Đà Nẵng xuân này...

Thứ Sáu, 04/02/2011, 10:51
Ngày nay, du khách đến Đà Nẵng đều ngỡ ngàng khi đi trên những con đường xanh và sạch chẳng thua kém đường phố Singapore; thích thú với bãi biển đẹp từng được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh và ngỡ ngàng trước những khu phố mới, đường ngang, lối dọc như ô bàn cờ... Có được một diện mạo mới cho thành phố bên bờ sông Hàn như thế chính là nhờ sự đoàn kết, đồng thuận và nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội...

Còn nhớ sau 5 năm Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tình cờ gặp Giáo sư (GS) Kenneth Herrmann giảng dạy tại khoa công tác xã hội thuộc Trường Đại học Sunny Brockport (Mỹ), Giám đốc dự án Brockport Vietnam, tôi hỏi về sự thay đổi của diện mạo Đà Nẵng có khác gì so với thập niên 60, khi ông ta trong đội quân viễn chinh Mỹ đặt chân đến thành phố này. Lúc ấy, GS Kenneth đã thốt lên rằng, Đà Nẵng đã thay đổi quá nhiều, nó hoàn toàn đánh đổ trong ông về một thành phố nghèo nàn, lạc hậu trước đây... "Có được một Đà Nẵng vững chắc, vươn lên từ đổ nát chiến tranh, tôi biết người Đà Nẵng đã phải lao động miệt mài vun đắp nên, đặc biệt là phải có tình yêu quê hương, đất nước vô bờ bến..." - GS Kenneth đã nêu suy nghĩ của ông như vậy...  

Song, cái ngày tôi gặp gỡ GS Kenneth, Đà Nẵng còn bộn bề như một công trường xây dựng, bởi thời điểm đó thành phố đang tập trung nâng cấp, mở rộng đường sá, hình thành những khu dân cư mới. Giờ đây, trước thềm xuân mới Tân Mão 2011, đứng trên cây cầu treo dây văng Thuận Phước bắc ngang qua cửa biển phóng tầm mắt dọc bờ Đông sông Hàn, từ bán đảo Sơn Trà về Non Nước, ngay cả người Đà Nẵng cũng không thể ngờ phố mới thênh thang đã thay thế những xóm nhà lao động nghèo một thuở như có phép màu huyền thoại.

Cầu sông Hàn, biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của người dân Đà Nẵng.

Nhìn sang bờ Tây sông Hàn, không gian đô thị cũng trải dài về phía núi Hải Vân, Bà Nà và bao trùm cả vùng rộng lớn dọc theo con đường thiên lý Bắc - Nam. Không còn "xóm tre", "xóm chuối", các khu ổ chuột là nơi ẩn nấp của tệ nạn xã hội; không còn nhà chồ nhấp nhô trên sóng nước sông Hàn...Nhưng, cũng không vì thế mà tự bằng lòng, thỏa mãn. Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng vẫn tiếp tục duy trì chương trình thành phố "3 có" (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị).

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng, tiếp tục thực hiện chương trình "có nhà ở", thành phố đang triển khai xây dựng 127 khối nhà chung cư, với 11.332 căn hộ để bố trí chỗ ở ổn định cho người thu nhập thấp và hiện đã xây xong 2.859 căn sẽ đưa vào sử dụng vào đầu năm 2011. Bên cạnh đó, ngành chức năng của thành phố cùng với các phường, xã còn lo xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có đất ở ổn định, khảo sát chọn 2.000 hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở để bố trí chung cư... Đối với mục tiêu "có việc làm", trong năm 2010, thành phố phối hợp tổ chức hàng chục phiên chợ việc làm, đã tạo việc làm mới cho 32,2 nghìn lao động; cho vay giải quyết việc làm với tổng kinh phí gần 12 tỉ đồng, chiếm một nửa dự án vay là của hộ dân di dời giải tỏa để xây dựng các khu dân cơ mới.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TQVN TP Đà Nẵng, cho biết thêm: Trong năm 2010, Mặt trận huy động được hơn 60 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, trong đó Quỹ "Vì người nghèo" có hơn 12 tỷ đồng. Số tiền này đã hỗ trợ 18.000 lượt hộ nghèo khám chữa bệnh, giúp 5.000 học sinh có nguy cơ bỏ học trở lại trường; xây dựng 163 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa hơn 300 ngôi nhà người nghèo bị xuống cấp, giúp gần 1.000 hộ đặc biệt nghèo có điều kiện vươn lên và hơn 7.000 hộ thoát nghèo bền vững...

Năm 2011 tới, Đà Nẵng phấn đấu tạo việc làm mới cho trên 3,3 vạn lao động, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 5,87% (theo chuẩn mới). Đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thành phố hỗ trợ vốn làm ăn; đặc biệt đưa ra khỏi diện nghèo hộ không còn lao động để đưa vào diện trợ cấp hằng tháng ở mức bảo đảm đủ sống...

Thật ra, chương trình "3 có" là tiếp nối duy trì vững chắc chương trình "5 không" (Không có hộ đói; không có người mù chữ; không có người lang thang xin ăn; không ma tuý; không giết người cướp của) mà trước đây chính quyền Đà Nẵng đã mạnh dạn đề ra. Còn nhớ 10 năm trước, làm việc với chính quyền thành phố Đà Nẵng, nghe báo cáo chương trình "5 không", Thủ tướng Phan Văn Khải cũng khuyến khích rằng, việc đề ra các mục tiêu như vậy rất hay, song thực hiện sẽ khó khăn, không phải địa phương nào cũng làm được... Và, Đà Nẵng đã nỗ lực thành công chương trình "5 không", gặt hái nhiều kết quả đáng kể. Trên những đường phố xanh - sạch - đẹp chẳng thua kém đường phố Singapore, du khách tới Đà Nẵng có thể nhàn nhã dạo chơi, đi lại mua sắm, dường như không phải lo lắng nhiều về tình trạng kẹt xe, cướp giật, ô nhiễm môi trường...

Tôi đã gặp không ít khách du lịch nước ngoài, hỏi cảm nghĩ của họ thì ai cũng hài lòng về một Đà Nẵng "điểm đến an toàn". Họ đều ngạc nhiên vì lòng mến khách của người Đà Nẵng; ngạc nhiên vì Đà Nẵng không có người lang thang, xin ăn, buôn bán hàng rong bu bám, chèo kéo như những đô thị khác. Ngạc nhiên để rồi thán phục về một quyết sách đúng đắn của chính quyền Đà Nẵng cho một thành phố có nếp sống văn hóa - văn minh...

Lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Nẵng từng năm tăng vọt. Du khách về đây không chỉ để tham quan một Bà Nà bồng bềnh trong mây, thưởng thức một ngày với bốn mùa xuân - hạ - thu - đông; leo hàng trăm bậc đá chiêm ngưỡng những hang động đẹp đến mê hồn của thắng cảnh Ngũ Hành Sơn mà còn được nô đùa trong sóng biển - bãi biển quyến rũ nhất hành tinh mà chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã biết cách gìn giữ.

Chủ tịch Trần Văn Minh tâm sự, chính quyền Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường, nhất là môi trường biển, một thế mạnh về du lịch mà thiên nhiên đã ban tặng. Vì thế, bất kỳ chủ đầu tư dự án du lịch nào vào Đà Nẵng đều phải đưa ra giải pháp xây dựng bảo đảm môi trường hiệu quả thì mới được cấp phép. Để giải quyết vấn đề môi trường biển, Đà Nẵng đã đầu tư gần 41 triệu USD xây dựng hệ thống xử lý nước thải và kiên quyết xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Chính sự kiên quyết đó của chính quyền Đà Nẵng càng tạo lòng tin cho các nhà đầu tư đến thành phố này...

Đà Nẵng đang đổi mới từng ngày.

Tết Tân Mão 2011 đang cận kề, tôi lại nhận được thông tin từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng, GS Kenneth sắp có chuyến quay lại Đà Nẵng. GS Kenneth từng bị một số người Mỹ coi là "kẻ nổi loạn", vì ông lên tiếng phản đối kịch liệt Dự luật nhân quyền Việt Nam, tích cực ủng hộ vụ kiện đòi quyền lợi cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Song, ông vẫn bất chấp sự phê phán cực đoan đó, vì hiểu được cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân đội Mỹ ở Việt Nam...

Tự dưng tôi có cảm nghĩ, lần này trở lại thành phố Đà Nẵng, GS Kenneth sẽ ngạc nhiên hơn nhiều. Và, chắc chắn ông sẽ nhận ra rằng, truyền thống về tình yêu quê hương, Tổ quốc có sẵn tự trong máu thịt của mỗi người dân nước Việt và người Đà Nẵng nói riêng, nên trong chiến tranh đấu cật chung lưng đánh giặc; hết chiến tranh thì đồng sức, đồng lòng xây dựng xã hội phồn vinh, đất nước càng thêm giàu đẹp...

Long Vân - CAND Xuân Tân Mão 2011
.
.
.