Dai dẳng nỗi đau ở vùng “rốn da cam”

Thứ Năm, 08/08/2013, 23:00
Chiến tranh đã lùi xa vào quá vãng, nhưng đến hôm nay vẫn có những bậc làm cha, làm mẹ, vì vô tình bị phơi nhiễm chất độc da cam mà sinh ra những người con dị hình, dị dạng… Liệu đến bao giờ, “nỗi đau da cam” ấy mới nguôi vơi?...

Xã Đông Sơn, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) sáng sớm chìm trong màn khói sương dày đặc. Cũng như mọi ngày, công việc đầu tiên vào lúc mặt trời mọc của ông Hồ Giang Ngân (45 tuổi), ở thôn Ân Sam, hiện là Phó Công an xã Đông Sơn là phải dìu người con gái mù của mình tên Hồ Thị Ngọc Thủy (19 tuổi) dậy khỏi giường để đi vệ sinh cá nhân và cho ăn uống… Xong tất cả mọi việc, ông Ngân mới đến trụ sở làm việc.

Trong ngôi nhà nhỏ, ông Ngân không giấu được nỗi buồn khi kể về hoàn cảnh ngặt nghèo của mình. Sinh ra ở xã Hồng Thủy, A Lưới, năm 1991, ông Ngân tìm đến vùng đất mới Đông Sơn lập nghiệp. Tại đây, ông đã yêu và cưới cô gái người dân tộc Pa Cô là Hồ Thị Liên làm vợ và chuyển về vùng sân bay A So để làm nhà, xây dựng cuộc sống mới. “Lúc đó, từ cán bộ chính quyền đến những người mới chuyển về ở như tui đều không hề hay biết, nơi mình dựng nhà cửa, đào giếng lấy nước, đào ao thả cá là vùng đất chứa nồng độ “chất diệt cỏ” lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Phải đến khi có đoàn nghiên cứu khoa học của tổ chức UB.10.80 (Canada) lên đây lấy mẫu nghiên cứu thì lúc đó mọi người mới biết mình đang sống giữa… “rốn da cam”, ông Ngân nghẹn ngào.

Gần 10 năm trời sống giữa căn cứ trung tâm sân bay A So nên vợ chồng ông Ngân, bà Liên bị phơi nhiễm chất độc da cam lúc nào không hay. Năm 1992, bà Liên chuyển dạ sinh ra đứa con đầu lòng, còn chưa kịp vui mừng đặt tên thì vợ chồng ông Ngân phải nuốt nước mắt đi đắp mộ cho con. Những năm tiếp theo, vợ chồng ông Ngân tiếp tục sinh thêm 11 người con, nhưng có đến 8 người con bị dị dạng, khuyết các phần cơ thể như tay, chân, không có mắt… và đều lần lượt chết yểu khi chưa kịp cất tiếng gọi “ba, mẹ”. Và cả 9 lần ấy, ông Ngân đều nghẹn ngào vác cuốc lên ngọn đồi trước mặt nhà để đào huyệt chôn cất những đứa con thân yêu của mình.

Ông Hồ Giang Ngân cùng em Thủy bị mù (ngồi giữa) và cô con gái út bị nhiễm chất độc da cam.

“May mắn là tui vẫn còn 3 đứa con sống sót. Thế nhưng càng lớn, các cháu lại có những biểu hiện kỳ lạ như ít nói, bị điếc và bị mù hết chú ơi. Thương con mà tui không biết phải làm răng để giúp nó…”, nằm trên giường bệnh, bà Liên nói trong tiếng khóc nấc. Ba đứa con còn sống, người con gái đầu của vợ chồng ông Ngân, bà Liên là em Hồ Thị Ngọc Thủy, nỗ lực học tập để tốt nghiệp THPT nhưng không may vừa bị mù khiến em không thể theo đuổi giấc mơ vào giảng đường. Người con thứ là Hồ Thị Ngọc Thư (17 tuổi) bị u não, mù mắt. Riêng em Hồ Thị Ngọc Linh (13 tuổi), học sinh lớp 9 Trường THCS Hương Lâm là người chịu ảnh hưởng chất độc da cam nhẹ nên chỉ bị điếc tai trái.

“Ngoài số tiền lương ít ỏi 1,1 triệu đồng/tháng, tui còn nuôi thêm hai con trâu và bò nhưng tất cả đều đã bán hết để nộp tiền viện phí, thuốc men cho các cháu… Không biết đến bao giờ, gia đình tui mới thoát hết cảnh “da cam” này”, nhìn ra ngọn núi xanh rì trước mắt, nước mắt ông Ngân rơi nhỏ giọt...

Cách nhà ông Ngân chừng 500m là nhà của vợ chồng ông Đoàn Văn Hiền (63 tuổi) và bà Căn Nhu (43 tuổi), người dân tộc Tà Ôi, ở thôn Rơ Môm, Đông Sơn. Bà Nhu đau đớn kể lại câu chuyện “mong được” làm mẹ của mình. Năm 1991, khi biết ông Hiền có người vợ đã qua đời vì bạo bệnh, bà Nhu đã tự nguyện kết hôn với ông Hiền trước sự đồng thuận của gia đình hai bên. Cũng như nhiều người khác, vợ chồng bà Nhu cũng tìm về “vùng đất hứa” ở trung tâm sân bay A So để dựng nhà, lập mô hình kinh tế. Thế nhưng, liên tiếp trong 4 năm, từ 1991 đến 1995, bà Nhu sinh ra 4 người con cả trai lẫn gái nhưng chỉ mới được gần 2 tháng tuổi thì các con của bà đều có những biểu hiện kỳ lạ rồi “đột tử”, vì không chịu bú sữa.

“Đau khổ lắm chú ơi. Lúc các cháu sinh ra vẫn bình thường nhưng sau 1 tháng, chân tay các cháu bắt đầu teo dần lại, co quắp rồi người ốm dần và chết”, bà Nhu đau đớn nhớ lại. May mắn thay, người con thứ 5 của vợ chồng bà Nhu là em Đoàn Hồng Nhang (10 tuổi), hiện học lớp 5, Trường Tiểu học Đông Sơn đã vượt qua “cửa tử” để sống, dù em đang mang trên mình nhiều di chứng của chất độc da cam.

Nói về hậu quả của chất độc da cam để lại cho người dân trên địa bàn xã biên giới Đông Sơn, Chủ tịch UBND xã A Viết Minh không giấu được nỗi buồn khi đến nay, đã có rất nhiều trẻ em ở xã được sinh ra đã “chết yểu” vì chất độc da cam. Ông Minh cho biết: “Trước tình hình nhiều hộ gia đình ở gần sân bay A So phải mất con ngay từ khi vừa sinh ra nên năm 2001, xã đã tổ chức di dời 21 hộ ở ngay trung tâm sân bay sang nơi ở mới. Tuy nhiên đến nay, xã vẫn đang mong chờ một giải pháp hữu hiệu từ cấp trên để có thể tiến hành tẩy rửa bớt một phần nào đó lượng chất độc đioxin trên địa bàn xã, giúp người dân sớm khắc phục những hậu quả nặng nề mà bao năm qua họ phải gánh chịu từ chất độc da cam”

Lê Anh
.
.
.