Đảo Lý Sơn gồng mình chống chọi với nắng hạn

Thứ Ba, 28/05/2013, 14:54
Nắng nóng dữ dội tiếp tục kéo dài đã làm cho khoảng 2 vạn dân và hàng trăm ha cây trồng, đặc biệt là hành ở huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi đang lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng...

Đang loay hoay cùng chồng sửa lại hệ thống dây dẫn nước trong ruộng hành của gia đình tại cánh đồng Rừng, thôn Đông, xã An Vĩnh, Lý Sơn, bà Lê Thị Liên buồn bã: “Vụ này gia đình trồng được gần 3 sào (500m2/sào) hành.

Để có nước tưới, gần một tháng nay, cả 2 vợ chồng cùng mấy đứa con phải hì hục cả ngày lẫn đêm trên đồng để bơm nước từ giếng nhà lên tưới. Tuy nhiên, hiện giếng nhà cũng cạn kiệt nên chỉ còn biết đứng nhìn toàn bộ diện tích hành héo rũ vì thiếu nước tưới. Nếu trời tiếp tục nắng nóng thế này thì gần 20 triệu đồng đầu tư mua giống, phân... xem như mất trắng”.

Chưa năm nào mà nắng hạn lại kéo dài và khắc nghiệt như năm nay, nhiều người dân đất đảo khẳng định. Theo đó để có nước tưới cho cây trồng, đặc biệt là hành sắp cho thu hoạch, nhiều gia đình đã đầu tư hàng chục triệu đồng để nạo vét lại giếng cũ, lắp đặt hệ thống máy và đường ống dẫn nước từ các giếng tại các khu dân cư về các cánh đồng.

Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ mang tính tạm thời và không mấy hiệu quả, bởi hiện phần lớn giếng nước trên đảo cũng đang rơi vào tình trạng cạn kiệt dần, hoặc bị nhiễm mặn. Tình trạng trên không những làm số đã trồng, mà gần 100 ha đất trồng hành dù đã cải tạo xong, thế nhưng vẫn còn để đó mà chưa dám xuống giống vì thiếu nước.

Để có nước dùng ăn uống, sinh hoạt, nhiều hộ dân ở đảo Lý Sơn phải đi đến giếng Xó La, cách nhà gần 3km để lấy nước về uống.

Ngoài thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện trên 2/3 số giếng nước sinh hoạt của người dân trên đảo cũng cạn kiệt. Để có nước sinh hoạt, hàng ngàn hộ dân đã phải đi xa hàng cây số để lấy nước; nhiều gia đình còn tranh thủ đi lấy nước cả ban đêm.

Ông Trần Văn Thanh, ở thôn Tây, xã An Vĩnh cho biết: Hiện 40 giếng nước sinh hoạt trong khu vực đều đã cạn nước gần đến đáy. Vì vậy muốn lấy được 1 can nước (30 lít) phải chầu chực cả buổi.

Tuy nhiên, nguồn nước bị nhiễm mặn nên lấy về cũng chỉ sử dụng vào việc giặt giũ. Còn nước uống phải xuống tận giếng Xó La cách đó gần 3 cây số. Nếu gia đình nào neo người, bận không đi chở được thì phải mua với giá từ 6.000 đồng – 8.000 đồng/can (30 lít). Nếu trời không mưa, thì nửa tháng nữa thôi toàn bộ giếng nước sinh hoạt cũng sẽ cạn...

Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch UBND xã An Bình (Đảo Bé) bày tỏ: Tuy năm nay nhờ được trang bị thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt nên nước sinh hoạt tạm ổn. Thế nhưng nước tưới cho cây trồng thì đành chịu.

Để khắc phục phần nào tình trạng trên, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Chính quyền huyện đã có văn bản đề nghị tỉnh bổ sung kinh phí để nạo vét toàn bộ số giếng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, khuyến cáo người dân dời lịch thời vụ xuống giống sản xuất chờ mưa xuống để đảm bảo năng suất cây trồng; sử dụng nước sinh hoạt hết sức tiết kiệm và tận dụng tối đa các nguồn nước sẵn

C.Nguyễn
.
.
.