Đắk Lắk: Chậm triển khai chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn

Thứ Bảy, 26/09/2009, 15:40
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (HANT), Điện lực Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp xúc và làm việc với các tổ chức kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu tiếp nhận và bán lẻ điện trực tiếp cho người dân theo giá điện Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận và bàn giao lưới điện HANT trên thực tế không hề suôn sẻ vì đụng chạm tới quyền và lợi ích của các hợp tác xã kinh doanh điện từ trước đến nay.

Khi quyền và lợi ích mâu thuẫn với nhau

Ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Điện lực Đắk Lắk cho biết: Để thực hiện, chúng tôi đã cố gắng tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhưng trên thực tế cho thấy số hợp tác xã (HTX) tự nguyện bàn giao lưới điện rất ít. Cho đến nay chỉ có 21/43 tổ chức kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chuyển giao tài sản hạ áp lưới điện nông thôn về cho ngành Điện quản lý và bán lẻ, 6 HTX khác cũng đã đồng ý về chủ trương và đang tiến hành bàn giao. Tuy nhiên 16 tổ chức, HTX còn lại đang quản lý bán điện trên địa bàn của 23 xã với tổng số 498 km đường dây hạ áp và 47.411 khách hàng (chiếm tỷ lệ 49,82 % tổng số khách hàng) hiện vẫn chưa đồng ý chủ trương bàn giao.

Có nhiều HTX đang "ăn nên làm ra" từ nguồn thu điện nông thôn nên không muốn bàn giao cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, khi HTX bàn giao cho ngành Điện, có nhiều lao động của HTX trở nên thất nghiệp vì ngành Điện nhận bàn giao mạng lưới điện chứ không nhận lao động…

Nhưng cũng có một số HTX làm ăn không hiệu quả nhưng "cố thủ" không bàn giao như HTX Thành Công (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) là một ví dụ điển hình. Căn cứ nguồn vốn hệ thống điện do Nhà nước và nhân dân đóng góp, UBND xã đã giao cho HTX Thành Công quản lý khai thác từ năm 2004, đến nay chưa được đầu tư sửa chữa lần nào, thất thoát điện năng cao, đồng thời lưới điện khi xây dựng không tuân theo quy hoạch, tiêu chuẩn nên không đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngày càng cao của nhân dân.

Công nhân Điện lực Đắk Lắk ra quân thay mới hệ thống công tơ điện.

Ngày 24 và 25/5, tại các biên bản họp dân của hơn 100 hộ dân thôn Tân Đức, 220 hộ dân của buôn Ea Đun, 103 hộ dân của các buôn Yé và buôn Đrao… đều thống nhất đề nghị HTX Thành Công nhanh chóng bàn giao lưới điện cho Chi nhánh điện (CNĐ) Phước An quản lý, UBND xã Ea Kênh cũng đã có quyết định ngày 21/5/2009 và thông báo ngày 1/6/2009 về việc chuyển giao lưới điện của HTX Thành Công về cho CNĐ Phước An nhưng HTX Thành Công vẫn không chịu đồng ý bàn giao (?!).

Cũng có trường hợp nhiều HTX đã đồng ý chủ trương bàn giao nhưng khi thấy HTX bên cạnh giữ lại kinh doanh thì "nó giữ được thì mình cũng giữ". Thế là mạnh ai người đó giữ, dù biết sau khi bàn giao cho ngành Điện thì lưới điện địa phương sẽ được đầu tư nâng cấp cao hơn và người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Hiện Điện lực Đắk Lắk đã được Công ty Điện lực 3 bố trí nguồn vốn khoảng 25,57 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp lưới điện, đầu tư mới toàn bộ hệ thống đo đếm điện năng trong năm 2009.

Đề án tổng thể đầu tư cải tạo và nâng cấp lưới điện HANT trên địa bàn tỉnh cũng đã được Công ty Điện lực 3 phê duyệt với giá trị dự kiến hơn 127 tỷ đồng. Và thế là để chứng minh rằng mình cũng có đủ năng lực tồn tại không thua gì điện lực, các HTX trên cũng "gồng mình" huy động vốn gom nhặt từng đồng đầu tư thay mới, sửa chữa hệ thống điện.

Ông Trần Thi, Phó chủ nhiệm HTX dịch vụ điện Hòa An cho chúng tôi biết, sau khi bàn giao cho Điện lực Đắk Lắk 3/9 trạm, HTX quyết định giữ lại 6 trạm không bàn giao để tiếp tục kinh doanh. Hiện tại để có vốn đầu tư nâng cấp hệ thống điện, HTX đã kêu gọi xã viên tự góp vốn trên tinh thần tự nguyện, theo đó HTX Hòa An có 6 thành viên, dự tính sẽ có khoảng 600 triệu đồng (100 triệu đồng/người), nhưng trên thực tế chỉ mới huy động được hơn 100 triệu đồng.

Lợi bất cập hại

Không thể phủ nhận vai trò của các mô hình HTX này bởi trong suốt một thời kỳ dài họ đã góp phần tham gia giải quyết được phần nào nhu cầu sử dụng điện của vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khi mà Nhà nước và ngành Điện chưa đủ sức thực hiện. Tuy nhiên, cùng với thời gian, đa số lưới điện hiện đã xuống cấp trầm trọng, tổn thất điện năng và nguy cơ mất an toàn cao, hạn chế về nguồn vốn, năng lực tài chính, năng lực quản lý… của các tổ chức này là điều không thể bàn cãi.

Việc bàn giao cho ngành Điện bán lẻ đến từng hộ nông dân chính là nhằm thực hiện chính sách giá điện cho người nghèo của Chính phủ, tạo điều kiện cho người dân mua điện đúng theo giá của Chính phủ, được sử dụng điện an toàn với chất lượng đảm bảo, ổn định và tin cậy.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trước tiên quyền và lợi ích của các HTX quản lý và kinh doanh điện từ trước đến nay cần được xem xét và đảm bảo; ngoài sự nỗ lực của ngành Điện còn cần có sự đồng thuận và hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành cũng như của người dân đang sử dụng điện, có như thế việc triển khai đề án mới thu được kết quả tốt đẹp và đúng hạn định như đã đề ra

Gia Bảo
.
.
.