Đắk Lắk: Gia tăng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

Thứ Năm, 01/08/2013, 19:13
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình mua bán, khai thác, vận chuyển lâm sản, động vật trái phép trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp, số vụ vi phạm có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2012. Đáng báo động là tình trạng khai thác mua bán vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra tại 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp…

Cụ thể, từ đầu năm 2013 đến nay, qua công tác tuần tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.374 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 416 vụ (tăng 43,4%) so với cùng kỳ năm 2012, lập biên bản tịch thu 2.947m3 gỗ các loại, xử phạt, nộp ngân sách Nhà nước hơn 15,6 tỷ đồng. Trong tổng số các vụ vi phạm, đã có 11 vụ được đem ra khởi tố hình sự, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng báo động là tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra tại 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp hết sức phức tạp. Chỉ riêng trên địa bàn 2 huyện này, qua kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản và công tác quản lý bảo vệ rừng của các dự án trồng cao su, nông lâm nghiệp khác, các cơ quan chức năng đã phát hiện tới 533 vụ vi phạm, tịch thu, tạm giữ hơn 933m3 gỗ các loại.

Công an huyện Krông Púk điều tra vụ phá rừng tập thể tại rừng phòng hộ quốc lộ 14.

Việc lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm nương rẫy của các hộ đồng bào dân tộc, dân di cư tự do cũng đã góp phần đáng kể vào việc gia tăng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó, nhiều vụ phá rừng có quy mô lớn, đông người đã diễn ra một cách công khai, trắng trợn. Điển hình như trên địa bàn huyện Krông Púk, ngày 6/1/2013, tại tiểu khu 356 xã Cư Né, hơn 100 người dân đồng bào tại các Buôn Mùi 1, 2, 3 đã kéo nhau ra dùng cưa máy, xà gạc, dao, rựa…ngang nhiên chặt phá rừng thông phòng hộ dọc quốc lộ 14. Hậu quả, hơn 4ha rừng và 150 cây thông có tuổi đời trên 20 năm tuổi bị đốn hạ ngổn ngang chỉ sau vài giờ đồng hồ.

Hay tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Buôn Đôn đã có 110 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vào phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép làm nương rẫy trên diện tích hơn 100ha, trong đó có 36 hộ đã dựng chòi, lán trại kiên cố và trồng hoa màu trên diện tích 51,8ha suốt cả một thời gian dài. Trước vụ việc trên, UBND huyện Buôn Đôn đã ban hành quyết định “Buộc khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không ra được quyết định xử phạt vi phạm hành chính” đối với các hộ dân này.

Bắt giữ, khởi tố các đối tượng cầm đầu trong vụ phá rừng tập thể tại huyện Krông Púk.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân làm cho các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua ở mức báo động là do thói quen, tập quán canh tác theo kiểu di cư của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, dẫn đến nhu về cầu đất để sản xuất, canh tác là khá lớn nên phá rừng trái pháp luật. Một số đầu nậu đất đai đã đứng ra thuê người dân phá rừng để trục lợi, khi bị thu hồi thì các đối tượng này đứng ra kích động tổ chức đông người, chống đối quyết liệt và khiếu kiện, tranh chấp…khi trồng lại rừng thì bị các đối tượng lén lút nhổ, phá bỏ gây nhiều khó khăn cho việc xử lý.

Hàng ngàn m3 gỗ vi phạm bị bắt giữ tại Hạt kiểm lâm huyện Krông Púk.

Ngoài ra, tình trạng lao động không ổn định không việc làm cùng với lợi nhuận cao từ việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép đã kích thích nhiều người dân địa phương tham gia. Bên cạnh đó, việc xử lý hành vi vi phạm của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương còn thiếu kiên quyết, chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe. Lực lượng kiểm lâm còn mỏng, lại thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhất là việc các Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp hoạt đông yếu ớt do thiếu kinh phí, nhiều công ty trở nên buông lỏng, bất lực hoặc đối phó yếu ớt trước nạn xâm hại rừng, không loại trừ khả năng nhiều cá nhân dung túng, tiếp tay cho các hành vi xâm hại rừng.

Trước thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra những biện pháp cấp thiết như: Cần đề cao trách nhiệm của chủ rừng và chính quyền địa phương khi để mất rừng. Xử lý nghiêm những doanh nghiệp, hộ dân và cộng đồng dân cư được giao rừng để bảo vệ, hoặc triển khai dự án trồng cao su mà quản lý lỏng lẻo dẫn đến mất rừng. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó chú trọng việc tranh thủ sự hỗ trợ của lực lượng công an, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ rừng trên tuyến biên giới và rừng ở những địa bàn chiến lược về quốc phòng.

Một vụ phá rừng tại VQG Yok Đôn.

Theo dõi, quản lý và xử lý nghiêm minh các đối tượng là lâm tặc, đầu nậu và các chủ xưởng chế biến lâm sản khi phát hiện vi phạm. Đưa những vụ án phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép…ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật; kiểm tra, giám sát việc trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng công trình thủy điện, khai thác khoáng sản và các công trình xây dựng khác, xử lý nghiêm đối với các sai phạm theo quy định

Văn Thành
.
.
.