Đánh cá điện trên sông Đà

Thứ Tư, 22/04/2009, 15:13
Thuyền đánh cá điện cứ chạy xuôi dòng sông Đà, đến đâu cá nổi trắng đến đấy, bất kể con to, con nhỏ. Cứ một cua đánh điện như vậy, ngư dân sẽ phải chịu đói nhiều ngày, thậm chí nhiều mùa, vì chẳng còn cá đâu mà đánh bắt.

Sông Đà đã từ lâu như một bầu sữa mẹ, chắt lọc những tinh túy của mình tạo ra những loài cá, tôm ngon nổi tiếng, nuôi sống những người dân vùng hồ. Đã có thời, người dân hứng khởi với những mẻ lưới trĩu nặng; với những loài cá đặc sản: lăng, chiên, nheo, ngạnh, quất...; với những con cá khổng lồ, lưng xanh những rêu như đã tồn tại từ lâu lắm... những món quà quí giá dòng sông Đà lưu giữ và trao tặng con người. Nhưng giờ đây, những niềm vui ấy ngày càng thưa vắng dần. Người dân đã phải quen với những mẻ lưới nhẹ bẫng, với những chuyến ra đi rồi lại trở về không.

Phần lớn dân "vén" sống dọc sông đều nghèo. Nhiều người trong số họ cố bám vào mảnh đất sống trâu bạc thếch để mưu sinh, phải dùng thuyền đi ra các đảo trên khu vực lòng hồ để cải tạo đất canh tác. Đất đai khan hiếm, nhiều người tận dụng cả từ những rẻo nhỏ xíu như một manh chiếu con quanh nhà để cấy lúa. Nước rút là tranh thủ cấy gấp, để đến lúc nước lên còn kịp gặt. Thế nhưng nhiều năm, chỉ cần nước dâng lên sớm một chút, hay mưa nhiều một chút là công chăm bón, lao động cả mấy tháng trời đổ hết xuống lòng sông.

Những người có điều kiện, không chịu nổi cái khổ, bèn sắm cho mình một chiếc thuyền và bắt đầu cuộc sống nhờ vào quà tặng của dòng sông. Anh chị Đinh Thị Xiên, Đinh Văn Biến (bản Mùng, Tân Phong, Phù Yên, Sơn La) bắt đầu hành nghề từ năm 1997. Cuộc sống trên cạn khó khăn quá, cắm mặt trên đất mà không đủ sống, anh chị đành thu xếp mang con sang nhờ ông bà, rồi lỉnh kỉnh nồi xoong, quần áo, chuyển hẳn lên thuyền sinh sống.

Anh chị Đinh Văn Biến - Đinh Thị Xiên chuẩn bị cho một chuyến đánh cá xa 2 tháng.

Những năm trước, một ngày anh chị cũng thu được 400-500 nghìn. Nếu may gặp được những loài cá đặc sản như cá lăng, cá quất... thì thu nhập lên đến vài triệu một ngày. Đã có lần, anh chị đánh được những con cá hơn 30kg, bán chỉ 1 con cũng được tiền triệu. Nhưng những cơ may ấy ngày càng hiếm hoi.

Giờ đánh được những con cá 8, 9 kg đã là hiếm lắm. Đang là mùa đánh sào, cá ít; những ngày đầu trăng thì còn kiếm được 80-100 nghìn; cuối trăng thì hầu như chẳng có gì. Tháng 30 ngày, lênh đênh trên sông đủ 30 ngày, mà khéo lo toan mới kiếm đủ tiền nuôi con ăn học.

Anh Bùi Văn Liêng ngậm ngùi: Bỏ nhà bỏ cửa đi biền biệt thế mới hi vọng kiếm được vài đồng. Tháng chỉ tạt về nhà được 1, 2 lần, tranh thủ lúc phiên chợ. Những năm con còn bé quá, chỉ một mình anh lênh đênh trên sông nước. Chị Thơm - vợ anh ở nhà tranh thủ mượn đất làm nương, trông con. Giờ con biết tự nấu cơm, đi học thì 2 vợ chồng cùng nhau đi cho có bạn.

Chúng tôi lên thuyền của anh chị Liêng - Thơm lúc anh chị chuẩn bị cho một đợt giăng lưới mới. Thấy tôi băn khoăn về những mắt lưới nhỏ, chị Thơm cười bảo: "Nhà tớ còn đánh lưới mắt to đấy. Lưới của người ta còn nhỏ hơn nhiều". Với những mắt lưới nhỏ xíu này, những chú cá chưa kịp lớn lên, sinh con đẻ cái cũng sẽ bị tận thu.

Đi đánh cá họ vẫn gặp thuyền đánh điện luôn. Mũi thuyền được gắn 2 sào tre hoặc nứa nối với dây điện trần. Thuyền cứ chạy xuôi dòng, đến đâu cá nổi trắng đến đấy, bất kể con to, con nhỏ. Cứ một cua đánh điện như vậy, ngư dân sẽ phải chịu đói nhiều ngày, thậm chí nhiều mùa, vì chẳng còn cá đâu mà đánh bắt. Những ấu trùng của cá, trứng cá, cá non... cũng đều chết hết, chẳng còn gì cho mùa sau. Mà người ta cũng chỉ vớt được một phần cá tôm chết vì điện. Số còn lại cũng ngập chìm trong nước.

Ở những bản ven sông này, trẻ em 14, 15 tuổi là cũng khăn gói theo bố mẹ lên thuyền đánh cá. Nhiều em chẳng học hành gì, lại gắn bó đời mình với sông nước. Tôm cá đã bắt đầu cạn kiệt, chẳng biết đến thời các em chính thức được làm chủ một con thuyền, có còn gì để đánh bắt nữa không?

Vũ Hân
.
.
.