Đào tạo hệ cử tuyển: Mất cân đối cả số lượng và ngành nghề đào tạo

Thứ Bảy, 14/09/2013, 14:14
Mới đây tại hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ do Bộ GD&ĐT tổ chức, công tác cử tuyển đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải sớm được khắc phục, điều chỉnh một cách quyết liệt...

* Sẽ tăng mạnh chỉ tiêu cho hệ cử tuyển.

Như Báo CAND đã đưa tin, sau 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (2007 – 2013), cả nước đã có 12.805 học sinh được đi học diện cử tuyển, trong đó 83,9% học sinh vào 72 trường ĐH và 16,1% học sinh vào 32 trường cao đẳng. Nhờ đó, nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi từng bước được cải thiện, đội ngũ cán bộ đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, mới đây tại hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định 134 của Chính phủ do Bộ GD&ĐT tổ chức thì công tác cử tuyển đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải sớm được khắc phục, điều chỉnh một cách quyết liệt...

Bộ GD & ĐT cho biết, số học sinh, sinh viên cử tuyển đã được bố trí vào học tại các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và tập trung đăng ký vào học các nhóm ngành: sư phạm chiếm 23,03%, Y tế chiếm 25,96%, Kỹ thuật chiếm 15,55%, Nông lâm chiếm 12,91%, Kinh tế chiếm 16,82%, Xã hội nhân văn chiếm 5,11%, Nghệ thuật - TDTT chiếm 0,61%.

Một số địa phương đã thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định về chế độ cử tuyển, dành khoản kinh phí lớn cho đào tạo, hàng năm, đã nỗ lực phấn đấu thực hiện tuyển số chỉ tiêu đăng kí, tuyển đúng đối tượng, điển hình như các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sóc Trăng đạt 98% chỉ tiêu trở lên. Các địa phương đã cử con em các dân tộc thiểu số thuộc 48/54 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 15,17%, Khmer chiếm 12,46%, Tày chiếm 9,59%, Mông chiếm 8,04%, Dao chiếm 5,58%.

Sẽ có thêm nhiều chính sách ưu đãi mới cho học sinh, sinh viên hệ cử tuyển.

Nhưng theo đánh giá giám sát hàng năm của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Thanh tra của Ủy ban Dân tộc, báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, ý kiến của các bộ, ngành và các cơ sở đào tạo, việc thực hiện chế độ cử tuyển theo Nghị định 134 của Chính phủ cũng còn một số bất cập về chính sách, về sự phối hợp quản lý. Nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ theo chế độ cử tuyển, việc xác định nhu cầu  ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường không trở về địa phương công tác, nhiều địa phương không cương quyết trong việc bồi hoàn kinh phí đào tạo, mặt khác chính sách không có chế tài nên khó thực hiện.

Học sinh cử tuyển chủ yếu vào học ĐH, chiếm 83,9% tổng chỉ tiêu cử tuyển, trình độ cao đẳng lại rất ít, chiếm 16,1% tổng chỉ tiêu. Các tỉnh cử học sinh đi học không đồng đều, chỉ tập trung đăng kí học các ngành: Y tế, kinh tế, sư phạm chiếm 23,03%.

Một số tỉnh đã xét tuyển tỷ lệ học sinh người Kinh cao hơn quy định: Năm 2011, tỉnh Lâm Đồng cử 22/60 (chiếm 37%) học sinh người Kinh, Đắk Nông cử 38/117 (chiếm 32%) học sinh người Kinh, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vì không có người đồng bào dân tộc, đã cử hoàn toàn người Kinh đi học như Bình Phước; trong khi đó, nhiều dân tộc thiểu số trong nhiều năm không có học sinh cử tuyển.

Bộ GD&ĐT lý giải, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc quán triệt, nhận thức các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chế độ cử tuyển của một số địa phương còn chưa đầy đủ dẫn đến tổ chức thực hiện thiếu chặt chẽ, không đồng bộ, có nơi còn thiếu công khai, dân chủ, thông tin về các kỳ cử tuyển không đến được với các em học sinh, do vậy việc chọn lựa và việc cử tuyển trên diện hẹp, chưa thực sự chọn được các học sinh có năng lực để cử đi học, thể hiện sự thiếu minh bạch ở khâu xét tuyển, tạo ra sự thờ ơ thiếu niềm tin của bà con dân tộc đối với một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Nguyên nhân nữa là do hệ thống giáo dục trung học phổ thông ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn kém phát triển, chưa đủ nguồn học sinh tốt nghiệp THPT hoặc THBT để được cử tuyển theo qui định.

Để tháo gỡ những vướng mắc, siết lại công tác cử tuyển, Bộ GD&ĐT thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo, đầu tư xây dựng phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập từ các trường bán trú, trường THPT nhằm bồi dưỡng văn hoá, tiếng Việt cho học sinh là người dân tộc thiểu số, làm cơ sở tạo nguồn đào tạo cho các hệ dự bị đại học, hệ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trong các trường dự bị đại học và học sinh, sinh viên hệ cử tuyển trong các trường đại học, cao  đẳng, trung cấp. Bộ GD & ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh kiến nghị Chính phủ cho tăng mạnh chỉ tiêu hệ cử tuyển, cung cấp cán bộ công chức cho những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và mở rộng nhiều ngành nghề đào tạo để phù hợp với nhu cầu sử dụng của các địa phương, ưu tiên tuyển chọn những học sinh thuộc dân tộc rất ít người.

Về phía Ủy ban dân tộc đề nghị, Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134 và Thông tư liên tịch số 13 cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó cần sửa đổi đối tượng, vùng tuyển, thành phần dân tộc, ngành nghề đào tạo, về quản lý chỉ đạo giao chỉ tiêu, quy trình xét tuyển, cấp kinh phí, theo dõi quá trình học tập và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp.

Những giải pháp trên sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt cán bộ vùng dân tộc và miền núi, nhất là các dân tộc thiểu số có tỷ lệ cán bộ hiện nay còn thấp, để cân đối được ngành nghề và nhu cầu sử dụng tại địa phương…

Tuấn Minh
.
.
.