Dân thành con nợ vì tôm

Thứ Bảy, 02/08/2008, 16:05
Năm nay toàn huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) thả nuôi 451ha, khi tôm đang trong thời kỳ sinh trưởng tốt thì dịch đốm trắng xuất hiện "cướp" đi của người dân hơn 100ha tôm. Dân nhiều xã nuôi tôm nhiều như Quảng Phong, Quảng Trường, Quảng Hải… đang đứng trước cảnh bán nhà trả nợ.

Năm 2007, người dân nhiều xã ở huyện Quảng Trạch trắng tay vì gia sản đều trôi theo lụt. Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hàng ngàn hộ dân Quảng Bình đã vay vốn ngân hàng để phát triển nghề nuôi tôm. Nhưng do không được hướng dẫn kỹ thuật... nên tôm chết hàng loạt. Hết tôm chết, giờ đây đến kỳ thu hoạch tôm lại chẳng biết bán cho ai, vì vậy có không ít hộ dân đã phải bán nhà trả nợ.

Đánh bạc với trời, cả làng mắc nợ

Cầm trên tay những con tôm chết mà vợ chồng đã dày công chăm sóc, anh Nguyễn Thanh Đồng, xã Quảng Phong ví von: "Nuôi tôm cũng như đánh bạc với trời, canh bạc này người quê tui thua hết. Trắng tay lại hoàn tay trắng".

Nhà anh Đồng vay ngân hàng hơn 30 triệu đồng để nuôi 2 hồ tôm, một hồ đã chết sạch, hồ còn lại thì tôm đang chết từ từ. Năm nay toàn huyện Quảng Trạch thả nuôi 451ha, khi tôm đang trong thời kỳ sinh trưởng tốt thì dịch đốm trắng xuất hiện "cướp" đi của người dân hơn 100ha tôm.

Nhiều xã nuôi tôm nhiều như Quảng Phong, Quảng Trường, Quảng Hải… hiện đang đặt người dân trước cảnh bán nhà trả nợ. Cả xã Quảng Phong có 118 hộ nuôi tôm thì cả 118 hộ mắc nợ ngân hàng. Nhà nợ ít nhất cũng vài chục triệu đồng.

Anh Nguyễn Công Tác, xã Quảng Phong một thời gian được bà con trong xã xem như gương điển hình về nuôi tôm, còn nay anh đang phải kêu người vào bán nhà trả nợ.

Sáng 29/7, khi chúng tôi xuống xã, tất cả đều vắng hoe. Một người dân cho biết: "Làng tui giờ ban ngày ít ai ở nhà lắm, vì sợ người của ngân hàng vô đòi nợ. Chỉ cần nợ 30 triệu thì mỗi tháng cũng phải trả hơn 500 ngàn tiền lãi, lấy mô ra…".

Ai là bạn nhà nông?

Sau đợt tôm bị dịch, một số hồ tôm sống sót đã được người dân chăm sóc kỹ lưỡng. Điều đáng nói, giờ đến mùa thu hoạch, tôm lại chẳng biết bán cho ai.

Theo ông Trần Đình Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Trạch: "Những năm trước, đến mùa thu hoạch, các thương lái tìm đến tận các hồ tôm ngã giá, đặt cọc. Còn năm nay không có một ai hỏi han tới. Bà con sốt ruột mang tôm ra chợ bán nhưng giá quá thấp. Huyện Quảng Trạch hiện còn hơn 700 tấn tôm ứ đọng".

Một số hộ dân nóng lòng đã bắt tôm ra chợ bán lẻ từng kg một. Song ở chợ quê, người bán tôm thì nhiều, người mua lại ít nên bà con cũng phải bán tống bán tháo lấy tiền trả nợ ngân hàng.

Trung bình một hồ tôm thả khoảng 2 vạn tôm thì hiện mỗi ngày bà con phải chi phí thức ăn cho tôm gần 2 triệu đồng. Nhiều người không đủ tiền mua thức ăn cho tôm đã gây ảnh hưởng đến chất lượng tôm. Song người dân đành cầm cự chịu vậy.

Chỉ tính riêng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch con số dư nợ cho các hộ vay nuôi tôm đã lên đến hơn 26 tỷ đồng. Còn các ngân hàng khác, người dân cũng đã vay hàng trăm tỷ đồng để nuôi tôm.

Không bán được tôm đồng nghĩa với việc nợ ngân hàng của người dân ngày một dày thêm. Hiện người dân đang rất cần các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, dãn nợ để người dân có điều kiện cầm cự chờ bán tôm.

Theo nhiều hộ nuôi tôm, sở dĩ tôm chết hàng loạt là do ngành thủy sản địa phương ít quan tâm. Hàng trăm ha tôm của người dân khi nuôi, ngành thủy sản chỉ cử về 1 kỹ thuật viên hướng dẫn cho bà con. Nhưng đó cũng chỉ là cách làm hình thức không mang lại hiệu quả.

Trung tâm giống nuôi trồng thủy sản Quảng Bình bán giống cho bà con thường cao hơn 20% nên không ít người tìm mua giống ngoài. Nhiều địa chỉ được ngành thủy sản Quảng Bình xác nhận có giống tôm đảm bảo chất lượng, nhưng khi người dân mua về nuôi được thời gian ngắn là tôm mắc bệnh chết.

Tôm chết hàng loạt, nhưng ngành thủy sản cũng chẳng có biện pháp hữu hiệu nào để giúp bà con và khi tôm bán không được thì ngành thủy sản vẫn xem như mình ngoài cuộc

Dương Sông Lam
.
.
.