Đào rừng nhiều, giá "chát"

Thứ Ba, 13/01/2009, 11:18
Năm nay do những khu vực “chuyên” đào quất của Hà Nội và một số tỉnh lân cận bị lũ lụt, thiệt hại nhiều nên nhiều người đã lên các tỉnh miền núi thu gom đào rừng về bán với giá không hề rẻ. Một cành đào rừng to dao động ở mức 3- 7 triệu đồng.

Còn gần nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên vào thời điểm này, đào rừng đã xuất hiện khá sớm tại thị trường Hà Nội. Sáng 12/1, có mặt tại  tuyến đường Yên Phụ, Âu Cơ (Hà Nội), chúng tôi bắt gặp cảnh gần chục điểm bán đào rừng đã hiện diện tại đây.

Hàng loạt "vườn đào rừng" ven đê Hà Nội

Hàng trăm cành đào rừng, trong đó có khá nhiều cành cổ thụ với lớp vỏ mốc, xù xì đã mọc lên chi chít bên sườn đê với vẻ đẹp tự nhiên pha lẫn hoang dại. Nhiều cành đào đã bắt đầu lớt phớt những nụ hoa bất chấp thời tiết lạnh căm căm của Hà Nội.

Đào rừng la liệt trên đường Âu Cơ, Yên Phụ (Hà Nội).

Bên cạnh những cành đào cổ thụ cỡ lớn được đóng cọc, dựng thẳng sườn đê là từng bó đào rừng đang được vứt ngổn ngang, chờ các chủ đào chăm chút, "mô đi phê" để hét giá. Cành bé cũng phải cao hơn hai mét còn loại to cũng bằng bắp chân người, cành nào cũng mốc rêu, trông rất bắt mắt.

Chưa đến Tết nhưng không khí tại chợ đào rừng này đã bắt đầu nóng lên trông thấy. Chỉ sau một đêm ngủ dậy, nhiều người dân sống bên cạnh tuyến đường này đã thấy mọc lên những vạt đào rừng trông rất bắt mắt.

Ông chủ một điểm bán đào rừng tại đây cho biết: Đào này được đánh về từ Mộc Châu, Sơn La. Năm nay nhiều người dưới xuôi lên các tỉnh miền núi săn đào nên hàng cũng trở nên khan hiếm.

Theo ông chủ buôn đào rừng này thì mặc dù là anh vẫn đánh được khá nhiều, khoảng gần 100 cành nhưng giá cũng cao hơn trước. Chỉ vào một cành đào cỡ trung bình tại đây anh ta cho biết: Cành này có giá là 1,5 triệu, còn những cành bé đang nằm kia khoảng 300 ngàn.

Hầu hết các ông chủ buôn bán đào rừng tại đây đều có chung nhận định năm nay giá cả đều cao gấp nhiều lần những năm trước. Tại một điểm bán đào rừng trên đường Âu Cơ, một khách hàng vừa chọn được một cành đào khá ưng ý hỉ hả cho biết: Nhiều năm chơi đào rừng rồi nên không thể chơi cây gì khác được. Cành đào rừng mà ông chọn có giá 800 ngàn đồng. Gốc to bằng bắp chân người lớn, tán rộng trông rất hoành tráng.

Những người buôn bán đào tại đây cho biết: Chỉ cần dựng dậy, cho vào lu sành, thêm một ít nước nữa là cứ thế trổ hoa hết tháng Giêng. Những người buôn đào cho biết: Năm nay do những khu vực “chuyên” đào quất của Hà Nội và một số tỉnh lân cận bị lũ lụt, thiệt hại nhiều nên nhiều người đã lên các tỉnh miền núi thu gom đào rừng về bán. Tuy gần nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng lượng đào rừng về Hà Nội đã khá nhiều. Tất cả đều đang sẵn sàng để phục vụ thượng đế.

Báo động về nguy cơ tận diệt đào rừng

Trong vài năm trở lại đây, ngoài thú chơi quất, đào trong dịp Tết ra, người dân Hà Nội còn chọn mua cho mình những cây, cành đào rừng hay còn gọi là đào cổ thụ. Nói là đào rừng là bởi, số cây, cành đào này có nguồn gốc, xuất xứ từ các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái…

Khác với đào thường - đào được trồng ở vùng đồng bằng, đào rừng có gốc và cành to hơn gấp nhiều lần. Khi chăm đào rừng, người chơi thường phải ngâm gốc, cành của nó vào trong chum nước (hoặc bình chứa nước). "Có như vậy, đào rừng mới nở nụ, ra hoa đúng vào dịp Tết được!", anh Quang - một trong những chủ buôn đào rừng trên đường Âu Cơ - cho biết.

Cũng theo anh Quang, gặp nắng nóng kéo dài, nụ đào rừng sẽ ra hoa đẹp hơn lúc bình thường. Sắc của hoa thường có màu hồng nhạt đối lập hoàn toàn với sắc hồng sẫm vốn có ở các cây đào thường...

Nhiều chủ buôn đã điều xe vào tận các bản làng vùng sâu như: Tả Phìn, San Sả Hồ, Ô Quy Hồ, Cát Cát (tỉnh Lào Cai), Văn Chấn, Mù Cang Chải (Yên Bái) v.v... để mua đào rừng về cung cấp cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu sắp tới.

Đồng thời, bù lại các chủ buôn năm nay hét giá cao hơn năm ngoái gấp 2, 3 lần. Trung bình 1 cành nhỏ có giá từ 300.000đ đến 500.000đ. Cành to dao động ở mức 3- 7 triệu, tuỳ cành.

Phong trào chơi đào rừng trở nên rầm rộ trong những năm gần đây đang khiến cho phong trào truy lùng và tận diệt đào núi trở thành vấn đề bức xúc. Với tình trạng khai thác như hiện nay không ít người lo ngại rằng trong vài năm tới những gốc đào rừng cổ thụ nhiều năm tuổi, thậm chí hàng chục năm cũng sẽ biến mất.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác ồ ạt cũng sẽ gây ra những nguy cơ về tình trạng chặt phá rừng dẫn đến huỷ hoại môi trường thiên nhiên

Xuân Luận - Trần Huy
.
.
.