Đầm Thị Nại bị chiếm dụng trái phép để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản

Thứ Hai, 10/12/2012, 10:23
Đầm Thị Nại là đầm nước lợ lớn nhất tỉnh Bình Định từng được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) chọn để “Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển” trong giai đoạn 2008 - 2010. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, tình trạng người dân ngang nhiên lấn chiếm, chiếm dụng trái phép hàng trăm hécta mặt nước để nuôi trồng, khai thác thủy sản gây nên nhiều hệ lụy, tác động xấu đến môi trường sinh thái khiến cho nguồn lợi thủy hải sản ngày càng bị suy kiệt…

Từ cuối năm 2011 đến nay, tình trạng người dân bao chiếm trái phép mặt đầm để nuôi trồng, khai thác thủy sản (NT-KTTS) bùng phát mạnh. Nhiều hộ dân đã dùng lưới, cọc tre để đăng chắn, khoanh nuôi các đối tượng thủy sản như tôm, cá, cua, sìa, hàu. Thậm chí, không ít ngư dân lén lút dùng xung điện, xiệc máy để tận diệt thủy hải sản trên mặt đầm. Tình trạng này, không chỉ gây ảnh hưởng đến dòng chảy, ô nhiễm môi trường mặt đầm mà còn làm tắc nghẽn giao thông đường thủy, làm suy kiệt nguồn lợi sinh thái.

Đáng báo động, hiện nay, khoảng không gian mặt nước đầm Thị Nại tại địa bàn 2 xã Phước Sơn và Phước Thuận (huyện Tuy Phước), tình trạng người dân mua tre, trảy về cắm thành ô, giăng lưới để tranh giành, lấn chiếm trái phép mặt nước để nuôi sìa, tận thu thủy sản đang khiến cho nguồn lợi thủy sản tại khu vực này đang bị suy giảm nghiêm trọng.

Theo Thanh tra Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, qua kiểm tra, đã phát hiện 133 hộ dân tại các xã ven đầm vi phạm với diện tích lấn chiếm trên 244ha. Trong đó, xã Phước Sơn (Tuy Phước) có 71 hộ vi phạm, xã Phước Thuận (Tuy Phước) có 59 hộ vi phạm, xã Phước Hòa (Tuy Phước) có 2 hộ vi phạm, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) có 1 hộ vi phạm.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Đình Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), cho biết: “Mặc dù, từ cuối năm 2011 đến nay, địa phương thành lập nhiều tổ công tác tiến hành kiểm tra, xác lập số hộ tự ý chiếm mặt nước để NT-KTTS để xử lý. Đồng thời, tuyên truyền và yêu cầu người dân tháo gỡ. Tuy nhiên, do việc xử lý còn nhẹ và chưa thật triệt để nên không ít hộ chưa thực hiện đúng theo quy định. Để tiến tới ngăn chặn, trả lại sự thông thoáng cho mặt đầm, hiện nay địa phương đang tập trung đẩy mạnh các biện pháp nhằm xử lý dứt điểm tình trạng này”.

Tình trạng bao chiếm trái phép để nuôi trồng, khai thác thủy sản trên đầm Thị Nại đang bùng phát mạnh gây nhiều hệ lụy xấu. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Trước tình trạng người dân bao chiếm hàng trăm hécta mặt nước đầm Thị Nại để NT-KTTS gây nên nhiều hệ lụy xấu. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 4487/UBND-TD gửi UBND huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn yêu cầu tập trung ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng đăng chắn, lấn chiếm trái phép mặt đầm Thị Nại để NT-KTTS.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm cấm mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi lấn chiếm diện tích mặt nước đầm Thị Nại để sử dụng các loại ngư lưới cụ NT-KTTS không theo quy định; làm cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường, gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. UBND tỉnh yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân đã cắm cọc, chắn lưới NT-KTTS trái phép trên đầm không được thả giống gây nuôi các loài thủy sản dưới bất cứ hình thức nào và tiến hành tháo dỡ ngay các công trình đã vi phạm.

Đầm Thị Nại có diện tích 5.060ha, nằm ở vùng cửa sông đổ ra biển, có bãi triều rộng nên hệ sinh thái trong đầm khá phong phú và đa dạng. Cách đây chừng hơn 5 năm, đầm Thị Nại có đến 1.000ha rừng ngập mặn và 200ha thảm cỏ biển, bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển của nguồn lợi thủy sản (NLTS) và duy trì sự ổn định về môi trường sinh thái ở khu vực đầm. Đầm Thị Nại từng là nơi sinh sống của 119 loài cá, 14 loài tôm và hàng chục loài thủy hải sản có giá trị khác. Riêng khu vực Cồn Chim (thuộc địa phận xã Phước Sơn - Tuy Phước), trước đây chủ yếu là rừng ngập mặn, là nơi trú ngụ của các loài chim quý, như cò, vạc đen, nhạn, lau chau… và nhiều giống loài thủy sản, như cá, tôm, hàu, sò, vẹm… Với NLTS đa dạng và phong phú như vậy, từ bao đời nay đầm Thị Nại là nguồn sống của hàng ngàn cư dân ven đầm.

Hoàng Nguyên
.
.
.