Đà Nẵng: Đăng ký, đăng kiểm cho tàu đánh cá để hạn chế tai nạn

Thứ Ba, 20/09/2005, 08:00

Trong số gần 2.000 tàu cá đánh bắt ven bờ của ngư dân Đà Nẵng, chỉ có khoảng một nửa trang bị phao cứu sinh, nhưng cũng không trang bị đầy đủ cho tất cả các thuyền viên.

Chỉ tính trên vùng biển Đà Nẵng, thống kê của BCH Bộ đội Biên phòng Tp. Đà Nẵng cho biết: Trong vòng 4 năm trở lại đây (2002-2005), xảy ra 350 vụ tai nạn đối với tàu đánh cá, làm chết 81 người, bị thương hàng chục người khác, chìm và hư hỏng 87 tàu, 11 ghe… thiệt hại ước tính khoảng 11 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2005, xảy ra 80 vụ tai nạn, làm 20 người chết, 3 người khác bị thương, thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các tàu đánh cá thiếu các trang thiết bị về đảm bảo an toàn hàng hải, chấp hành các qui định an toàn giao thông đường thuỷ chưa nghiêm.

Ông Trần Văn Huy - Giám đốc Sở Thuỷ sản nông lâm (TSNL) Tp. Đà Nẵng, cũng đồng ý với đánh giá về nguyên nhân của tai nạn tàu đánh cá trên biển như vậy và cho biết thêm: Tại Tp. Đà Nẵng hiện có 2.178 tàu đánh cá; trong đó có gần 1100 chiếc có công suất trên 30CV, 900 chiếc công suất dưới 20-30CV và 159 chiếc có công suất 90CV trở lên. Số tàu trên dưới 30 sức ngựa chỉ đánh bắt cá vùng biển ven bờ là chính, số tàu còn lại thì vươn khơi dài ngày.

Box: Thống kê chưa đầy đủ của Cảng vụ Đà Nẵng cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2005, đã xảy ra 8 vụ tai nạn nghiêm trọng đối với các tàu viễn dương. Tuy nhiên, con số này chỉ là "chuyện nhỏ" so với số vụ tai nạn đối với tàu đánh cá của ngư dân.

Điều đáng quan tâm, gần 2.000 tàu cá đánh bắt ven bờ, chỉ có khoảng một nửa trang bị phao cứu sinh; nhưng cũng không trang bị đầy đủ cho tất cả các thuyền viên. Tàu có 6 thuyền viên thì chỉ trang bị 3-4 phao cứu sinh. Đặc biệt, chiếm gần 90% của 900 chiếc tàu có công suất 20-30CV hiện chưa đăng ký, đăng kiểm; tập trung hầu hết là tàu của ngư dân các phường Thọ Quang, Mân Thái (quận Sơn Trà). Điều này là khó khăn lớn đối với công tác quản lý tàu, thuyền của Sở TSNL; làm tăng nhanh các vụ tai nạn trên biển gây thiệt hại lớn về người và tài sản của ngư dân trong thời gian qua...

Về biện pháp để làm giảm tai nạn của các tàu đánh cá trên biển, ông Trần Văn Huy cho rằng, cần phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân có ý thức sắm đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi, nhất là việc trang bị phao cứu sinh cho thuyền viên. Đến nay, nhiều ngư dân vẫn còn mang nặng tư tưởng mê tín, cho rằng: Ra biển đem theo phao cứu sinh là mua lấy sự rủi ro, nên không trang bị. Bộ Thủy sản đã từng bán phao cứu sinh "Quỹ nhân đạo nghề cá" thu tiền 50% giá trị, còn lại hỗ trợ, song có rất ít ngư dân mua sắm.

Bên cạnh là việc quản lý tàu, thuyền của các cơ quan hữu trách thông qua công tác đăng ký, đăng kiểm. Hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân các phường Thọ Quang, Mân Thái chưa đăng ký, đăng kiểm là do Cục Thuế thành phố kết hợp thu thuế ngay tại cơ quan đăng ký, đăng kiểm; trong khi ngư dân sợ... nộp thuế nên họ không đến đăng ký, đăng kiểm.

Vừa qua, UBND Tp. Đà Nẵng đã họp bàn với các quận, huyện quyết định không thu thuế kết hợp với đăng ký, đăng kiểm tàu nữa. Ngoài ra, Sở TSNL còn thành lập các tổ, đội tàu "tương hỗ trên biển" (mỗi tổ, đội gồm 5 tàu, thuyền) để giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn về vốn liếng, hoạn nạn. Thông qua việc đăng ký, đăng kiểm tàu rộng rãi và đặc biệt là hoạt động của các tổ, đội tàu "tương hỗ trên biển", các tàu sẽ mua sắm đầy đủ trang thiết bị về an toàn hàng hải, nhất là phao cứu sinh cho thuyền viên, chấp hành nghiêm chỉnh các qui định hiện hành về an toàn giao thông đường thủy

Long Vân
.
.
.