Đánh đu với mạng sống để sang sông

Thứ Năm, 14/08/2014, 07:30
Một số người dân ở thôn 7 và thôn 8 của xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk cho biết, không chỉ riêng chị Hoa, mà đã có rất nhiều trường hợp khi đi qua sông bằng dây gặp sự cố bất ngờ như đứt dây, ròng rọc bị đứt rơi xuống sông, hoặc ròng rọc bị kẹt giữa dòng cũng phải tự nhảy xuống sông mặc cho số phận. May mắn là chưa có ai bị thiệt mạng nhưng cũng chẳng ai biết được tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.
>> Chuyện những người vượt sông PôKô…bằng dây

Đã từng có những vụ tai nạn xảy ra nhưng vì cuộc sống mưu sinh, hằng ngày vẫn có hàng trăm lượt người trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phải đánh cược mạng sống của mình với tử thần bằng cách đu dây vượt sông…

Với người dân ở thôn 7 và thôn 8 của xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk việc qua sông trên một cây cầu chỉ có trong mơ ước. Bởi hàng chục năm nay, bất kể già, trẻ, lớn, bé ai muốn qua sông chỉ còn cách duy nhất là đu dây ròng rọc. Chứng kiến cảnh người dân đu dây vượt sông, chúng tôi không khỏi thót tim bởi những “màn trình diễn” hết sức nguy hiểm nhưng lại gắn bó với họ như một hoạt động quá đỗi bình thường.

Vừa cột chiếc xe máy vào ròng rọc, anh Phạm Thành Luân (thôn 7, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) cho biết: “Hầu hết nương rẫy của người dân đều nằm bên kia sông, nếu đi đường vòng tránh sông thì phải mất 15km. Để tiện đi lại cũng như rút ngắn thời gian, chúng tôi đã bố trí 2 dây cáp, 1 dây đi, 1 dây về, bên này cao thì bên kia thấp, nên khi lắp ròng rọc vào sẽ tự động chạy tuột sang bên kia bờ trong chớp nhoáng. Tuy nhiên, vào đầu tháng 6/2014, một dây bị đứt nên giờ chỉ còn một sợi duy nhất. Biết là nguy hiểm nhưng phải “sống chung với lũ” chứ biết sao giờ. Không qua sông làm rẫy thì biết làm gì mà sống (?)”.

Theo quan sát, dây cáp chỉ là một sợi sắt mỏng manh được cột vào 2 thân cây hai bên bờ sông. Theo năm tháng, sợi dây phải “gồng mình” phơi nắng, phơi mưa để gồng gánh không chỉ người, xe máy, phân bón… mà cả hàng trăm tấn nông sản sau khi thu hoạch… nên việc dây cáp bất chợt bị đứt là chuyện thường ngày.

Anh Luân nhớ lại: Cách đây chưa lâu, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiêu và chị Hoàng Thị Ngà (trú thôn 7) qua sông. Do ròng rọc chỉ đủ chỗ 2 người nên anh Tiêu để vợ và con qua trước. Khi vừa ra tới giữa sông thì dây cáp bất ngờ bị đứt. Đứa con 7 tuổi cùng mẹ rơi xuống dòng nước đang chảy xiết. Nghe tiếng kêu cứu, chúng tôi đổ xô tới thì thấy hai mẹ đã bị nước cuốn ra xa. “Rất may là có người tới cứu kịp thời nên 2 mẹ con thoát chết, nhưng cũng bị thương khá nặng. Mỗi năm, người dân qua sông bị tai nạn do dây cáp đứt là không ít, lúc đầu cũng sợ nhưng đi lắm cũng thành quen” - anh Luân nói.

Hàng trăm người dân xã Hòa Lê hằng ngày vẫn phải mạo hiểm qua sông như thế này.

Cùng chung cảnh ngộ, hàng trăm người dân tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) hằng ngày cũng phải “đánh đu” tính mạng của mình với hà bá khi phải treo mình trên cáp để sang sông. Và ngay tại đây, cũng đã từng có những vụ tai nạn xảy ra. Chị Võ Thị Hoa (trú thôn 8, xã Hòa Lễ), nhớ lại: Kinh tế gia đình chỉ dựa vào mấy hécta cà phê, bắp bên kia sông. Vậy nên dù muốn hay không thì cả gia đình chị cũng phải qua sông. Bữa đó cũng như mọi ngày, chị dùng ròng rọc treo người lên dây để qua sông Krông Ana. Khi đi vào đến gần bờ thì bất ngờ cái ròng rọc bị gãy mối hàn, chị Hoa rơi tõm xuống sông. “Rất may là hôm đó nước cạn, nếu nước sâu, lũ lớn thì mất mạng từ lâu rồi…”, chị Hoa vẫn chưa hết bàng hoàng cho biết.

Một số người dân ở đây cho biết, không chỉ riêng chị Hoa, mà đã có rất nhiều trường hợp khi đi qua sông bằng dây gặp sự cố bất ngờ như đứt dây, ròng rọc bị đứt rơi xuống sông, hoặc ròng rọc bị kẹt giữa dòng cũng phải tự nhảy xuống sông mặc cho số phận. May mắn là chưa có ai bị thiệt mạng nhưng cũng chẳng ai biết được tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Duy Tư, Phòng Kế hoạch giao thông thủy lợi xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn thừa nhận: Chỉ tính riêng người dân ở 2 thôn 7 và 8, mỗi ngày có khoảng 150 - 200 lượt người phải đu ròng rọc để qua sông bởi hầu hết nương rẫy của họ đều nằm bên kia sông. Không có kinh phí để xây cầu cho dân, người dân lại không thể qua sông bằng thuyền vì nước sông chảy xiết, rất dễ xảy ra tai nạn. “Chúng tôi hết sức mong muốn Nhà nước hỗ trợ xây cầu cho dân để mọi người không còn phải phó mặc tính mạng cho dòng nước xiết như vậy nữa” - ông Tư cho biết thêm.

Còn ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông cho biết, trong xã hiện có khoảng 100 hộ dân có đất canh tác ở bên kia sông Krông Ana. Hiện trên đoạn sông chảy qua địa bàn xã (khoảng 10km) có tới 3 điểm được người dân đặt cáp treo để sang sông. Do chỉ làm đơn giản và ít được thay thế, sửa chữa nên rất dễ xảy ra các sự cố như tụt cáp, đứt cáp, hư ròng rọc… rất nguy hiểm đến tính mạng. “Quá bức xúc về nhu cầu đi lại, mới đây, một số hộ dân đã tự góp tiền làm cầu. Cầu được làm khá kiên cố với trụ sắt, mặt lát ván. Nhưng do nước sông mùa lũ rất lớn nên chiếc cầu cũng chỉ có thể đi lại được vào mùa khô. Rất mong nhận được sự quan tâm của cấp trên hỗ trợ xây cho người dân một cây cầu để qua lại cho đỡ khổ”, ông Sơn nói.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk cho rằng việc người dân tự phát kéo dây cáp qua sông là rất thiếu an toàn, Sở GTVT cùng Ban ATGT tỉnh đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu các địa phương chỉ đạo tháo gỡ nhưng khó xóa bỏ triệt để vì nhu cầu của người dân.

“Qua thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 300 cầu tạm, cầu khỉ qua sông, suối. Do đó, việc xây dựng thay thế toàn bộ bằng cầu dân sinh cần nguồn vốn rất lớn, khó làm xuể trong thời gian ngắn”.        

Những người dân hằng ngày phải đu dây sang sông đều chung một nỗi niềm. Họ đều mong có một cây cầu để sang sông cho đỡ nguy hiểm. Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa lũ và cũng là lúc những vườn cà phê sắp cho thu hoạch cần được thăm nom nhiều hơn, thế nên khát khao có một cây cầu càng trở nên khẩn thiết với họ hơn bao giờ hết.

Văn Thành
.
.
.