với các Bộ, ngành liên quan.

Nguyên nhân cơ bản của việc chậm trễ này là chưa có sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các địa phương đối với sự nghiệp GD - ĐT&DN ở ĐBSCL. Sau hội nghị này, lãnh đạo các tỉnh phải nhanh chóng xây dựng chương trình hành động thực hiện Quyết định 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ: GD và ĐT, LĐ - TB&XH, Tài chính, KH - ĐT sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc này".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, tới đây, Bộ sẽ rà soát, xem lại các chỉ tiêu của Quyết định 20/2006/QĐ-TTg để điều chỉnh tăng hoặc giảm cho phù hợp với thực tế. Đây cũng là giải pháp để các tỉnh, thành thực hiện "hai không": Giao chỉ tiêu phù hợp để không tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong dạy học

Thái Bình
.
.
.