Dân làng Thanh niên lập nghiệp mòn mỏi đợi cấp đất sản xuất

Thứ Bảy, 25/06/2016, 08:08
Đã nhiều năm chuyển về sinh sống ở làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) tại xã Hương Phong, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế; nhưng hàng chục hộ dân ở đây vẫn đang mòn mỏi chờ đợi được cấp đất sản xuất. Thiếu đất canh tác đã khiến cuộc sống của họ lâm vào cảnh khó khăn chồng chất…

Làng TNLN tại Hương Phong, của Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế được Trung ương Đoàn TNCS HCM phê duyệt xây dựng, với tổng kinh phí 24 tỷ đồng, nhằm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cuộc sống cho 45 hộ dân, trong đó có 30% là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2011 đến năm 2013, ngoài người dân ở địa bàn A Lưới còn có nhiều hộ dân ở các huyện, như Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Nam Đông đăng ký lên làng này lập nghiệp.

Đến với làng TNLN, nhiều cặp vợ chồng hy vọng sẽ tạo dựng được cuộc sống mới, thế nhưng điều mong mỏi ấy lại không trở thành hiện thực. Anh Nguyễn Xuân Ai, một hộ dân ở ngôi làng này cho biết, năm 2013, hưởng ứng lời kêu gọi đến làng TNLN, vợ chồng anh đã tình nguyện rời bỏ thị trấn A Lưới, dắt theo 2 con nhỏ về đây làm nhà sinh sống.

Theo lời anh Ai thì trước khi lên đây, phía Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế có cam kết, mỗi gia đình chuyển đến làng sinh sống sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng tiền làm nhà; 4,8 triệu đồng tiền hỗ trợ chăn nuôi. Ngoài ra còn được cấp 2.000m2 đất ở và đất vườn; từ 1-3ha đất rừng sản xuất và 14 triệu đồng/ha để khai hoang, mua cây giống. “Thế nhưng, đến nay đã 3 năm trôi qua, vợ chồng tôi chờ đợi mãi vẫn chưa được cấp đất rừng để sản xuất phát triển kinh tế...”, anh Ai cho biết.

Thiếu đất sản xuất, hằng ngày anh Ai phải đi làm thợ hồ để kiếm thêm thu nhập nuôi con nhỏ. Chung hoàn cảnh, anh Hồ Văn Toàn, một hộ dân ở làng TNLN bức xúc cho biết, từ lúc lên đây, cuộc sống 4 người trong gia đình anh rơi vào cảnh khó khăn hơn so với nơi ở cũ, do chưa được cấp đất sản xuất theo đúng cam kết.

Đất sản xuất không có, đất vườn lại rất cằn cỗi, chỉ toàn sỏi đá nên không thể trồng được cây chi cả. Vì thế vợ chồng tôi hằng ngày đành phải đi làm mướn; hoặc vác gỗ thuê để mưu sinh”, anh Toàn nói.

Anh Hồ Văn Đông, Trưởng khu B làng TNLN cho biết, hiện khu B có 25 hộ dân chuyển đến làm nhà ở sinh sống vào đầu năm 2013, tất cả đã được hỗ trợ tiền xây dựng nhà, đất ở và đất vườn; nhưng chỉ có 5 hộ được cấp đất rừng sản xuất. Điều kiện khó khăn, chờ đợi mãi không được cấp đất canh tác nên nhiều hộ đã bỏ làng TNLN trở về quê cũ; hoặc đến vùng đất mới có điều kiện hơn để sinh sống dù nhà cửa của họ đã được xây dựng hoàn thiện. Trong khi đó, một số hộ dân khác đành chấp nhận nộp số tiền 800.000 đồng tạm ứng cho UBND xã Hương Phong để xin cấp 0,7ha đất rừng...

Một căn nhà tuềnh toàng ở làng Thanh niên lập nghiệp.

Theo phản ánh của các hộ dân, ngoài việc dự án chưa cấp đất sản xuất thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho đất ở và đất vườn của 45 hộ dân ở làng TNLN cũng chưa được cấp theo quy định. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã và các cấp để xin được cấp giấy CNQSDĐ cho đất vườn và đất ở, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Không có đất sản xuất, lại không có sổ đỏ, chúng tôi muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò cũng không được!”, một hộ dân ở làng TNLN bày tỏ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, việc nhiều hộ dân ở làng TNLN chưa được cấp đất sản xuất và cấp giấy CNQSDĐ thì lỗi này không thuộc trách nhiệm của huyện. Bởi trước khi thực hiện dự án xây dựng làng TNLN ở xã Hương Phong, huyện đã tiến hành khảo sát và xác định khu vực này không còn quỹ đất để cấp cho người dân. Tuy nhiên, phía dự án vẫn tổ chức xây dựng làng và đưa người dân vào ở.

Trong khi, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban Quản lý dự án làng TNLN, thì nói rằng, sau nhiều năm triển khai, hiện một số hộ dân ở làng TNLN đã có cuộc sống ổn định dựa vào phát triển kinh tế rừng cao su, keo tràm, chăn nuôi bò. Hệ thống điện, đường, trường mầm non trong làng được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Tuy nhiên, do quỹ đất hạn hẹp nên đến nay, phía dự án vẫn chưa hoàn thiện việc cấp đất sản xuất cho 20 hộ dân dù dự án đã kết thúc từ năm 2013.

Tỉnh Đoàn và chính quyền các cấp huyện A Lưới đã có nhiều cuộc họp liên quan để giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất cho người dân ở làng TNLN. Theo đó, huyện A Lưới đang có kế hoạch thu hồi diện tích đất rừng do các đơn vị, người dân xâm lấn để hoàn thiện việc cấp đất từ 1-3ha/hộ dân đúng quy định của dự án. Ngoài ra, Tỉnh Đoàn cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết việc cấp giấy CNQSDĐ đối với đất ở và đất vườn của người dân”, ông Cường khẳng định.

Đề nghị Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế sớm phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền huyện A Lưới có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, hoàn thiện việc cấp đất sản xuất để người dân chuyển đến làng TNLN tại Hương Phong ổn định cuộc sống lâu dài; tránh việc người dân bỏ làng chuyển đến nơi khác mưu sinh, vì thiếu đất sản xuất, gây lãng phí tiền của khi thực hiện dự án này.

Anh Khoa
.
.
.