Dân đòi "xử" Công ty vì gây ô nhiễm

Thứ Bảy, 05/11/2011, 17:11
Hàng trăm người dân tụ tập trước cổng Công ty TNHH Khoa học công nghệ và Bảo vệ môi trường Quốc Việt (đóng tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) yêu cầu công ty phải xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Chiều 3/11, hơn 200 người dân đã kéo tới trước trụ sở của Công ty TNHH Khoa học công nghệ và Bảo vệ môi trường Quốc Việt (gọi tắt là Công ty Quốc Việt) để phản đối việc Công ty này "sản xuất" ra mùi hôi thối, không chịu nổi. Ông Trương Văn Ngò, ở tổ 34, Khu tái định cư Mân Thái 3, phường Mân Thái, quận Sơn Trà bức xúc nói "Tất cả người dân ở đây ngày nào cũng ngửi mùi hôi thối bắt buộc. Mọi sinh hoạt của chúng tôi đều bị đảo lộn. Tội nhất là mấy đứa cháu nhỏ cũng phải ngửi mùi hôi thối này...".

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi cũng bị “tra tấn” một mùi hôi thối nồng nặc. Mùi hôi theo gió bay đi khắp vùng. Tất cả các nhà dân ở xung quanh trụ sở Công ty đều cửa đóng im lìm, không nhà nào mở cửa, một người dân cho biết.

Được biết, trước tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại khu vực này, vào trung tuần tháng 8/2011, đồng chí Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và lãnh đạo một số Sở, ban, ngành liên quan đã kiểm tra thực tế. Qua buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, việc để tồn tại điểm nóng ô nhiễm môi trường này trong nhiều năm qua là do các Sở, ban ngành liên quan còn làm theo kiểu đối phó, chắp vá. Trong khi đó, Công ty Quốc Việt đầu tư công nghệ còn quá lạc hậu, làm theo kiểu thủ công, thiếu nguồn điện dự phòng nên chưa hoàn thành nhiệm vụ đã cam kết với thành phố.

Trước tình trạng này, ông Thanh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành liên quan để giải quyết dứt điểm điểm nóng ô nhiễm này. Cụ thể, mở rộng Trạm XLNT tập trung của Công ty Quốc Việt lên 10.000m3/ngày đêm; yêu cầu Công ty Quốc Việt mua 2 máy phát điện dự phòng để phục vụ trạm và khu vực âu thuyền khi có sự cố mất điện; cho vay ưu đãi 5 tỷ đồng để mở rộng nhà máy đồng thời yêu cầu Công ty Quốc Việt phải xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn, nếu vi phạm sẽ xử lý mạnh tay thậm chí sẽ đình chỉ hoạt động và kêu gọi các đơn vị khác vào thực hiện. Giao Công ty Cây xanh tiến hành trồng cây quanh Trạm xử XLNT tập trung.

Vì quá hôi thối, nhiều người dân đã kéo đến trụ sở Công ty Quốc Việt đòi xử lý.

Tiến hành rà soát lại các tuyến ống đấu nối về Trạm XLNT và xử lý triệt để các điểm hư hỏng trên tuyến ống này. Yêu cầu các đơn vị chức năng tiến hành bịt 3 cửa xả đổ nước mưa và nước thải trực tiếp ra âu thuyền Thọ Quang và đồng ý cho xây dựng tuyến ống và Trạm bơm điều hoà nước tại Âu thuyền Thọ Quang để tạo thông thủy, giảm ô nhiễm môi trường; cho nạo vét lòng âu thuyền với độ sâu khoảng 1 mét. Giao BQL âu thuyền và các cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch nơi mua bán hải sản, rửa tàu, đổ nước thải… và tiến hành lập các tờ rơi, tờ bướm với nội dung yêu cầu tàu thuyền vào neo đậu, mua bán hải sản trong âu thuyền Thọ Quang không xả rác thải, nước thải bừa bãi xuống âu thuyền, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý mạnh tay thậm chí cấm không cho vào âu thuyền…

Tuy nhiên, đến nay mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết triệt để, mùi hôi thối vẫn bốc ra nồng nặc gây bức xúc dư luận.

Đặc biệt, vào đầu tháng 7/2011, các cơ quan chức năng quận Sơn Trà đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Trạm XLNT KCN DVTS Thọ Quang thuộc Công ty Quốc Việt. Đồng thời lấy mẫu nước thải sau khi đã xử lý của Trạm này và gửi đến Trung tâm kỹ thuật môi trường để tiến hành thử nghiệm.

Qua phân tích, so sánh kết quả thử nghiệm với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản (QCVN 11:2008/BTNMT), kết quả mẫu nước đã xử lý của Công ty Quốc Việt không đạt chẩn theo quy định và vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trên 10 lần, trong đó cao nhất là Coliforms vượt quy chuẩn 231,5 lần. Trên cơ sở này, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đã đề xuất lên lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Quốc Việt 150 triệu đồng về hành vi nói trên.

Theo tìm hiểu, tính từ nay đến cuối năm 2011, lượng nước thải của các DN đổ về trạm XLNT của công ty này có thể lên đến hơn 4.500m3/ngày đêm, nhưng Công ty Quốc Việt mới chỉ hoàn thành được 70% công việc do thành phố giao, do vậy trong thời gian đến công ty tập trung giải quyết tốt hơn nữa để giảm thiểu ô nhiễm tại khu vực này.

Là một trong 6 Khu công nghiệp trọng điểm của TP Đà Nẵng, Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang được thành lập  và hoạt động trên 2 ngành nghề chính là chế biển thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện nay, KCN này thu hút khoảng 13 DN đăng ký hoạt động đa phần trên lĩnh vực chế biến thủy sản.

Từ trước đến nay các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang đã có hiện tượng xả "chui" rất nhiều và chỉ sau khi bị xử phạt mạnh tay các DN mới chịu thu gom toàn bộ về Trạm XLNT của Công ty Quốc Việt.

Điều đáng tiếc nữa là do các công ty này báo cáo lượng nước thải của công ty mình quá ít so với thực tế nên Trạm XLNT do Công ty Quốc Việt vừa mới xây dựng đã bị quá tải

Trần Ánh
.
.
.