Đắk Lắk: Dải phân cách gây khó cho dân

Thứ Ba, 31/08/2010, 11:23
Cách đây hơn nửa tháng, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Sửa chữa đường bộ Đắk Lắk bắt đầu làm dải phân cách làn đường xe cơ giới và xe thô sơ trên đoạn QL14 (Dự án đường Hồ Chí Minh) đi qua TP Buôn Ma Thuột từ Km707+436m đến Km714+436m. Dải phân cách mới làm được khoảng 2km nhưng đã gây khó khăn trăm bề cho người dân, doanh nghiệp.

Từ ngày 11 đến 16/8, Chi nhánh miền Trung của Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH Thép Văn Tứ và Chi nhánh TP HCM của Công ty TNHH Cargill Việt Nam đã đồng loạt gửi đơn lên Sở GTVT, UBND tỉnh Đắk Lắk phản ánh việc làm dải phân cách trước cổng đơn vị đã gây khó khăn cho việc kinh doanh vì ôtô không thể ra, vào vận chuyển được hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Tuấn Vượng (Giám đốc bộ phận thu mua ca cao Công ty TNHH Cargill Việt Nam), trạm thu mua ca cao của công ty ở Đắk Lắk (đóng tại Km9, QL14, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột) là nơi tiêu thụ hạt ca cao cho nông dân khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận.

Hiện nay việc thu mua ca cao rất "khốn khổ" vì xe tải không thể vào trạm vận chuyển hàng hóa. "Dừng bên ngoài dải phân cách cũng vi phạm, đi vào trong cũng vi phạm nên xe tải không cách nào chở được hàng", ông Vượng trăn trở...

Ông Lê Xuân Biểu (Giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk) nói rằng, việc làm dải phân cách này là cần thiết vì nó đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng trên thực tế, dải phân cách này đã làm mất an toàn giao thông.

Con đường một chiều dành riêng cho xe thô sơ rộng khoảng 3,5m, không có biển chỉ dẫn nằm trong dải phân cách đã hình thành 2 lối đi cho xe máy từ lúc nào không biết nên xe máy thường xuyên va quệt nhau. Trong khi đó, vạch sơn kẻ đường dành cho người đi bộ lại nằm trên dải phân cách, bắt buộc họ khi sang đường phải trèo qua lan can dải phân cách và vi phạm Luật GTĐB.

Nhưng điều gây bức xúc nhất là hiện tượng một số đoạn dải phân cách qua một vài doanh nghiệp được mở, còn lại thì bị rào kín. "Đã cho mở rào chắn trước cổng thì doanh nghiệp nào cũng phải được mở, đằng này nơi cho mở, nơi không cho mở là không công bằng.

Khi dải phân cách này làm xong, rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị khác cũng sẽ bị ảnh hưởng như: Bệnh viện Thiện Hạnh, Chi nhánh miền Trung Công ty Sabeco tại Đắk Lắk, khách sạn Thắng Lợi, khách sạn Dakruco… Nếu tỉnh cho họ mở cổng qua dải phân cách thì chúng tôi cũng phải được mở", anh Nguyễn Xuân Tuấn (Thủ kho của Kho trung chuyển Tây Nguyên thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam) cho biết.

Trần Tâm
.
.
.