Thừa Thiên - Huế:

Dân hoang mang vì đất ruộng bỗng dưng sụt lún bất thường

Chủ Nhật, 20/07/2014, 10:50
Những ngày qua, nhiều hộ dân sống trên địa bàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) rất hoang mang, sợ hãi khi một số diện tích đất ruộng ở gần khu vực khai thác mỏ đá vôi của Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (gọi tắt là Công ty Đồng Lâm) bỗng dưng có hiện tượng sụt lún thành các hố sâu...

Sau khi nghe các hộ dân ở thôn Điền Lộc (xã Phong Xuân) phản ánh tình trạng đất ruộng bỗng dưng bị sụt lún, sáng 16/7, chúng tôi đã tìm về cánh đồng Lý Thượng nằm sát bên mỏ đá vôi của Công ty Đồng Lâm và ghi nhận tình hình. Trên khu ruộng 5 sào của ông Nguyễn Thơ, thuộc HTX Xuân Lộc (thôn Điền Lộc) có đến 2 vị trí sụt lún tạo thành hố lớn với đường kính từ 2-6m, sâu 1-3m; ngoài ra còn nhiều hố nhỏ nằm trên mặt ruộng.

Chỉ tay ra chiếc hố vừa sụt xuống nằm gần mép con mương, ông Thơ nói trong lo lắng: “Trước đây, ruộng nhà tui bằng phẳng lắm, nhưng không hiểu vì sao mặt ruộng bỗng dưng xuất hiện nhiều điểm sụt lún tạo thành các hố nước lớn, nhỏ. Nước lấy từ kênh mương cứ chảy hết xuống hố làm ruộng thiếu nước trầm trọng. Vợ chồng tui phải thay nhau đắp mương quanh các miệng hố như thành giếng để cứu vớt cánh đồng lúa đang khô cháy vì hạn”.

Nông dân ở thôn Điền Lộc (xã Phong Xuân) lo lắng khi đất ruộng xuất hiện nhiều điểm sụt lún thành hố sâu bất thường.

Theo thống kê của UBND xã Phong Xuân, việc khai thác đá của Công ty Đồng Lâm đã gây sụt lún tại 36 vị trí khác nhau trên diện tích 6ha lúa của 23 hộ dân ở thôn Điền Lộc. Ngoài ra, gần 80ha lúa trên địa bàn còn có hàng trăm hố sụt lún nhỏ, làm giảm năng suất thu hoạch từ 3 tạ xuống còn 2 tạ/sào do lượng phân bón trôi theo nước xuống các hố. Ngay sau khi phát hiện sự việc, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phối hợp với UBND huyện Phong Điền thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá mức độ nghiêm trọng và thiệt hại của việc sụt lún mặt ruộng bất thường ở xã Phong Xuân. Theo báo cáo của Sở TN&MT gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thì các điểm sụt lún trên mặt ruộng ở Phong Xuân chỉ cách khu vực mỏ từ 300m đến 1.800m.

“Qua kiểm tra thực tế, hiện tượng sụt lún tại khu vực trên là do sụt trần các hang và các ổ Các-Xtơ (Karst) trong tầng đá vôi. Chúng tôi đã yêu cầu địa phương cắm biển báo nguy hiểm tại các hố trên, đắp mương để ngăn chặn việc mất nước trên ruộng. Bên cạnh đó, Sở đã yêu cầu phía Công ty Đồng Lâm thực hiện các biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu hiện tượng sụt lún; đồng thời động viên người dân không nên hoang mang lo lắng”, ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay.

Trong khi đó, ông Trần Văn Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho rằng, các biện pháp trên chỉ là giải pháp tạm thời bởi về lâu dài, khi Công ty Đồng Lâm tiếp tục hoạt động nổ mìn phá đá thì chắc chắn việc sụt lún không chỉ diễn ra trên mặt ruộng nữa, mà sẽ là nhà ở của người dân... như thế thì hậu quả rất khôn lường! “Từ khi Công ty Đồng Lâm tiến hành mở mỏ đá vôi để khai thác lấy nguyên liệu làm xi măng (tháng 6/2012) đến nay đã làm 93 căn nhà cách khu vực mỏ 300m bị rạn nứt, nhiều diện tích ruộng bị sụt lún làm người dân sống trên địa bàn hoang mang tột cùng... Thế nhưng công ty này vẫn không có động thái đền bù hay hỗ trợ gì”, ông Cân khẳng định

Lê Anh
.
.
.