Đầu tư về phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL

Thứ Ba, 29/12/2009, 09:03
Ngày 28/12, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị "Sơ kết 4 năm thực hiện Quyết định  (QĐ) 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển GTVT vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020".

Theo đánh giá kết quả của Bộ GTVT: Kế hoạch phát triển GTVT vùng ĐBSCL 4 năm qua theo QĐ 344 của Chính phủ đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Các công trình trọng điểm đề cập trong QĐ 344 đều đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giai đoạn đến 2010. Hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch, phân bổ đều trên toàn bộ vùng ĐBSCL, trong đó bao gồm vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

Mạng lưới đường bộ hình thành theo dạng ô bàn cờ bao gồm các trục dọc, các trục ngang và hệ thống đường vành đai liên kết với nhau một cách hợp lý. Hệ thống sân bay đã được quy hoạch trên nguyên tắc đảm bảo kết nối vùng với sân bay quốc tế, phân bố đều trong khu vực và đặc biệt các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của vùng như Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau và An Giang. Hệ thống đường sông đã và đang được đầu tư đáng kể, đặc biệt là các tuyến sông chính, cùng với hệ thống đường thủy do các địa phương quản lý đã đảm bảo khả năng kết nối khu vực với các cảng sông, cảng biển.

Kết quả thực hiện trong 4 năm qua theo QĐ 344 của Thủ tường Chính phủ đã làm thay đổi quan trọng kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trong từng địa phương phát triển nhanh chóng. 

Để đạt được mục tiêu đến 2015 và 2020 theo tinh thần QĐ 344, Bộ GTVT, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tập trung hơn nữa, khắc phục mọi khó khăn, nhất là khó khăn về vốn, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đã đề cập trong nghị quyết, kế hoạch; những dự án phát sinh chưa đề cập trong Nghị quyết; cần chú trọng đối với hệ thống giao thông thủy...

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cần điều chỉnh QĐ 344/2005/QĐ-TTg: Bổ sung các dự án quan trọng chưa được đề cập trong QĐ; tập trung hình thành phát triển hạ tầng cảng biển và dịch vụ logisstis đường sông theo hướng Cần Thơ sẽ là trung tâm của cả vùng nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho khu vực đồng thời giảm áp lực vận tải từ TP HCM đến khu vực; nghiên cứu quy hoạch hệ thống bến liền bờ cho các ghe thuyền nhỏ nhằm đảm bảo sự kết hợp vận tải đường sông với vận tải đường bộ...

Theo TTXVN
.
.
.