Vụ bác sĩ phẫu thuật làm chết bệnh nhân, ném xác xuống sông hồng:

Đại biểu QH yêu cầu làm rõ trách nhiệm Thanh tra Sở Y tế Hà Nội

Thứ Năm, 24/10/2013, 10:44
Vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật nâng ngực làm chết bệnh nhân rồi ném xác xuống sông khiến nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc lên tiếng. Nhiều đại biểu yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm Sở Y tế Hà Nội, trực tiếp là Thanh tra Sở Y tế vì không có lý do gì để tồn tại một cơ sở thẩm mĩ viện nằm giữa phố lớn, hoạt động đã 6 tháng không phép, gây hậu quả nghiêm trọng...

Đại biểu Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng phải chịu trách nhiệm

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tỏ rõ bức xúc, thẩm mĩ mà mĩ (đẹp) chưa thấy đâu đã làm mất mạng, rồi cố tình giấu giếm, phi tang là không thể chấp nhận...

- Hiện đang rộ lên xu hướng phẫu thuật làm đẹp nên rất nhiều trung tâm thẩm mĩ viện mọc lên do bác sĩ trong bệnh viện mở ra, bà thấy sao?

Phải tăng cường quản lý Nhà nước. Đã là phòng khám tư, cơ sở tư thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, cơ sở nào không có phép phải dừng hoạt động. Kể cả có phép rồi mà gây ra sự cố, gây hậu quả nghiêm trọng cũng phải dừng hoạt động để làm rõ, xử lý.

- Bác sĩ Tường mở phòng khám nhưng một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nói rằng, không biết ông Tường mở cơ sở thẩm mỹ Cát Tường ở gần đối diện Bệnh viện Bạch Mai? 

Đối với các bệnh viện, phải quản lý cán bộ, công nhân viên của mình. Theo tôi, phải có quy định bắt buộc anh nào ra làm tư bên ngoài thì phải báo cáo bệnh viện biết chứ không phải tùy tiện. Rồi việc dư luận phản ánh là đưa bệnh nhân từ trong bệnh viện ra phòng khám tư của mình, sự cố xảy ra thì quy trách nhiệm thế nào... Việc cấp phép, quy mô, tiêu chuẩn, điều kiện phòng khám phải tuân thủ quy định. Nếu vượt quy mô thì phải khoanh vùng lại...

- Phòng khám Cát Tường khá lớn, nằm ngay mặt tiền đường Giải Phóng, lại quảng bá rầm rộ trên mạng, hoạt động đã 6 tháng không phép mà Thanh tra Y tế “không biết”?

Để xảy ra sự việc như thế mà cơ quan quản lý nói rằng không biết là không đúng. Bởi cơ sở y tế hoạt động trên địa bàn mình thì mình phải quản lý, nếu để cơ sở nào không được cấp phép mà vẫn tồn tại, hoạt động thì dù anh biết hay không biết đều phải chịu trách nhiệm. Cái đó là phải nói rõ chứ không phải bảo cơ sở y tế mọc ra mà anh không biết nên không phải chịu trách nhiệm. Biết hay không biết, về mặt trách nhiệm quản lý nhà nước, đương nhiên anh phải chịu trách nhiệm.

- Vậy, vụ này cần làm rõ trách nhiệm Thanh tra Sở Y tế Hà Nội để xử lý như thế nào, thưa bà?

Về vụ này phải xem lại toàn bộ quy trình, làm rõ trách nhiệm thanh tra như thế nào. Nhưng anh để vụ việc xảy ra như vậy trên địa bàn thì anh phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình giám sát việc thực hiện bảo hiểm y tế, lúc nào chúng tôi cũng nói rằng phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề này, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu quản lý nhà nước chỉ chạy theo chuyên môn mà không tăng cường kiểm tra, thanh tra thì sẽ xảy ra những sự cố như vậy.

- Đối với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cần xác định trách nhiệm ra sao?

Ai là người chịu trách nhiệm, phân công thẩm quyền tới đâu thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tới đó. Với những sự việc nghiêm trọng như thế, Bộ Y tế phải xem lại các quy định liên quan trách nhiệm, các vấn đề liên quan chuyên môn, quản lý xảy ra trong lĩnh vực của mình.

- Dư luận lo ngại vì vừa qua xảy ra những vụ việc nghiêm trọng về y tế nhưng các Giám đốc Sở Y tế vẫn... vô can?

Trong thực tế, đối với công tác quản lý nhà nước thì khi sự việc xảy ra nghiêm trọng chưa phải là chưa bao giờ quy trách nhiệm mà tùy theo tính chất vụ việc để xác định trách nhiệm. Việc cách chức, buộc thôi việc, thuyên chuyển công tác thì ta cũng đã làm rồi, đối với toàn bộ hệ thống hành chính Nhà nước chứ không chỉ riêng lĩnh vực y tế. Trong từng vụ cụ thể phải xem tính chất, mức độ, trách nhiệm từng cán bộ liên quan.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: Bệnh viện phải biết được nhân viên của mình mở phòng khám ở đâu

Ông Bùi Sĩ Lợi bức xúc: Bác sĩ phẫu thuật gây chết người rồi phi tang cho thấy đạo đức nghề nghiệp quá kém. Quản lý có tốt bao nhiêu đi chăng nữa mà đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp không tốt thì không thể chấp nhận được...

- Phẫu thuật rồi bị dị tật, bị thiệt mạng trong khi trào lưu phẫu thuật nâng ngực, vá mông, hút mỡ thon eo... đang rất hấp dẫn với phụ nữ?

Qua việc này cho thấy, chúng ta cần phải kiểm soát các phòng khám tư nhân, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ chặt chẽ chứ không thể coi các dịch vụ này đơn thuần như các dịch vụ khác. Đây là các dịch vụ liên quan trực tiếp đến sinh mạng của con người.

- Theo ông, trách nhiệm của Bộ Y tế, Sở Y tế trong vụ việc này ra sao?

Bộ Y tế cần phải chỉ đạo sát sao, không chỉ bằng văn bản mà cả thanh tra, kiểm tra. Sở Y tế cũng phải tăng cường giám sát, chính quyền quản lý địa bàn phải nắm được có bao nhiêu cơ sở trên địa bàn của mình. Cơ quan Công an cũng phải kiểm tra hộ khẩu, hộ tịch, nhất là với đối tượng là người nước ngoài làm việc tại cơ sở y tế ở Việt Nam. Tôi cũng phải nói rằng, đã đến lúc phải có quản lý, kiểm soát việc quảng cáo tuyên tuyền chứ không để tràn lan, quảng cáo vô tội vạ như hiện nay.

- Trách nhiệm của cơ quan chủ quản đến đâu khi để bác sĩ ra ngoài mở phòng khám tư mà không biết, rồi làm chết người?

Trong luật không cấm việc bác sĩ làm thêm ngoài giờ nhưng nếu đơn vị quản lý nói như thế (không biết việc bác sĩ ra ngoài mở phòng khám - PV) là không đầy đủ trách nhiệm bởi họ phải quản lý được nhân viên của mình làm việc ở đâu.

- Ông nhận thấy điều gì khi cứ một vài tháng lại xảy ra chuyện “động trời” trong ngành Y, trước đó là vụ tiêm vaccine làm 3 trẻ chết ở Quảng Trị, rồi “nhân bản xét nghiệm” ở Hoài Đức, Hà Nội...

Qua những vụ việc trên cho thấy hai điều: Thứ nhất, đồng tiền khiến cho y đức xuống cấp. Thứ hai, quản lý nhà nước ở góc độ nào đó rất lỏng lẻo. Lấy ví dụ vụ Hoài Đức, trách nhiệm không chỉ riêng ngành Y tế mà cả ngành Bảo hiểm xã hội đã không xem xét, kiểm tra kỹ chứng từ quyết toán. Không chỉ chính quyền cần phải vào cuộc mà quan trọng nhất là phải nâng cao y đức. Qua bao nhiêu trường lớp, 6 năm đào tạo mà y đức như vậy thì không ổn, những chuyện như thế không được phép tồn tại

Đăng Minh
.
.
.