Đà Nẵng: Nhà máy chế biến bột cá sắp phá sản?

Thứ Ba, 17/07/2007, 19:58
Nhà máy Chế biến bột cá đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì phải ngừng lại do người dân không chấp nhận mùi cá biển. Thay vì phản ảnh lên chính quyền và cơ quan chức năng giải quyết, một số người đã tự động đập phá nhà cửa, tài sản khiến nhà máy phá sản, thua lỗ hàng tỷ đồng.

Sau khi đã đầu tư thêm 1 tỷ đồng, ngoài vốn chuyển nhượng 4,6 tỷ từ Công ty TNHH Thịnh Phát bị phá sản, nâng cấp thiết bị, cải tiến công nghệ, lắp đặt hệ thống xử lý thải, Nhà máy Chế biến bột cá của Công ty TNHH Thành Long tại thôn Phú Sơn Tây xã Hòa Khương huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vừa đi vào hoạt động hơn 1 tuần đã phải ngừng sản xuất.

Cũng như doanh nghiệp trước, Công ty TNHH Thành Long đang đối mặt với sự phản đối của người dân quanh vùng về ô nhiễm môi trường. Hai tuần nay, ông Trần Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thành Long cùng các đồng sự ăn ngủ không yên. Cơ ngơi vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng, phải án binh bất động. Công nhân vừa tuyển dụng phải nghỉ việc.

Không những vậy, thỉnh thoảng họ còn bị một số vị khách không mời mà đến vào nhà máy gây khó dễ. Số khách này chủ yếu là người địa phương, khi đã nồng nặc mùi bia rượu là ngật ngà ngật ngưỡng vào nhà máy gây sự, đòi đập phá nhà cửa, thiết bị như họ đã từng làm với Công ty TNHH Thịnh Phát trước đây. 

Máy chế biến xử lý bột cá của Công ty TNHH Thành Long.

Cách đây 3 năm, Nhà máy Chế biến bột cá do Công ty TNHH Thịnh Phát đầu tư tại thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương theo Quyết định số 9135/ QĐ-UB ngày 11/11/2002 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chi tiết xây dựng Nhà máy Chế biến bột cá - hải sản.

Vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng, Công ty TNHH Thịnh Phát đã xây dựng nhà máy thuộc loại hiện đại nhất khu vực miền Trung về lĩnh vực chế biến bột cá. Đáng tiếc, sản xuất chưa được bao lâu, nhà máy phải ngừng hoạt động. Ngày đó, mùi đặc trưng của cá biển khi đưa vào chế biến, người dân vùng trung du Hoà Khương khó chấp nhận.

Thay vì phản ảnh lên chính quyền và cơ quan chức năng giải quyết, một số người đã tự động xông vào đập phá nhà cửa, tài sản của nhà máy. Trước áp lực đó, cán bộ, công nhân Công ty TNHH Thịnh Phát đành "bỏ của chạy lấy người", chịu phá sản, thua lỗ hàng tỷ đồng.

Đầu năm 2005, sau khi giải tỏa Nhà máy Chế biến bột cá tại phường Thọ Quang (Sơn Trà), Công ty TNHH Thành Long được UBND TP Đà Nẵng cho phép đầu tư xây dựng nhà máy mới tại thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương, bên cạnh nhà máy của Công ty TNHH Thịnh Phát.

Trong khi nhà máy của Công ty TNHH Thịnh Phát đang có nguy cơ trở thành đống sắt vụn, Công ty TNHH Thành Long quyết định mua lại. Ngày 3/2/2007, công ty đã hoàn tất việc tiếp nhận nhà máy từ Công ty TNHH Thịnh Phát và triển khai ngay việc cải tiến, nâng cấp.

Vừa đi vào sản xuất đầu tháng 6, niềm vui chưa trọn, cán bộ công nhân Công ty TNHH Thành Long đã gặp ngay sự rắc rối cũng chỉ vì ô nhiễm môi trường. 

Trao đổi về thực trạng ô nhiễm môi trường của Nhà máy Chế biến bột cá Thành Long, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, ông Quách Thu cho hay: So với Công ty TNHH Thịnh Phát trước đây, Công ty TNHH Thành Long đã có chuyển biến đáng kể. Họ đã đầu tư khá lớn cho việc xây các bể chứa, lắp đặt hệ thống xử lý mùi hôi. Tuy vậy, mùi hôi vẫn chưa khắc phục triệt để. Việc vận chuyển nguyên liệu chưa đảm bảo.

Vừa qua, UBND xã nhận một số đơn kiến nghị của người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường khi nhà máy đi vào hoạt động. UBND đã lập tờ trình đề nghị ngành chuyên môn huyện giải quyết.

Ông Thu cho biết thêm, chính quyền địa phương rất hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, không bao giờ chấp nhận kiểu đe dọa đập phá của một số người dân như trước đây. Ông cũng yêu cầu Công ty TNHH Thành Long phải cải tiến công nghệ, ưu tiên đầu tư cho khâu xử lý sao cho hài hoà giữa sản xuất và môi trường để người dân chấp nhận được.

Cán bộ và nhân dân thôn Phú Sơn Tây thì cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy chế biến bột cá hiện nay đã cải thiện đáng kể. Ông Phạm Hường - Trưởng thôn; ông Nguyễn Ngọc Xuân, nhà cách nhà máy chừng 300m khẳng định: mức độ ô nhiễm đã giảm một nửa so trước đây.

Chị Lê Thị Phượng cư dân trong thôn phản ánh: Khi tập kết nguyên liệu về thì mùi hơi khó chịu, khi máy hoạt động vào giai đoạn sấy thì rất dễ chịu. Vấn đề bà con quan tâm nhất là khâu vận chuyển còn để nước từ nguyên liệu đổ dọc đường gây mùi hôi.

Chị Mai Thị Xí nhà đối diện với nhà máy có sự cảm thông hơn. Chị nói, cá dùng chế biến thức ăn gia súc tránh sao khỏi hôi. Nếu cứ cảm thấy mùi hôi, bắt nhà máy ngừng hoạt động sao đành. Doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng chứ đâu ít, không lẽ để thêm một doanh nghiệp nữa phá sản. 

Từ thực trạng nêu trên, thấy rằng ô nhiễm môi trường từ Nhà máy Chế biến bột cá của Công ty TNHH Thành Long chưa nghiêm trọng đến mức phải ngừng hoạt động. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác định mức độ ô nhiễm tại Nhà máy này để làm cơ sở pháp lý đảm bảo hoạt động đúng quy định.        

Ông Trần Thành cho biết: Công ty sẽ làm hết khả năng giảm ô nhiễm môi trường ở mức thấp nhất. Trước mắt sẽ đầu tư 2 xe đông lạnh dùng vận chuyển nguyên liệu. Vấn đề quan trọng nhất là khâu an ninh trật tự. Nếu tình trạng đe dọa, đập phá của một số đối tượng càn quấy không ngăn chặn kịp thời, sự phá sản của doanh nghiệp khó tránh khỏi.

Về nhân lực, ông cho biết: hiện tại đã tuyển dụng gần 40 lao động là người địa phương, khi nhà máy phát huy hết công suất sẽ tuyển dụng thêm.

Chế biến bột cá, lĩnh vực không thể xử lý triệt để mùi đặc trưng vốn có của cá biển loại chất lượng thấp. Vấn đề đặt ra là cần có sự cảm thông của cả người dân địa phương và nỗ lực doanh nghiệp để cùng tồn tại và phát triển.

Theo chúng tôi, chính quyền xã Hòa Khương cần có giải pháp mạnh trong việc ngăn chặn sự càn quấy của một số đối tượng bất hảo, đảm bảo an toàn cho nhà máy, không để xảy ra tình trạng đáng tiếc như Công ty TNHH Thịnh Phát từng gánh chịu

Hoài Nam
.
.
.