Đắk Lắc: Cây thủy tùng kêu cứu

Thứ Năm, 20/05/2010, 15:24
Thủy tùng hay còn gọi thông nước có tên khoa học Glyptostrobus pensilis là loài thực vật duy nhất còn tồn tại thuộc chi Glyptostrobus. Đây là loài đặc hữu của vùng cận nhiệt đới hiện diện ở miền Nam. Loài cây này có nguy cơ tuyệt diệt vì bị khai thác quá mức.

Thủy tùng kêu cứu…

Do nguồn lợi từ thủy tùng rất lớn nên một số kiểm lâm viên và lâm tặc đã bất chấp pháp luật. Những ngày lăn lộn ở Ea H'leo, Đắk Lắk tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện phản ánh hết sức đau lòng của người dân địa phương, trong đó có sự phản ánh rất nhiều về lực lượng Kiểm lâm ở Ea H'leo.

Trong đó có một vụ việc đau lòng mà đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm là việc cán bộ kiểm lâm Ea H'leo phân công giữ rừng thủy tùng có liên quan đến việc khai thác vận chuyển gỗ thủy tùng trái phép. Trong lúc được giao nhiệm vụ giữ rừng thủy tùng ở hồ Ea Ral, Ea H'leo, Đắk Lắk, đêm 28/3 kiểm lâm viên Đinh Tiến Hữu và nhân viên kiểm lâm hợp đồng Nguyễn Ngọc Ba (Hạt Kiểm lâm Ea H'leo, Đắk Lắk) đã để xe càng tự do vào bốc gỗ lậu chở đi.

Ngay trong đêm khuya, cũng chính lực lượng Kiểm lâm cơ động Ea H'leo đã phát hiện bắt quả tang xe máy cày trên vận chuyển 0,7m3 gỗ thủy tùng trái phép. Tiết lộ của chủ xe Dương Văn Trọng rằng chính 2 kiểm lâm trên đã nhờ xe máy càng của mình chở gỗ dùm và hôm đó do say nên Trọng đã nhờ em ruột Dương Văn Thân lái giúp. Lúc đầu thì 2 kiểm lâm viên thừa nhận trước cơ quan xin gỗ về làm "kỷ niệm", nhưng sau đó lại không nhận mà cho rằng do thiếu trách nhiệm để lâm tặc vượt trạm kiểm soát.

Theo ông Y Rít Buôn Yă - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, vụ việc trên được giao cho huyện xử lý và chuyển giao vụ việc cho cơ quan CSĐT Công an huyện Ea H'leo điều tra theo pháp luật. Hai cán bộ kiểm lâm trên đang tạm đình chỉ công tác từ ngày 5/4 đến ngày 5/6/2010 để làm rõ xử lý theo quy định. Dư luận cho rằng nếu vụ việc này xử lý không nghiêm sẽ tạo tiền lệ xấu và mất lòng tin của người dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo phụ trách nông lâm, Y Manh ADRơng tâm sự, cuộc chiến giữ rừng thủy tùng nói riêng và rừng nói chung ở Ea H'leo, Đắk Lắk còn nhiều cam go và phức tạp lắm.

Khoảng 16h ngày 4/5, nhận được tin báo gỗ thủy tùng bị khai thác trái phép số lượng lớn và đang tổ chức mua bán ở khu vực rừng Ea Ral, tổ kiểm lâm gồm 5 đồng chí đến hiện trường vây bắt thì bị bọn lâm tặc khoảng 30 người tấn công đánh trọng thương anh Hiền kiểm lâm viên và một sinh viên thực tập tên Việt của Trường Đại học Tây Nguyên tham gia cùng tổ công tác. Vụ việc đang được cơ quan Công an điều tra làm rõ.

Hồ Ea Ral, nơi còn sót lại một số gốc cây thủy tùng.

Gian nan giữ rừng quý

Đến giờ chưa có thông tin chính thức về khoa học cho rằng cây thủy tùng có thể chữa được nhiều bệnh, kể cả ung thư nhưng sự đồn thổi "thần dược" là do giá gỗ thủy tùng được mua ở mức khá cao nên nhiều người suy diễn. Một người dân ở Ea H'leo, Đắk Lắk cho biết, giá 1m3 gỗ thủy tùng tại địa phương đã tới giá trên 150 triệu đồng, nếu vận chuyển "lọt" xuống TP.HCM , hay đi Hà Nội giá sẽ tăng lên gấp 2 đến 3 lần. Thật ra, gỗ thủy tùng vốn được nhiều người ưa chuộng dùng để chế tác sản phẩm trang trí, thủ công mỹ nghệ là chủ yếu.

Theo người dân địa phương cho biết, tổng thể khoảng 9ha rừng thủy tùng ở Ea Ral, tỉnh Đắk Lắk đã tồn tại từ lâu đời. Trong một cuộc kiểm kê cách đây gần chục năm thì số lượng cây còn tồn tại khoảng gần 300 cây nhưng hiện tại còn dưới 200 cây. Cũng có thời gian ở khu rừng này bị chặt hạ để làm đập nước Ea Ral ngày nay nên nhiều gốc gỗ thủy tùng còn sót lại dưới lòng hồ và gần đây người dân đã kéo nhau đến khai thác trái phép để bán.

Ông Y Manh ADRơng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo phụ trách nông lâm cho biết, do lực lượng kiểm lâm địa phương không đảm đương được nhiệm vụ nên phải huy động cả quân đội và Công an vào cuộc bảo vệ rừng thủy tùng còn sót lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk. Hiện tại có khoảng 50 CBCS đang ngày đêm bám trụ ở rừng thủy tùng khu vực hồ Ea Ral không để người dân khai thác trái phép. Tuy nhiên, phía lãnh đạo huyện Ea H'leo cũng xin chủ trương cho trục vớt số gỗ đã bị chặt và vùi lấp dưới lòng hồ Ea Ral trước đây để thu về cho ngân sách địa phương và hiện đang chờ cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Ở Việt Nam, hoá thạch thủy tùng này thường gặp ở đầm lầy. Riêng ở Đắk Lắk còn 2 quần thể thủy tùng tự nhiên duy nhất Việt Nam và cả trên thế giới là Ea H'leo và Krông Năng, hiện đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Chính vì sự quý hiếm nên hàng ngày ở những khu rừng đặc biệt này luôn chịu sức ép bởi sự tấn công của con người bất cứ lúc nào.

Ngọc Như
.
.
.