Dân Đồng bằng sông Cửu Long "thua" rầy nâu

Thứ Ba, 03/07/2007, 13:29
Tại chùm đèn cao áp, rầy nâu đeo bám và bay lượn xung quanh dày đặc nhìn giống như lớp sương mù. Đêm xuống, chẳng ai dám ra đường; giới buôn bán, kinh doanh đành chịu cảnh ế ẩm. Các cơ sở y tế thì ngày càng tiếp nhận nhiều bệnh nhân do bị rầy nâu tấn công.

Đi từ Đồng Tháp, sang An Giang, qua Kiên Giang và xuống Sóc Trăng, ở đâu chúng tôi cũng nghe người dân vùng trung tâm tỉnh lị than phiền rằng bị rầy nâu tấn công.

Đêm xuống, người dân chẳng muốn ra đường; giới buôn bán, kinh doanh thì đành chịu cảnh ế ẩm, vắng khách. Các cơ sở y tế trong khu vực những ngày vừa qua đã bắt đầu tiếp nhận nhiều trường hợp bị rầy nâu chui vào mắt, hoặc bị dị ứng da do phấn rầy.  

Mới chỉ hơn 8h tối nhưng các tuyến đường huyết mạch nội ô TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) khá vắng vẻ. Hệ thống đèn cao áp của thành phố trẻ này bị rầy nâu đeo bám và bay lượn xung quanh dày đặc.

Thoáng nhìn qua các con đường chính, tôi có cảm giác thành phố như đang đắm chìm giữa lớp sương mù. Từ khu vực Bến xe liên tỉnh thuộc phường 2, TP Cao Lãnh, tôi mắt nhắm, mắt mở cố gắng chạy xe gắn máy về hướng chùm đèn cao áp lớn nhất của TP Cao Lãnh nằm trong vòng xoay trước nghĩa trang liệt sĩ Đồng Tháp.

Quả không thể hình dung và đúng như lời một người bạn cho biết, rầy nâu bay bu quanh khu vực ánh đèn với mật độ có lẽ không thể dày đặc được thêm nữa. Dù là cửa ngõ vào trung tâm thành phố nhưng do rầy nâu đông nghẹt như thế nên xe, người di chuyển sang đây hết sức dè dặt.

Theo tỉnh lộ, tôi chạy về hướng Khu liên hợp thể thao và vào khu vực trung tâm của phường Mỹ Phú và xã Mỹ Trà, tình trạng cũng tương tự. Người dân kể: "Trước đây, buổi tối khu vực này đông vui lắm. Bà con thường đến đây tản bộ, hóng mát. Giờ thì như anh thấy đó, chỉ lèo tèo mấy người".

Một người dân bán hủ tiếu gần khách sạn Mỹ Trà cho biết: "Cách đây hai hôm, con gái 8 tuổi của tôi phải nhập viện để các bác sĩ bắt mấy con rầy trong mắt ra. Ban đêm, nhà tôi và láng giềng chẳng dám mở đèn bởi thấy ánh sáng là rầy nâu tấn công. Buôn bán thì hết sức ế ẩm". 

Tại TP biển Rạch Giá (Kiên Giang), rầy nâu cũng đang gây phiền phức cho cuộc sống của người dân. Tại khuôn viên của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, nhiều thân nhân nuôi người bệnh cho biết họ và con em họ rất khổ sở vì rầy nâu.

Chị Thúy, nhà ở phường Rạch Sỏi, có con nằm tại Trại nhi, suốt mấy đêm liền, chị và đứa con trai 9 tuổi bị sốt xuất huyết nằm ghế bố ở hành lang (vì Trại không còn giường do bệnh nhân sốt xuất huyết quá đông - PV) không sao chợp mắt được vì rầy rơi xuống mặt.

Hầu hết các khoa phòng của bệnh viện đều bị ảnh hưởng do rầy. Một bác sĩ ở Khoa Da liễu của bệnh viện xác nhận đã có một số trường hợp người dân bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, sưng tấy người đến khám và điều trị ngoại trú. Tại chợ nông sản - Trung tâm Thương mại Rạch Giá, có gia đình nọ 7 người nhưng đã 6 người phải đến các cơ sở y tế điều trị do bị phấn rầy làm dị ứng da, gây ngứa.

Tại Sóc Trăng, đàn rầy nâu đông đúc cũng đang làm khổ nhiều người dân sống tại trung tâm thành phố. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực trung tâm của TP Cần Thơ thuộc các quận Cái Răng, Ô Môn, Bình Thủy và Ninh Kiều, hai ba đêm nay cũng đã có rầy nâu với mật độ đông đến bất thường.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT một số tỉnh tại ĐBSCL thì đây là đợt rầy nâu di trú với mật độ cao nhất từ trước đến nay, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nói chung.

Nguyên nhân khiến đàn rầy nâu tại vùng đô thị đông đúc được giải thích là do những cơn mưa dầm xảy ra trên diện rộng cách nay mấy hôm. Mưa dầm đã làm cho lứa rầy nâu đang trưởng thành không có nơi cư trú và chúng đã di chuyển ồ ạt vào khu vực đô thị, nơi đông dân cư để tìm ánh đèn vào ban đêm.

Một nguyên nhân khác là vào thời điểm hiện nay, nông dân nhiều địa phương đã bắt đầu thu hoạch lúa. Không còn chỗ nên rầy nâu di trú sang khu vực lân cận.

Theo ông Trần Quang Củi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, mật độ rầy nâu ghi được mấy ngày cuối tháng 6 vừa qua tại địa phương luôn dao động khoảng 25.000 đến 30.000 con/bẫy đèn. "Mật độ này cao gấp năm lần so với cùng kỳ năm ngoái" - ông Củi nói

Thái Bình
.
.
.